Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng về chủng loại. Một số loại khoáng sản có trữ lượng, tiềm năng lớn có thể phát triển thành ngành công nghiệp như dầu khí, bauxite, titan, than, đất hiếm, tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt.

 Tọa đàm: Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý. Ảnh: VGP/Thái Hòa

Tọa đàm: Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý. Ảnh: VGP/Thái Hòa

Để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, Đảng, Nhà nước đã sớm xây dựng cũng như từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về quản lý tài nguyên. Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đến năm 2020, Việt Nam có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững.

Vậy các nguồn tài nguyên sẽ được quản lý và sử dụng như thế nào cho hiệu quả? Để trả lời câu hỏi này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý" với sự tham dự của các khách mời: Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam và ông Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường;

Để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, quy định pháp luật về khoáng sản và xây dựng nhiều chương trình, dự án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Những chính sách này đã ảnh hưởng như thế nào đến việc quản lý sử dụng khoáng sản ở Việt Nam thưa ông?

Ông Lại Hồng Thanh: Đến thời điểm hiện nay, hệ thống chính sách và quy định pháp luật về khoáng sản cũng đã trải qua nhiều giai đoạn. Chúng ta có Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản năm 1989, Luật Khoáng sản năm 1996 sau đó sửa đổi, bổ sung vào năm 2005. Đến năm 2010, chúng ta có Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Ngoài ra chúng ta có 8 nghị định, trong đó có 2 nghị định được thay thế. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký Nghị định số 23 ngày 24/2/2020 về quản lý cát, sỏi lòng sông. Đây là nghị định duy nhất quản lý riêng một loại khoáng sản. Ngoài ra Bộ TN&MT, các bộ, ngành liên quan đã xây dựng và ban hành khoảng 50 thông tư, thông tư liên tịch.

Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực năm 2011, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản được hoàn thiện. Đây là một bước hành lang pháp lý và cơ sở quan trọng để chúng ta quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản và đưa ngành công nghiệp khai khoáng nước ta phát triển theo hướng bền vững.

Nhiều ý kiến cho rằng chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên còn bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ và chưa sát với thực tế. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thế Chinh: Trước khi nhận định một vấn đề, cần nhìn tổng thể. Theo như anh Thanh chia sẻ, chúng ta đã rất nỗ lực trong quá trình nhìn tổng thể của nền kinh tế. Tuy nhiên, sẽ có những bất cập không thể tránh khỏi. Đặc biệt trong bối cảnh nước ta chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nghĩa là mọi điều hành thuộc về Nhà nước và bây giờ chuyển sang thị trường, thì không thể hoàn thiện trong một lúc. Chúng ta cần phải gỡ từng bước một, đó là thực tế.

Chúng ta hình dung để có 40 triệu tấn than cần nỗ lực rất lớn trong việc đáp ứng nền kinh tế, cũng như đầu tư cho phát triển. Trong thực tiễn quản lý, còn nhiều vấn đề chúng ta chưa phủ hết được. Bởi lẽ đây là tài sản, trong khoa học gọi là vốn tự nhiên, của thiên nhiên ưu đãi cho các quốc gia. Từ chỗ mới có pháp lệnh, cho đến luật đã là thay đổi, mới nhất là Luật Khoáng sản có hiệu lực năm 2011. Hôm nay chúng ta chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới, thực hiện chiến lược khoáng sản trong 10 năm tới. Tôi nghĩ rằng đây là một thời kỳ đủ lớn, đủ dài để chúng ta nhận ra được những bất cập. Đây cũng là điều chúng tôi đang nghiên cứu tháo gỡ, để khai thác một cách có hiệu quả nhất nhưng phải mang tính bền vững, đồng thời đây là một thách thức chúng tôi thấy cần tiếp tục hoàn thiện.

Tài nguyên chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ tiềm năng, các giá trị; chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững, một số loại bị khai thác quá mức nên suy thoái, cạn kiệt… cũng là một trong những vấn đề cấp thiết cần được sớm xử lý. Quan điểm của ông thế nào về nội dung này?

Ông Lại Hồng Thanh: Sau khi có Luật Khoáng sản năm 2010, lần đầu tiên chúng ta có Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng ban Chính phủ hành năm 2011. Chiến lược khoáng sản được Thủ tướng ban hành lần đầu tiên, thực chất đây là thực hiện quy định của Luật Khoáng sản, mà lần đầu tiên chúng ta có quy định trong Luật về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi ban hành chiến lược trong việc quản lý sử dụng khoáng sản. Chúng ta có Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đến thời điểm hiện nay, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 14 quy hoạch cho hơn 40 loại khoáng sản đang sử dụng khai thác chủ yếu hiện nay. Về góc độ thể chế cũng như kế hoạch quy hoạch của Nhà nước trong quản lý khoáng sản thời gian vừa qua, đặc biệt từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực đến nay, đây là một cơ sở để quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác quản lý, sử dụng khoáng sản đang có nhiều bất cập như vừa nêu.

