Quan ngại… đồ ăn Tây

Sính ngoại là tâm lý của khá nhiều người Việt. Không thể phủ nhận, nhờ giao thương quốc tế mà từ những món sơn hào, hải vị đến các thứ đồ ăn bình dân ở khắp năm châu đều có mặt trên bàn ăn của nhiều gia đình. Chỉ tiếc rằng những phát hiện gần đây của cơ quan chức năng về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng của một số loại thực phẩm nhập ngoại khiến người tiêu dùng có tâm lý quan ngại... đồ ăn Tây.

1.Từ lâu, cá hồi Nga, thịt bò ở các nước châu Mỹ Latinh, thịt đà điểu châu Phi, thịt cừu Mông Cổ... đã có mặt trong các siêu thị, nhà hàng ở Việt Nam. Phải thừa nhận, sự xuất hiện của các loại thực phẩm ngoại nhập thuộc hàng đặc sản quốc gia, châu lục đã làm phong phú thêm nét đẹp trong văn hóa ẩm thực. Nó cho thấy sự tài hoa của người đầu bếp cũng như sự sành ăn của thực khách. Không chỉ với những món ăn cao cấp, những món "thường thường bậc trung" cũng được nhập ngoại. Tại các siêu thị lớn, những mặt hàng như cánh gà, đùi gà, sườn, thịt bò, chân giò, xúc xích... ngoại được nhiều bà nội trợ lựa chọn. Sự tiện lợi của những loại thực phẩm này còn ở chỗ, chúng rất phong phú, lại được "tập kết" thành từng chủng loại riêng. Nhiều bà nội trợ chấp nhận ăn thực phẩm đông lạnh thay vì sản phẩm tươi sống rất sẵn có ở các chợ còn vì do tin tưởng tiêu chuẩn quốc tế. Thế nên, họ đã "tá hỏa tam tinh" khi biết các cơ quan chức năng phát hiện nhiều tấn thực phẩm ngoại nhập bị sửa date, nhiều container thịt đông lạnh bị nhiễm khuẩn. Và rồi lại còn cả sự lo ngại khi biết, người ta từng làm sạch thực phẩm bị nhiễm khuẩn bằng phương pháp chiếu xạ ion mà không thông báo trên bao bì. Rất may, hiện nay Cục Thú y không cho phép các nhà nhập khẩu thực phẩm được phép "làm sạch" kiểu này nữa. Đây là một thông tin tốt lành, phần nào làm an lòng các "bếp trưởng" gia đình. Nếu như gần đây, các cơ quan chức năng không ráo riết kiểm tra các kho hàng đông lạnh, thực phẩm bày bán trong các siêu thị lớn thì người tiêu dùng vẫn đặt niềm tin hoàn toàn vào thực phẩm ngoại nhập. Không thể trách họ được, bởi trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu được sử dụng đa dạng hàng hóa là lẽ đương nhiên. Trách là trách cái tâm của một số người làm công tác ngoại thương. Doanh nghiệp nhập khẩu ngoài việc phải xác minh nguồn gốc sản phẩm, còn phải chịu trách nhiệm bảo quản nó được tươi ngon, đảm bảo yêu cầu an toàn. Khi các loại thực phẩm đông lạnh đã tung ra thị trường, cơ quan Quản lý thị trường cũng phải có biện pháp kiểm soát, tránh để một vài doanh nghiệp vì mối lợi mà sẵn sàng biến thực phẩm quá date thành thứ vẫn còn hạn sử dụng. Nếu cơ quan này làm tốt chức năng của mình, doanh nghiệp gian lận dù có ba đầu sáu tay cũng không qua mặt được. Cũng cần phải lưu ý rằng, các đơn vị bán lẻ cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng cũng như giúp họ tẩy chay những thứ ôi thiu. Bởi họ chính là khâu trung gian, đưa các sản phẩm này đến tay người tiêu thụ. Họ có quyền kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Nếu thấy không đạt yêu cầu thì từ chối bầy lên kệ. Cơ quan chức năng kiểm tra hàng tồn đọng ở Móng Cái, tháng 5/2009. 2. Mua hàng theo thương hiệu là thói quen của nhiều người tiêu dùng. Ở thời kỳ có hàng trăm nhãn hàng kem đua nở như hiện nay mà ngay tại trung tâm thành phố Hà Nội, người ta xếp hàng mua kem và đứng lố nhố để "mút mát" cái món ăn mát lạnh, thơm thơm mùi hương liệu. Xếp hàng, thứ tồn dư của thời bao cấp lại được nhiều người tiêu dùng chấp nhận như một thứ văn hóa. Kem Tràng Tiền là minh chứng thuyết phục. Tưởng rằng thương hiệu chỉ có giá trị vô hình nhưng kỳ thực, nó lại là giá trị hữu hình trong việc kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng thế mà người ta đã bán cái tên để thu tiền tỷ. Điểm lại những cái tên đã được