Quản lý quá trình thu gom, xử lý chất thải nguy hại: Huy động sự giám sát của cộng đồng

Người dân, cộng đồng cùng tham gia vào quá trình giám sát, nhanh chóng phản ánh với cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm thông qua hình ảnh, gọi điện vào đường dây nóng để có những biện pháp xử lý kịp thời.

Chất thải nguy hại có thể gây tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người, do vậy cần có các biện pháp quản lý đặc biệt và xử lý một cách an toàn…

Người gây ô nhiễm phải trả tiền vì ô nhiễm

Nhật Bản là một trong những quốc gia thành công trong việc xử lý rác thải nói chung và rác thải nguy hại nói riêng. Những năm 1960, "đất nước mặt trời mọc" đã phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng chất thải một số đô thị.

Để giải quyết tình trạng này, những năm 1990-2000, Nhật Bản đã thực hiện chính sách cho doanh nghiệp có thể sản xuất bất kỳ thứ gì nhưng phải trả phí tái chế hoặc tự chịu trách nhiệm tái chế lại sản phẩm của mình khi bán ra. Có nghĩa là buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm chi phí xử lý chất thải sau tiêu dùng.

Dự kiến đến năm 2020, bình quân mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh 90 tấn rác thải y tế phải xử lý. Ảnh minh họa: Hà Nội Mới

Dự kiến đến năm 2020, bình quân mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh 90 tấn rác thải y tế phải xử lý. Ảnh minh họa: Hà Nội Mới

Nhật Bản cũng đã ban hành Luật tái chế áp dụng đối với một số chất thải cụ thể. Nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ tiếp nhận xe hơi đã qua sử dụng và tái chế một số bộ phận. Khách hàng mua các thiết bị gia dụng sẽ được nhận lại phí tái chế khi đem nộp lại các thiết bị cho các đại lý. Bằng những giải pháp này, Nhật Bản đã thành công trong việc kiểm soát chất thải ra môi trường.

Ông Đinh Đăng Hải, Chuyên gia cao cấp của Tổ chức vì thành phố sống tốt (Healthbride Canada tại Việt Nam), cho biết tại nhiều quốc gia châu Âu, trong đó điển hình như Đức và Thụy Điển giao trách nhiệm quản lý chất thải nguy hại cho các doanh nghiệp theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền vì ô nhiễm”.

Ví dụ, trong giá bán của một viên pin bao gồm tiền xử lý chất thải viên pin. Điều này, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất pin phải nghiên cứu làm sao để tạo ra một viên pin mới với công công nghệ mới mà không tạo ra rác thải thì sẽ hạn chế chi phí, công thu hồi pin lại.

Thông qua những cơ chế tài chính, các doanh nghiệp sản xuất phải thu hồi lại những chất thải nguy hại để quản lý. Đơn cử như Đức có cơ chế bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ sản xuất để giảm thiểu chất thải trong hàng hóa.

Tại Việt Nam, chính quyền huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đã triển khai thực hiện Chương trình Đổi rác thải nguy hại lấy sách vở cho học sinh trong năm năm qua thu gom được hơn 40 tấn rác thải nguy hại. Chương trình được tổ chức mỗi năm một lần, mỗi lần thu gom trong vòng ba ngày ở các xã trên địa bàn huyện và thu gom được khoảng 7 - 8 tấn rác thải nguy hại. Chương trình không chỉ thu hút đông đảo người dân tham gia mà còn thay đổi thói quen vứt rác thải nguy hại của người dân vùng nông thôn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Huy động sự giám sát của cộng đồng

TS Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, dẫn chứng kinh nghiệm của Singapore - quốc gia thành công trong quản lý rác thải, trong đó có chất thải nguy hại, bằng việc thực hiện tốt công tác giám sát việc thực thi quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.

Người dân, cộng đồng cùng tham gia vào quá trình giám sát, nhanh chóng phản ánh với cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm thông qua hình ảnh, gọi điện vào đường dây nóng để có những biện pháp xử lý kịp thời. TS Nam đề xuất, để công tác quản lý chất thải nguy hại của Việt Nam hiệu quả hơn, giảm tải áp lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giám sát và thực thi pháp luật.

