Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý thuế (QLT), đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị, tích cực thực hiện một số giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả QLT đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn.

Cá nhân kinh doanh cần nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó tự giác kê khai và hoàn thành nộp thuế theo quy định

Nhiều khó khăn

Thực hiện Công văn số 2459 ngày 16/6/2023 của Tổng cục Thuế về tăng cường công tác QLT đối với hoạt động TMĐT; công văn của UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả công tác QLT thuế đối với hoạt động TMĐT kinh doanh trên nền tảng số, cơ quan thuế (CQT) đang triển khai một số giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả QLT đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn.

Thời gian qua, với sự phát triển của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến. Thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025. Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Huế cho biết, sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của TMĐT đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với CQT các cấp trong công tác QLT.

Đó là khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Trong việc xác định được căn cứ tính thuế. Phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh.

Một khó khăn nữa là việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội. Ngoài ra, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức trả tiền mặt được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Chi cục Thuế TP. Huế hướng dẫn, hỗ trợ người dân quyết toán thuế

Tình trạng thất thu thuế, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh TMĐT chưa tương xứng với tiềm năng phát triển đối với hoạt động này, điều này đang gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Vẫn còn tình trạng người nộp thuế trên địa bàn bán hàng online trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Facebook… không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Mặt khác vẫn còn tồn đọng các hành vi như không khai báo hoặc khai báo sai giá tính giao dịch, thu nhập nhận được từ các giao dịch TMĐT, đặc biệt là các thu nhập phát sinh từ các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến.

“Cụ thể, trên địa bàn TP. Huế, hiện mới chỉ có 40% hộ cá nhân kinh doanh hoạt động ở sàn TMĐT thực hiện kê khai, theo danh sách được cung cấp từ Tổng cục Thuế”, ông Nguyễn Tấn Lộc thông tin.

Đồng bộ giải pháp

Thực hiện công văn của Cục Thuế tỉnh về việc nâng cao hiệu quả công tác QLT đối với hoạt động TMĐT, Chi cục Thuế TP. Huế đã thực hiện một số giải pháp góp phần tăng cường công tác QLT đối với hoạt động TMĐT. Nhiều biện pháp cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác QLT, thực hiện kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, triển khai hóa đơn điện tử đã được thực hiện.

Đến nay, Chi cục Thuế TP. Huế đã tiến hành rà soát, xác định đối tượng, liên hệ, gửi giấy mời đến cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT trên địa bàn. Làm việc trực tiếp với 135 cá nhân kinh doanh, trong đó đã kê khai và nộp có 56 cá nhân, với số tiền 562 triệu đồng.

Đặc biệt, qua nhiều chính sách tuyên truyền, vận động, một số cá nhân kinh doanh cũng đã nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó tự giác kê khai và hoàn thành nộp thuế theo quy định.

Anh Châu Khắc Uy Phong (Phường Xuân Phú, TP. Huế), kinh doanh các mặt hàng nội thất trang trí trên các nền tảng mạng xã hội cho biết: “Trước khi đăng ký kinh doanh, tôi có tìm hiểu về các quy định cũng như nghĩa vụ thuế phải nộp. Vì nguồn thu của mình đều qua hệ thống ngân hàng nên không thể che giấu được. Mức phạt cũng rất lớn, mọi người nên tự ý thức để khỏi phải chịu phạt, cũng khỏi ảnh hướng đến hoạt động kinh doanh về sau”.

Hiện Chi cục Thuế TP. Huế cũng đang triển khai xây dựng Đề án chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn. Đối với cá nhân chưa xác định rõ, CQT tiếp tục rà soát theo danh sách Cục Thuế tỉnh cung cấp và gửi công văn phối hợp đến cá nhân đã chuyển địa bàn cư trú, tiếp tục phối hợp rà soát với UBND phường, xã để xác định rõ đối tượng nộp thuế trên địa bàn.

Trường hợp chính quyền địa phương xác định gửi công văn phối hợp đến địa phương khác, các Chi cục Thuế liên quan sẽ theo dõi, đồng hành cùng chống thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT. Kiến nghị và yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thêm thông tin của cá nhân kinh doanh phục vụ công tác quản lý thu thuế hiệu quả.

“Không những khó khăn trong công tác QLT, thông qua hoạt động khuyến mại, quảng cáo, lợi dụng hiểu biết hạn chế của một bộ phận người tiêu dùng để chào bán các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng hoặc gian lận về đo lường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và hoạt động sản xuất của người dân. Do vậy, việc quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT cần được siết chặt và toàn diện hơn nữa”, ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Huế nói.

Bài, ảnh: Hà Nguyễn

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/quan-ly-thue-doi-voi-hoat-dong-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-139343.html