Trong thời gian tới, phải đánh giá đây là nguồn tài sản công, vì vậy phải xác định được tiềm năng và nguồn lực của nguồn tài nguyên khoáng sản đó. Đánh giá đúng thực trạng nguồn lực của đất nước thông qua công tác điều tra, cũng như thống kê, kiểm kê tài nguyên khoáng sản. Trên cơ sở đó, đề xuất được chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý và khai thác khoáng sản. Do đây là nguồn tài sản công, nên trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng chiến lược quy hoạch khoáng sản là rất cần thiết.

Tình trạng khai thác và xuất khẩu khoáng sản trái phép vẫn tồn tại, thậm chí quy mô có vẻ như lớn hơn, lộng hành hơn. Phải chăng các chế tài xử phạt của chúng ta chưa đủ mạnh tay? Theo ông chúng ta cần thêm những chế tài gì để giải quyết dứt điểm tình trạng này?

Trước khi có Luật Khoáng sản năm 2010, các chế tài về xử lý vi phạm đối với công tác quản lý, đặc biệt là khai thác và sử dụng khoáng sản chúng ta đã có, như Nghị định 150/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/7/2004 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản. Sau đó có sửa đổi, bổ sung ở Nghị định 17.

Ông Lại Hồng Thanh. Ảnh: VGP/Thái Hòa

Ông Lại Hồng Thanh:

Tuy nhiên, trong thời gian đó, các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản cũng như các mức chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Bộ TN&MT đã đề xuất Chính phủ ban hành các nghị định xử phạt vi phạm hành chính để tăng chế tài xử phạt và đã đạt được một số kết quả rất đáng kể.

Nghị định số 142/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Trong Nghị định này đã tăng trên 60 hành vi cần phải xử lý vi phạm đối với hành vi quản lý, đặc biệt là khai thác khoáng sản mà trước kia chưa có. Thứ hai, nâng mức xử phạt quy định chi tiết để có tính khả thi của các chế tài đó.

Sau 4 năm thực hiện, ngày 3/4/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 142 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Xuất phát từ thực tiễn chúng ta quản lý và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, Nghị định này có hiệu lực từ năm 2017.

Sau gần 3 năm thực hiện, Bộ TN&MT thấy rằng các chế tài xử phạt đã tạo một bước chuyển biến. Từ năm 2012 đến nay, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã giảm, thường xuyên giảm theo hàng năm. Đến nay hoạt động khai thác khoáng sản giảm đáng kể về cả số lượng tỉnh, thành phố cũng như loại khoáng sản bị khai thác trái phép. Điều này thể hiện hiệu lực của các chế tài xử phạt.

Tuy nhiên, thực tế chưa đáp ứng yêu cầu, vì vậy, thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Bộ TN&MT đã xây dựng nghị định mới và đã trình Chính phủ, lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ để chuẩn bị ban hành trong thời gian tới để thay thế Nghị định số 33 để kịp thời bổ sung các hành vi cần xử phạt, đồng thời nâng cao các chế tài xử phạt bảo đảm tính răn đe.

Tôi nghĩ rằng điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, cũng như quy định của pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng khoáng sản trong thời gian tới.

Vấn đề giải phóng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi đất nước đang có nhiều cơ hội chuyển mình phát triển mạnh mẽ, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Chinh: Một trong những nguyên tắc rất quan trọng trong kinh tế đó là đầu vào. Khoáng sản là đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế. Nếu chúng ta giải phóng hoặc tháo gỡ được các nút thắt của cơ chế, vướng mắc thì nó sẽ có tác dụng rất lớn trong việc bảo đảm kinh phí phù hợp trong bối cảnh thị trường cạnh tranh không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Từ đó, nó đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt trong quản lý.

Mặt khác khoáng sản là tài sản chung, vì vậy khi đưa vào nền kinh tế làm sao để vừa bảo đảm đáp ứng nền kinh tế, vừa thu được nguồn vốn của thiên nhiên. Chính vì vậy, chiến lược của khoáng sản là hết sức quan trọng.

