Quản lý rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu

TS Chiristopher Field: Lồng lồng ghép việc ứng phó BĐKH với phát triển nông nghiệp là bước đi rất đúng đắn của Việt Nam

Theo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), biến đổi khí hậu là do con người gây ra. Do đó, không chỉ một quốc gia mà toàn cầu phải vào cuộc để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Điều này đã được TS Chiristopher Field, đồng Chủ tịch Nhóm làm việc II, IPCC và Giám đốc văn phòng Sinh thái toàn cầu, Viện nghiên cứu Carnegie nhấn mạnh tại cuộc họp báo chiều 25/3 do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức. TS Field đánh giá cao việc Việt Nam đã phê chuẩn Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là bước đi đúng đắn khi lồng ghép việc ứng phó biến đổi khí hậu với phát triển nông nghiệp; đồng thời cho biết, IPCC sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho Việt Nam đưa ra những chính sách tốt hơn về ứng phó vấn đề này. Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN, chúng ta cần hướng đến giải pháp “ứng phó thông minh” chứ không phải chỉ có đối phó. Điều đó đồng nghĩa với việc cần đầu tư có chiều sâu nhằm quản lý những rủi ro các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan. Hiện tại, ĐHQGHN là một trong số ít trường trên thế giới đào tạo trình độ thạc sĩ về biến đổi khí hậu. Trước đó, từ 22-25/3, ĐHQGHN đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu lần đầu tiên tại Việt Nam của IPCC với chủ đề: “Quản lý rủi ro các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu- SREX”. Các đại diện: ĐHQGHN, Đại sứ Vương quốc Na Uy, IPCC, Bộ TN-MT tham dự họp báo chiều 25/3 Biến đổi khí hậu đang diễn ra và Việt Nam là một trong những nước đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những tác động bất lợi của biến đổi khí hận như lũ lụt và hạn hán, mực nước biển dâng và xâm nhập mặn, cũng như gia tăng các rủi ro về sức khỏe do các đợt nắng nóng gay gắt, sốt xuất huyết và sốt rét. Việt Nam đưa ra ước số mực nước biển dâng tính trung bình là 1m vào năm 2100, có thể làm ngập một diện tích đất là 30.945 km2 (bằng 9,3% diện tích đất bề mặt của Việt Nam) nếu không có các biện pháp gia cố đê điều và các hệ thống tiêu thoát nước. Để đối phó với tình hình trên, Việt Nam đã xây dựng một Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, với các hành động tập trung vào giai đoạn 2009-2015, được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12/2008./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=395641&co_id=30085