Quản lý tăng huyết áp dựa vào cộng đồng

Tại Việt Nam, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp, trên 50% trường hợp mắc tăng huyết áp nhưng không được phát hiện, 1/3 trường hợp tăng huyết áp không được điều trị và có đến 86,4% bệnh nhân (BN) tăng huyết áp chưa được quản lý.

Do đó, việc khám sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc hỗ trợ liên tục cho người mắc bệnh tăng huyết áp theo mô hình Quản lý tăng huyết áp dựa vào cộng đồng dựa trên 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, nguyên tắc và cách tiếp cận mô hình Quản lý tăng huyết áp dựa vào cộng đồng: Bảo đảm chăm sóc toàn diện, liên tục cho người mắc bệnh tăng huyết áp; bảo đảm chất lượng các dịch vụ cung cấp; nâng cao nhận thức và trao quyền cho BN - lấy BN làm trung tâm.

Thứ hai, cung ứng các gói dịch vụ cho người mắc tăng huyết áp như sàng lọc, phát hiện sớm và tư vấn chuyển tuyến; chẩn đoán, tư vấn điều trị và điều trị tăng huyết áp; quản lý, theo dõi và chăm sóc hỗ trợ liên tục; hỗ trợ, tư vấn, truyền thông cho BN chủ động tự chăm sóc và quản lý tăng huyết áp; quản lý chương trình tăng huyết áp.

Thứ ba, lộ trình chăm sóc cho người mắc tăng huyết áp từ khi không có bệnh đến khi được điều trị ổn định: Bất cứ người trưởng thành nào cũng được truyền thông nâng cao nhận thức, có nhu cầu khám sàng lọc, phát hiện, điều trị tăng huyết áp và thay đổi lối sống đồng thời đo huyết áp định kỳ; thực hiện khám sàng lọc cho người tăng huyết áp chưa được chẩn đoán và chuyển gửi tới cơ sở y tế để chẩn đoán xác định. Người tăng huyết áp chưa được điều trị sẽ được thu nhận và quản lý điều trị tại cơ sở y tế phù hợp. Đối với BN đang điều trị sẽ được tư vấn để tuân thủ điều trị và hỗ trợ để họ tuân thủ điều trị. Người tăng huyết áp đã điều trị ổn định thì được quản lý thông tin, tái khám định kỳ.

Thứ tư, lợi ích của mô hình Quản lý tăng huyết áp dựa vào cộng đồng: Giúp BN phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ, tăng tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống, chăm sóc liên tục và toàn diện, giảm chi phí - tiện lợi. Cơ sở y tế công - tư luôn cập nhật kiến thức, cải thiện kỹ năng, nâng cao chất lượng, tăng uy tín, kết nối lâu dài với BN.

Theo số liệu thống kê bệnh tăng huyết áp của Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2020, tổng số phát hiện (cộng dồn) bệnh tăng huyết áp là 41.795 người, được quản lý 28,116 người; năm 2022, tổng số phát hiện (cộng dồn) bệnh 59.538 người, được quản lý 45.935 người. Từ các số liệu cho thấy, số lượng BN mắc tăng huyết áp ngày càng tăng.

Theo Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam - GS.TS. Nguyễn Lân Việt, bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể điều trị được. Để phòng bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mặn, uống rượu, bia, hút thuốc lá; tăng cường ăn rau xanh, trái cây; có chế độ vận động, tập luyện thể dục - thể thao, thư giãn hợp lý, tránh stress; duy trì cân nặng vừa phải, không để béo phì./.

Minh Thái

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/quan-ly-tang-huyet-ap-dua-vao-cong-dong-a155417.html