Quân Mỹ từng 'chật vật' tìm cách đả bại tiêm kích Zero của Nhật

Chiếc máy bay huyền thoại của Nhật Bản đã làm mưa làm gió trên khắp chiến trường Thái Bình Dương, từng khiến quân Đồng minh phải khiếp sợ.

Khi bàn về Không quân của Hải quân Nhật Bản trên mặt trận Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ 2, ai cũng nghĩ ngay đến chiếc máy bay chiến đấu nổi tiếng Mitsubishi A6M Zero.

Khi bàn về Không quân của Hải quân Nhật Bản trên mặt trận Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ 2, ai cũng nghĩ ngay đến chiếc máy bay chiến đấu nổi tiếng Mitsubishi A6M Zero.

Từ khi xuất hiện trên không phận thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) vào tháng 8/1940 cho đến khoảng cuối năm 1942, Zero đã lập nên nhiều chiến công lừng lẫy, nó thống trị bầu trời Đông Á, Tây Thái Bình Dương, Đông Ấn Độ Dương.

Sức cơ động cao, linh hoạt và được trang bị tốt, Zero thường xuyên đánh bại các máy bay chiến đấu của quân Đồng minh. Mặc dù được thiết kế như một máy bay của tàu sân bay, Zero cũng có thể cất cánh từ đất liền nhờ tầm bay xa của nó. Với tầm bay xa, Zero xuất hiện ở những nơi mà quân Đồng minh không ngờ tới.

“Hàng chế tạo tại Nhật Bản thì có gì tốt đâu?”, đó là quan điểm của Phương Tây đối với Nhật Bản vào thời đó, họ không tin rằng Nhật Bản có thể thiết kế hoặc sản xuất một chiếc máy bay thậm chí tiệm cận các tiêu chuẩn của Mỹ hoặc châu Âu.

Vì thái độ xem thường đó nên khi nếm mùi thất bại trước Zero, quân Đồng Minh vô cùng đau đầu và kinh ngạc. Việc tìm hiểu và đánh bại Zero đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các phi công quân Đồng minh.

Cơ hội đó đã đến vào ngày 7/12/1941 khi Hải quân Nhật Bản mở cuộc không kích lớn vào Trân Châu cảng. Chiếc máy bay A6M2 của phi công Takesi Hirano, trong khi tấn công sân bay Hickam đã bị trúng đạn pháo phòng không và rơi xuống Pháo đài Kamehameha, làm chết 3 người lính Mỹ. Máy bay gần như gãy đôi, phi công chết trong buồng lái do va đập mạnh.

Đống đổ nát của chiếc máy bay đã được vận chuyển đến sân bay Hickam và được đặt trong nhà chứa máy bay vào cuối ngày 8/12. Phải mất cả ngày 9/12 để phân loại các mảnh vỡ phục vụ việc nghiên cứu.

Nhìn chung, do máy bay không còn nguyên vẹn, các phi công Mỹ không thể bay thử, do đó không xác định được các tính năng kỹ thuật của máy bay, các điểm mạnh, điểm yếu của nó trong chiến đấu.

Vào giữa năm 1942, người Mỹ đã có được một chiếc Zero nguyên vẹn ở đảo Akutan. Phi công Tadayoshi Koga bị lạc quá xa khỏi căn cứ và hy vọng đáp khẩn cấp xuống lãnh thổ Mỹ, nhưng máy bay bị lật trên đất mềm và phi công bị tử thương vì gãy đốt sống cổ.

Chiếc máy bay hầu như nguyên vẹn được chở đến căn cứ Không lực North Island, San Diego, nơi một chương trình thử nghiệm chuyên sâu trên chiếc máy bay được sửa chữa không những chỉ ra những đặc tính độc đáo, những ưu điểm của Zero, mà đồng thời cũng cho thấy những thiếu sót trong thiết kế và tính năng bay của nó.

Thực ra, trước đó người Trung Quốc cũng đã thu được không phải một mà là hai chiếc Zero trong trường hợp sau, ngày 26/11/1941 có hai chiếc Zero bay từ Đài Loan đến Sài Gòn nhưng do lạc hướng nên hạ cánh nhầm xuống bán đảo Lôi Châu và bị dân quân Trung Quốc bắt giữ.

Hai chiếc Zero này được tháo rời và chuyển bằng xe trâu đến nơi an toàn. Sau khi ráp hai chiếc lại thành một chiếc hoàn chỉnh, người Mỹ đã đưa chiếc máy bay này (đánh số 3372) sang Ấn Độ, sau đó chở sang Mỹ. Chiếc máy bay này đã được thử nghiệm đối chiếu với chiếc thu được ở Akutan.

Những thông tin vô giá thu thập được qua các nghiên cứu, thử nghiệm nêu trên đã giúp Mỹ tìm ra các chiến thuật mới khắc phục các ưu thế của Zero và đánh bại nó.

Mặc khác, với nguồn lực dồi dào, Mỹ đã cho ra đời các dòng máy bay chiến đấu có động cơ tốt hơn, trang bị vũ khí mạnh hơn, bay nhanh hơn Zero, như F6F Hellcat, F4U Corsair. Từ đó, dần dần lấy lại ưu thế trên không. Từ năm 1943 trở đi, thời tung hoành của Zero không còn nữa.

Lê Quang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/quan-my-tung-chat-vat-tim-cach-da-bai-tiem-kich-zero-cua-nhat-1805679.html