Quận Nam Từ Liêm: Siết quản lý chất lượng bữa ăn học đường

Vấn đề dinh dưỡng học đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển thể chất, nâng cao trí tuệ của học sinh. Do đó, việc đảm bảo bữa ăn đủ chất, an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề được quận Nam Từ Liêm đặc biệt quan tâm.

Đoàn kiểm tra liên ngành quận Nam Từ Liêm kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số bếp ăn trường học trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Nga

Đoàn kiểm tra liên ngành quận Nam Từ Liêm kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số bếp ăn trường học trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Nga

Chọn mặt gửi vàng

Thời gian qua, tình hình vệ sinh ATTP diễn biến phức tạp, nhiều loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không an toàn cho sức khỏe đang lưu hành trên thị trường làm ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng. Là phụ huynh có con theo học tại trường Tiểu học Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, chị Phùng Thị Quyên bày tỏ: “Con học bán trú nên gia đình rất quan tâm đến việc bảo đảm ATTP tại trường. Trước những nguy cơ ngộ độc thực phẩm, tôi mong muốn nhà trường sử dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ ATTP từ khâu nguyên liệu đầu vào đến chế biến để bảo đảm sức khỏe cho các con”.

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm, năm học 2022 – 2023, quận có 100 trường. Trong đó cấp mầm non 50 trường; cấp tiểu học có 26 trường; cấp THCS có 24 trường; 10 Trung tâm học tập cộng đồng và 216 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Tổng số học sinh toàn quận là 84.314 học sinh, trong đó công lập 47.084, ngoài công lập là 37.230 học sinh. Với một lượng học sinh lớn như vậy, việc cung cấp bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng và ATTP là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, từ tháng 5 - 7/2022, quận đã xây dựng các kế hoạch bảo đảm ATTP trong trường học, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đặc biệt, để có một suất ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng và ATTP, việc chọn đơn vị cung cấp đủ uy tín, năng lực là quan trọng nhất.

Theo đó, trước khi vào năm học mới, quận đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP do Trưởng phòng Y tế quận làm Trưởng đoàn và thành viên là Hiệu trưởng các trường trên địa bàn quận đi kiểm tra truy xuất nguồn gốc nguyên liệu các cơ sở cung cấp thực phẩm. Từ đó, quận mới lựa chọn đơn vị uy tín để ký hợp đồng với các trường.

Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt là một trong những đơn vị được chọn để cung cấp thực phẩm cho các trường học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm năm học 2022 - 2023. Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt Đào Ngọc Nam cho biết: Để được lựa chọn, đơn vị đã cung cấp đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ năng lực cung cấp thực phẩm sạch. Bên cạnh đó, các đơn vị liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm đều có địa chỉ rõ ràng có công nghệ nuôi, trồng và dây chuyền sản xuất hiện đại, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu về chất lượng, vệ sinh ATTP.

Đoàn kiểm tra liên ngành quận Nam Từ Liêm kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số bếp ăn trường học trên địa bàn

Kiểm tra, giám sát thường xuyên

Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thực hiện Kế hoạch số 238, ngày 12/7/2022 của UBND quận về “Mô hình tăng cường kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn năm 2022 - 2023”, quận đã thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất việc cung cấp, chế biến suất ăn tại các trường học. Trong đó đoàn sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ hành chính, hồ sơ pháp lý của cơ sở, điều kiện ATTP, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm... Đồng thời tiến hành lấy các mẫu như rau, thịt, tôm, cá… gửi đến Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh ATTP quốc gia để đánh giá chất lượng thực phẩm.

Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, ngày 29/9 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của quận đã kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể của trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, trường Tiểu học Lomonoxop và hệ thống Vinschool, Khu đô thị Vinhoms Gardenia. Cả 3 trường đều là những trường ngoài công lập, số lượng suất ăn của mỗi trường lớn, từ 3.000 - 4.000 suất/ngày.

Qua kiểm tra, cả 3 trường đều đã cung cấp đầy đủ hồ sơ hành chính, hồ sơ pháp lý về ATTP của bếp ăn bán trú. Khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm bảo đảm sạch, cách biệt với nguồn ô nhiễm. Sàn nhà sạch, đồ vệ sinh không đọng nước; khu vực ăn uống của học sinh đảm bảo vệ sinh; kho bảo quản thực phẩm đảm bảo các điều kiện vệ sinh theo quy định.

Đặc biệt, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, hợp đồng, hóa đơn rõ ràng. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, thông qua công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, quận đã đánh giá được thực trạng cũng như điều kiện của các trường, từ đó có biện pháp khắc phục để bảo đảm ATTP tốt nhất cho học sinh.

Phát huy vai trò giám sát của phụ huynh

Khoảng 5 giờ sáng hàng ngày, khi thực phẩm dùng trong ngày được vận chuyển đến trường, tổ giám sát của trường Tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm (gồm đại diện Ban giám hiệu, Công đoàn, bảo vệ, giáo viên, thanh tra, phụ huynh học sinh) lại thay phiên nhau có mặt ở trường để chứng kiến, kiểm tra cả số lượng và chất lượng thực phẩm.

Chị Phùng Thị Tâm, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Xuân Phương chia sẻ: “Chúng tôi được quyền tham gia giám sát việc nhập nguyên liệu và cả quá trình chế biến thực phẩm của nhân viên công ty cung cấp suất ăn cho trường. Mặc dù phụ huynh chỉ kiểm tra đột xuất và không liên tục nhưng mọi quy trình đều thực hiện chuẩn chỉ, vì vậy chúng tôi rất yên tâm”.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương Lê Thị Tuyết Lan cho biết, trường có tổng số 1.392 học sinh, trong đó có 84% học sinh tham gia ăn bán trú tại trường. Việc kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào được xác định là khâu rất quan trọng để ngăn chặn thực phẩm “ba không” (không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng).

“Nhờ sự công khai, minh bạch cùng với việc chấp hành nghiêm túc các quy định vệ sinh ATTP của các thành viên, chất lượng bữa ăn cho học sinh luôn được bảo đảm và nhận được sự tin tưởng của phụ huynh. Nhiều năm qua tại trường không xảy ra tình trạng mất ATTP” – bà Lê Thị Tuyết Lan chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP bếp ăn trường học, quận phát huy vai trò kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ 3 phía (cơ quan chức năng, nhà trường và cha mẹ học sinh). Các trường học tăng cường vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn.

Mặt khác, quận cũng yêu cầu các trường học nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu) theo đúng quy định.

Nhà trường tuân thủ nghiêm túc quy trình kiểm thực ba bước, gồm kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn; đồng thời lưu mẫu thức ăn đúng quy định. Toàn bộ quy trình từ sơ chế, nấu nướng, chia đồ, vận chuyển đến khi phục vụ, vệ sinh sau khi học sinh kết thúc bữa ăn đều có sự giám sát của các thành viên nhà trường và đại diện cha mẹ học sinh.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương Lê Thị Tuyết Lan

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-nam-tu-liem-siet-quan-ly-chat-luong-bua-an-hoc-duong.html