Cuối năm 2019, Thủ tướng có bài viết với tựa đề “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”. Trong bài viết này 1 trong 4 định hướng lớn là tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, bảo đảm cho nguồn lực tự nhiên được khai thông, giải phóng tối đa, vận hành thông suốt, phân bổ và sử dụng có hiệu quả theo cơ chế thị trường để phục vụ cho trước mắt và tính toán cả dự trữ cho tương lai. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Ông Lại Hồng Thanh: Nguồn tài nguyên khoáng sản là một trong những nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, tài nguyên khoáng sản là một tài sản hữu hình nhưng hữu hạn. Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu cần phải nắm được nguồn tài nguyên khoáng sản này.

Được thành lập từ năm 1945, ngành địa chất sau 75 năm đã xác định được trên 5.000 điểm quặng và trên 60 loại khoáng sản khác nhau. Hiện nay, 45 loại khoáng sản đang được khai thác chủ yếu với khoảng trên 500 giấy phép khai thác thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT và trên 3.000 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguồn lực này đáp ứng cơ bản nhu cầu khoáng sản cho đất nước. Muốn phát huy được nguồn lực này, chúng ta phải nắm được nó. Hiện nay, Việt Nam đã lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 với 70% diện tích đất liền, còn 30% diện tích chúng ta chưa lập bản đồ địa chất khoáng sản. Sắp tới chúng ta cần đầu tư nhiều hơn để nắm được đầy đủ nguồn lực này.

Thứ hai, khi giao cho các tổ chức cá nhân quản lý, khai thác thì điều đầu tiên chúng ta phải biết được các tổ chức, cá nhân đó quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản như thế nào. Chúng ta phải thống kê và kiểm kê được nguồn lực đó. Trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát lại các chiến lược bởi, vì hiện nay ta mới có chiến lược đến năm 2020, các quy hoạch cũng đã đến hạn 2020. Như vậy thời gian sắp tới cần phải đánh giá rõ tiềm lực này, trên cơ sở đó để đề xuất các chiến lược cũng như các quy hoạch, kế hoạch khai thác.

Đối với các doanh nghiệp, chúng ta cần phải có cơ chế khyến khích đầu tư về vốn, công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa khoáng sản trong quá trình khai thác, chế biến để gia tăng giá trị của khoáng sản trong lòng đất sau khai thác.

Trong chỉ đạo của Thủ tướng có mấy ý như này: Thông suốt, tức là đáp ứng nền kinh tế, nhưng theo cơ chế thị trường mà vẫn phải bảo đảm dự trưc cho tương lai. Đây là bài toán không dễ.

Ông Nguyễn Thế Chinh. Ảnh: VGP/Thái Hòa

Ông Nguyễn Thế Chinh:

Dự báo xu thế thị trường là hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển rất nhanh như hiện nay; thị trường sẽ định hướng việc khai thác, sử dụng. Tuy nhiên đẩy hết cho thị trường cũng không được. Vậy cách điều phối như thế nào thì đòi hỏi các nhà quản lý, các nhà chiến lược phải có cái nhìn rộng, sâu.

Dự trữ cũng là một vấn đề rất quan trọng, cần phải xem xét kĩ và học hỏi kinh nghiệm các nước.

Cũng trong bài viết của mình, Thủ tướng nhận định rằng nhiều nguồn lực của nước ta vẫn chưa được sử dụng có hiệu quả. Không ít nguồn lực ở dạng tiềm năng chưa chuyển thành động năng, chậm được vốn hóa để đưa vào phục vụ sản xuất. Làm thế nào để biến tiềm năng thành động năng để sử dụng hiệu quả các nguồn lực tự nhiên, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Chinh: Từ tiềm năng thành động năng là một qua trình, nhưng đầu tiên là phải tháo gỡ thể chế, thứ hai là tạo hạ tầng phát triển, thứ ba là áp dụng công nghệ. Như vậy, chúng ta có thể cạnh tranh trên thế giới, có thể tính bài toán kinh tế dựa trên giá của thị trường. Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước, học hỏi kinh nghiệm của ông cha mình, kết hợp với tình hình hiện tại để tạo ra một cái riêng của Việt Nam trong bối cảnh khai thác khoáng sản hiện nay dần đi vào ổn định và theo thị trường.

Ông Lại Hồng Thanh: Sau 9 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, ngành khai khoáng đã có những bước phát triển khác. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư về công nghệ thiết bị về khai thác và sử dụng tiết kiệm khoáng sản hơn, quan tâm đến bảo vệ môi trường.

