Quản lý trật tự xây dựng tại quận Hai Bà Trưng: Chuyển biến tích cực

Thời gian qua số công trình có vi phạm lớn về trật tự xây dựng - đô thị (TTXD-ĐT) trên địa bàn quận Hai Bà Trưng ngày càng giảm nhờ những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý.

Các vi phạm được lực lượng chức năng từ quận đến phường phát hiện sớm ngay khi phát sinh, yêu cầu dừng thi công, đi xin phép xây dựng; những công trình có thể cấp được giấy phép thì tạo điều kiện tối đa…

Tỷ lệ cấp phép đạt cao

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Đội trưởng đội Quản lý TTXD-ĐT quận Nguyễn Đăng Khoa cho biết: Đội đã yêu cầu cán bộ xây dựng quản lý địa bàn, cán bộ Đội quản lý TTXD-ĐT quận đặt tại 20/20 phường thường xuyên kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm TTXD và tích cực phối hợp UBND phường xử lý bục bệ, cầu dẫn, mái che, mái vẩy.

 Một công trình xây dựng của nhà dân trên phố Đại La (quận Hai Bà Trưng).

Một công trình xây dựng của nhà dân trên phố Đại La (quận Hai Bà Trưng).

Khi phát sinh trường hợp xây dựng tại mỗi phường, cán bộ đều vào kiểm tra, kiên quyết theo nguyên tắc từ công trình sửa chữa nhỏ nhất đều yêu cầu làm đơn trình báo UBND phường, đủ điều kiện mới cấp phép; trừ hạng mục chỉ cải tạo bên trong mà không ảnh hưởng đến kết cấu công trình.

Nhờ quyết tâm từ quận đến phường, năm 2019, trong 889 công trình xây dựng trên địa bàn, tỷ lệ cấp phép xây dựng đạt 99%, chỉ có 9 công trình xây dựng không phép, 5 công trình sai phép. Lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương đã tích cực vận động, xử lý, nên 6 công trình đã tự khắc phục, 6 công trình được cấp phép và bổ sung giấy phép...

Năm qua, UBND quận cũng ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền 104 triệu đồng, 1 quyết định xử phạt việc trồng cây không đúng nơi quy định với số tiền 37,5 triệu đồng; UBND các phường ban hành 23 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về VSMT... Bên cạnh đó, quận đã giải quyết xong 3/10 vụ tồn đọng lớn từ những năm 2014 - 2017; một số vụ phức tạp đang tiếp tục chờ kết luận của sở, ngành, TP. Trong đó, với những công trình vi phạm rất phức tạp tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô qua nhiều thời kỳ, chính quyền sở tại đã tập trung xử lý được các bãi đỗ xe không phép, đóng cửa một số sân bóng đá mini, vận động 9/18 hộ tái lấn chiếm ở phía Tây Bắc công viên đã tự dỡ công trình.

Với 9 trường hợp còn lại, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Phạm Tuấn Anh cho biết, đầu năm nay phường sẽ tiếp tục vận động để tự dỡ công trình. Với những trường hợp không chấp hành, quận sẽ cương quyết xử lý, cưỡng chế. Cũng theo đội Quản lý TTXD-ĐT quận, những công trình khác vướng mắc do Công ty Tuổi trẻ liên doanh liên kết xây dựng bằng nguồn ngân sách, có công trình mà Sở Xây dựng cấp phép 1 tầng lại xây thành 2 tầng... quận đang tập trung lập hồ sơ để báo cáo TP, xin ý kiến sở, ngành.

Tăng tuyên truyền, không để “siêu mỏng, siêu méo”

Từ kết quả khả quan, năm nay quận xác định tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, vướng mắc trong TTXD-ĐT. Qua thực tế tác nghiệp, cán bộ từ quận đến phường nhận thấy ý thức pháp luật của người dẫn vẫn hạn chế, nên vẫn còn trường hợp vi phạm TTXD. Vì vậy, một giải pháp quan trọng được đề ra là sẽ tăng cường tuyên truyền, phát huy vai trò hệ thống chính trị, vận động để người dân chấp hành quy định của TP về cấp phép, quản lý TTXD. Quận cũng chú trọng tập huấn cán bộ, tổ trưởng dân phố về quản lý đất đai, TTXD-ĐT, từ đó tuyên truyền để Nhân dân tự giác đề nghị cấp phép theo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn, triển khai xây dựng đúng giấy phép. “Chúng tôi cũng xác định phải tăng kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý dứt điểm vi phạm từ khi phát sinh, không để vượt cấp. Đặc biệt trong GPMB phục vụ dự án Vành đai II đang tiến hành qua địa bàn quận, lực lượng chức năng càng phải sát sao để không xuất hiện công trình siêu mỏng siêu méo, quyết không cho trường hợp nào làm ban công đua ra ngoài ranh giới đất theo đúng chỉ đạo”- ông Nguyễn Đăng Khoa khẳng định.

Đồng thời, đội Quản lý TTXD-ĐT quận cũng kiến nghị có sự quan tâm phối hợp của các cơ quan chức năng của TP, như các Sở Xây dựng, QHKT, VHTT… nhất là với những dự án lớn, cần có ý kiến, thống nhất vì đang có những vướng mắc khách quan. Như với công trình vi phạm nhiều năm qua tại 93 Lò Đúc, nhiều hộ đang ở không thể cắt điện, nước, việc phá dỡ không đơn giản, phải tốn hàng trăm tỷ đồng, vậy đơn vị nào chịu kinh phí đó? Ngoài ra, Đội kiến nghị tăng cường vai trò của công an phường trong quản lý TTXD-ĐT, bởi mỗi phường chỉ có 1 - 2 cán bộ xây dựng thì khó có thể bao quát hết, nhất là với địa bàn rộng.

Bài, ảnh: Linh Chi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quan-ly-trat-tu-xay-dung-tai-quan-hai-ba-trung-chuyen-bien-tich-cuc-364385.html