Ông Đinh Đăng Hải thì cho rằng, việc xử lý những ảnh hưởng, tác động của chất thải nguy hại ra môi trường sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với việc quản lý chất thải nguy hại ngay từ khâu sản xuất. “Nếu Việt Nam có những cơ chế để khuyến khích những người sản xuất thay đổi công nghệ để làm sao giảm thiểu chất thải nguy hại ngay từ đầu thì quá trình quản lý và xử lý sẽ giảm áp lực đi rất nhiều”, ông Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc nâng cao năn lực và vai trò của cán bộ môi trường địa phương cũng là điều cần tính tới nhằm tăng hiệu quả quá trình giám sát thực thi xử lý chất thải công nghiệp.

Bộ Tài Nguyên và môi trường hiện đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật về lò đốt chất thải công nghiệp, quy chế tái chế dầu thải… Trước khi cấp phép các công nghệ xử lý chất thải, ngoài việc đáp ứng những yêu cầu, quy định của pháp luật hiện hành, các cơ quan quản lý môi còn mời các chuyên gia đến thẩm định công nghệ trước khi thực hiện cấp phép.

Ông Đỗ Tiến Đoàn, chuyên viên Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường), cho biết Bộ Tài nguyên và môi trường đã trình chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 38, cụ thể Nghị định 40, trong đó quy định phải lắp đặt thêm các thiết bị quan trắc tự động liên tục đối với lò đốt và truyền dữ liệu liên tục về cho địa phương. Song song với đó, đối với nước thải cũng phải lắp thiết bị giám sát tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và môi trường, tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát .

Nhiều ý kiến cho rằng, để quản lý chất thải nguy hại nói riêng và quản lý rác thải nói chung, ngoài việc xây dựng các quy định, văn bản pháp luật, giám sát quá trình thực thi, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những nguy hại của hành vi đổ trộm, xử lý chất thải nguy hại ra môi trường.

Xử lý chất thải nguy hại nếu không được thực hiện đúng quy trình, do các đơn vị có chuyên môn xử lý, có thể khiến chi phí khắc phục sự cố tăng gấp hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần. Điều đáng nói, hành vi xả thải trộm chất thải công nghiệp nguy hại có thể gây ảnh hưởng tới môi trường, làm ô nhiễm đến đất, nguồn nước mặt, nước ngầm và tác động tới sức khỏe người dân về lâu dài.

________________________

Chương trình Đổi rác thải nguy hại lấy sách vở cho học sinh.

Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Cẩm Mỹ triển khai Chương trình Đổi rác thải nguy hại lấy sách vở cho học sinh. Rác thải sẽ được quy đổi theo từng loại. Ví dụ: Một cuốn vở đổi lấy 3 cục pin đèn loại lớn hoặc 10 cục pin loại nhỏ; bóng đèn dài 1,2 mét sẽ đổi được 1 cuốn vở...

Hệ thống văn bản nhà nước liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong đô thị gồm một số các văn bản chính:

Luật: Luật Bảo vệ môi trường (Số 55/2014/QH13)

Chiến lược: Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020. Tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5.9.2012); Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 12/.12.2009); Chiến lược phát triển chất thải rắn tại các khu đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 152/1999/QĐ-TTg ngày 10.7.1999).

Nghị định: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Số 19/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015); Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu (Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24.4.2015); Nghị định về sản xuất và cung ứng sản phẩm , dịch vụ công ích (Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16.10.2013);

Chương trình quốc gia: Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020.

Quyết định: Công bố định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị (Quyết định số 529/QĐ-BXD ngày 30.5.2014 của Bộ Xây dựng)

Minh Hân

An ninh nguồn nước: Không thể phó mặc cho một doanh nghiệp nào đó!
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin đường ống nước sông Đà bị rò rỉ
Có 'lợi ích nhóm' trong sản xuất và phân phối nước sạch?
Sự cố nước nhiễm bẩn 'hé lộ' an ninh nguồn nước còn nhiều lỗ hổng
HĐND TP Hà Nội không đồng ý trợ giá nước sạch sông Đuống
Nước sạch: Trách nhiệm nhà nước
Công ty Gốm sứ Thanh Hà: “Số dầu thải đó đúng là của chúng tôi”
Nghi phạm thứ 3 vụ đổ thải nguồn nước sông Đà ra đầu thú
Khởi tố vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà, gây ô nhiễm nghiêm trọng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/quan-ly-qua-trinh-thu-gom-xu-ly-chat-thai-nguy-hai-huy-dong-su-giam-sat-cua-cong-dong-21920.html