Như anh Chinh vừa chia sẻ, sẽ đến lúc các mỏ sẽ bị khai thác hết và đóng cửa mỏ. Lúc đó chúng ta sẽ đưa ra một phương án để tiếp tục khai thác, phát triển mỏ đó để chuyển sang bước tiếp theo, phát triển theo các định hướng khác, ví dụ như khu du lịch Bửu Long ở Đồng Nai. Bên cạnh đó chúng ta cần đánh giá tiềm năng, hiện trạng của tài nguyên khoáng sản để lập ra chiến lược, kế hoạch trong giai đoạn sắp tới.

Mục tiêu tổng quát năm 2020, Việt Nam có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Theo ông đâu là mục tiêu quan trọng nhất và để hoàn thành mục tiêu này chúng ta cần có những giải pháp cụ thể nào?

Ông Lại Hồng Thanh: Để thực hiện việc này Bộ TN&MT, mà trực tiếp là Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đang thực hiện một số các nhiệm vụ để chuyển sang bước mới, giai đoạn mới.

Về cơ chế chính sách, năm 2016 Bộ đã triển khai, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về chiến lược công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ đang đánh giá các tác động các chính sách, các quy định của Luật Khoáng sản sau 9 năm thực hiện. Đây là điều quan trọng nhất, bởi chúng ta xây dựng thể chế, cơ chế quản lý để quản lý chặt chẽ hơn phù hợp với tiềm năng khoáng sản của đất nước.

Thứ hai, Bộ TN&MT đã đánh giá việc thực hiện chiến lược khoáng sản của Thủ tướng Chính phủ từ 2011 và đang trình Thủ tướng đề xuất sửa đổi, điều chỉnh Chiến lược khoáng sản giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050.

Thứ ba, về Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản đến 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt từ 2013, hiện nay Bộ đang lập quy hoạch để thời gian sắp tới rà soát lại toàn bộ các công việc đã làm được trong công tác điều tra cơ bản, đề xuất giai đoạn tiếp theo đến 2030, tầm nhìn đến 2050 về công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản để chúng ta đánh giá được tiềm lực, tiềm năng của nguồn tài nguyên này.

Thứ tư, Bộ giao cho Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam rà soát, thống kê thực hiện Đề án thống kê, kiểm kê tài nguyên khoáng sản rắn trên phạm vi toàn quốc giai đoạn đến hết năm 2020.

Để thực hiện được tốt Luật Khoáng sản, chúng ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản là hoàn chỉnh; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức cá nhân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm hài hòa lợi ích của ba chủ thể là Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Chinh: Hy vọng trong tương lai, cách khai thác khoáng sản của chúng ta sẽ tích hợp nhiều kinh nghiệm và nhiều hướng như anh Thanh đã nói. Đây là bài toán có tính tổng thể và phải có chiến lược rõ ràng trong quan điểm mới nhưng vẫn tuân thủ quy luật khác quan của thị trường.

Tầm nhìn dài hơn đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững. Với mục tiêu này, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam sẽ có những bước chuẩn bị gì từ bây giờ, thưa ông?

Ông Lại Hồng Thanh: Chúng ta cần có cách đánh giá dài hạn hơn, mới hơn cách quản lý, sử dụng. Việc tiết kiệm hiệu quả khoáng sản không đơn thuần là đưa vào phục vụ trực tiếp theo nhu cầu mà trên cơ sở tiềm năng, thực trạng của khoáng sản chúng ta đang quản lý sử dụng và định hướng sử dụng theo nhiều hướng khác nhau cũng như dự trữ lâu dài.

Chúng ta đã dự trữ trên 10 loại khoáng sản khác nhau cho các giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế. Đối với những mỏ đã và đang khai thác, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, có trách nhiệm với xã hội, có trách nhiệm với môi trường trong và sau quá trình khai thác.

Trong thời gian vừa qua khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, thực hiện Điều 63 của Luật, Bộ TN&MT đã đề xuất bổ sung các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong kiểm soát sản lượng khai thác thực tế để nắm bắt và chống thất thu ngân sách thông qua kê khai sai sản lượng.

Cùng với đó, Bộ cũng đã ban hành Thông tư 02/2013 về quy định việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản và Thông tư 61/2017 về quy định quy trình, phương pháp xác định và các mẫu biểu thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế. Đây là những quy định hoàn thiện thể chế mang tính chất trực tiếp để nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác.

Còn bước lâu dài nữa, chúng ta cần nhìn tổng thể nguồn lực tài nguyên khoáng sản để chúng ta cân đối trong từng giai đoạn. Đây là công việc chúng ta cần đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng trên nhiều góc độ để đề xuất quản lý, sử dụng khoáng sản một cách hiệu quả và bền vững.

Thu Trang-Thái Hòa-Mai Trinh (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/quan-ly-su-dung-nguon-tai-nguyen-khoang-san-hop-ly/388385.vgp