Quản lý việc mua bán, trao đổi trâu, bò qua biên giới

Ông Phạm Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An vừa yêu cầu các sở, ban ngành liên quan và các huyện vùng biên, thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động mua bán, trao đổi trâu, bò từ Campuchia vào Long An và thu gom sau nhập khẩu của dân cư khu vực biên giới, nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh từ vùng biên giới vào tỉnh.

Kiểm soát tốt việc mua bán trâu bò qua biên giới góp phần phòng tránh dịch bệnh.

Kiểm soát tốt việc mua bán trâu bò qua biên giới góp phần phòng tránh dịch bệnh.

Theo đó, các sở, ngành chức năng kiểm tra hoạt động mua bán, trao đổi trâu, bò qua biên giới từ Campuchia vào địa bàn tỉnh, đáp ứng đầy đủ về thủ tục kiểm soát tại các cửa khẩu, cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định pháp luật về quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền; trâu, bò mua bán, trao đổi của cư dân khu vực biên giới và trâu, bò được thu gom sau nhập khẩu trong khu vực biên giới thuộc địa bàn tỉnh, phải được đưa vào khu cách ly kiểm dịch trâu, bò nội địa tại ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, để thực hiện thủ tục về kiểm dịch động vật, các chính sách về thuế, phí, lệ phí có liên quan.

Riêng trâu, bò được mua bán, trao đổi của thương nhân theo dạng nhập khẩu chính ngạch, thực hiện kiểm dịch, cách ly và các thủ tục nhập khẩu có liên quan theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu; đồng thời, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho cư dân, thương nhân đưa trâu bò nhập khẩu hoặc thu gom sau nhập khẩu tại khu vực biên giới vào khu cách ly thực hiện kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh trâu, bò thu gom sau nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn có liên quan; hướng dẫn của Cục Thú y về thực hiện các Thỏa thuận hợp tác thú y song phương giữa Cục Thú y Việt Nam và Cục Chăn nuôi và Thú y Vương quốc Campuchia; thực hiện giám sát dịch bệnh định kỳ 3 tháng/lần hoặc giám sát theo lô hàng, làm cơ sở thực hiện thủ tục kiểm dịch cho từng đối tượng trâu, bò theo đúng quy định.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã khu vực biên giới tuyên truyền, hướng dẫn cho cư dân, thương nhân đưa trâu bò nhập khẩu, hoặc thu gom sau nhập khẩu tại khu vực biên giới vào khu cách ly thực hiện kiểm soát dịch bệnh; tăng cường quản lý và kiên quyết xử lý triệt để các hành vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ trâu, bò trên địa bàn.

Đối với Khu tập trung cách ly kiểm dịch trâu, bò nội địa và sau nhập khẩu xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tạo điều kiện, phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cư dân vùng biên giới đưa trâu, bò vào khu cách ly và thực hiện các thủ tục về quản lý, kiểm tra, kiểm soát và kiểm dịch theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; chủ động thực hiện trước biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin cho trâu, bò trong mua bán, trao đổi và thu gom sau nhập khẩu từ cư dân khu vực biên giới của hai nước trên cơ sở Chương trình phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh và Thỏa thuận hợp tác thú y song phương giữa Cục Thú y Việt Nam và Cục Chăn nuôi và Thú y Campuchia.

Trâu, bò mua bán, trao đổi của cư dân biên giới và thu gom từ cư dân khu vực biên giới khi vận chuyển vào khu vực nội địa, cần có đủ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc và đã được kiểm soát theo đúng quy định hiện hành.

Thời gian qua, việc buôn bán trâu, bò của người dân trên tuyến biên giới vẫn diễn ra thường xuyên dưới hình thức thu gom để bán, hoặc nuôi vỗ béo. Nhìn chung, người dân đều chấp hành tốt theo quy định về mua bán gia súc vùng biên giới. Song bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng đôi lúc vẫn chưa thật sự nghiêm ngặt.

Thanh Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/quan-ly-viec-mua-ban-trao-doi-trau-bo-qua-bien-gioi-tintuc455091