chuyển nhượng ở nước ta không khó, điển hình như nhãn hàng kem đánh răng PS, sữa chua Nestle... Việc người mua có đảm bảo được sự phồn thịnh của thương hiệu như khi nó đang còn sở hữu của người bán hay không còn tùy thuộc vào cái tâm và tầm nhìn của họ. Tôi đã đọc đi đọc lại tới 3 lần cái tin, cơ quan chức năng phát hiện một doanh nghiệp ở Bình Dương đã phù phiếm cho sản phẩm chân và sườn lợn của mình thêm hạn sử dụng một năm bằng cách sửa date hồi tháng 4. Rồi Vinafood, một nhãn hàng rất được tin cậy trong lĩnh vực thực phẩm ở nước ta trong tháng 7 liên tiếp bị phát hiện đang tồn kho một số thực phẩm đùi lợn, xúc xích, sườn cốt lết... quá hạn sử dụng. Công ty này còn sửa date 17 tấn thịt lợn. Khi đi siêu thị, cùng một mặt hàng nhưng có hàng chục nhà cung cấp, người tiêu dùng chọn sản phẩm của ai? Tôi tin, phần đông sẽ chọn những thương hiệu nổi tiếng, có uy tín. Tôi đã từng nâng lên, đặt xuống nhiều sản phẩm để rồi chọn mặt hàng xúc xích của thương hiệu này. Nhưng việc Vinafood bị phát hiện hành vi gian dối trên khiến tôi mất niềm tin. Lợi đâu chưa thấy, nhưng rõ ràng trong việc này, uy tín của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để lấy lại chỗ đứng trong người tiêu dùng như trước kia phải mất thêm nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. 3. Trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực thắt chặt việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, một bộ phận người tiêu dùng đã quay sang dùng sản phẩm có nguồn gốc trong nước. Vô hình trung, việc này đã làm ảnh hưởng đến những nhà nhập khẩu thực phẩm làm ăn đàng hoàng. Dẫu biết rằng, rất nhiều loại thực phẩm nhập ngoại chẳng phải là thứ hiếm có trong nước nhưng do thị hiếu, doanh nghiệp vẫn cứ nhập. Theo thông tin trên Báo điện tử Đất Việt, chỉ riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm tiêu thụ 15 - 20 tấn thịt gia cầm, 35 - 45 tấn thịt lợn, 15-20 tấn thịt bò.... Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc nhập ngoại rất lớn. Hiện nay, để kiểm soát tốt hơn nguồn thực phẩm này, cơ quan chức năng đã ban hành một số quy định, trong đó có việc nghiêm cấm sử dụng phương pháp "làm sạch" bằng chiếu xạ ion đối với thực phẩm đã nhiễm khuẩn. Khi cơ quan chức năng không chấp nhận phương pháp "làm sạch" này, bắt buộc doanh nghiệp nhập khẩu phải coi trọng việc bảo quản. Theo ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y thì chúng ta mới làm tốt công tác kiểm soát phần đầu vào của thực phẩm ngoại nhập. Đầu vào tốt, nhưng lại có những sản phẩm bị phát hiện nhiễm khuẩn, nguyên nhân dễ nhận thấy là việc bảo quản không tốt. Hiện nay, Cục Thú y đã cấm nhập khẩu pín dê và đang xem xét cấm nhập khẩu một số loại nội tạng động vật bởi đây là những sản phẩm khó bảo quản. Thông tin này cho thấy, cơ quan chức năng đã kiên quyết trong việc ngăn chặn nguồn thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Còn nhớ hồi tháng 5, hàng trăm container nội tạng động vật tồn ứ ở Móng Cái, Hải Phòng khiến dư luận lo ngại nó sẽ "tìm đường" vào nội địa tiêu thụ. Chính thói quen thích ăn nội tạng động vật của một số người khiến "nhà buôn" tìm cách nhập khẩu mặt hàng này. Nếu đi qua đường chính ngạch, việc kiểm soát còn được thực hiện. Còn khi qua đường tiểu ngạch, việc kiểm soát hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm người bán. Cho phép thông quan rồi mới kiểm dịch là một trong những kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, để tránh gây khó khăn cho việc xử lý những lô hàng không đủ tiêu chuẩn thú y, việc này cần phải xem xét lại. Hiện nay, việc siết chặt kiểm soát nhập khẩu đông lạnh đang được các cơ quan trong nước thực hiện. Trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm biện pháp tháo gỡ, thì một bộ phận người tiêu dùng đang quay lại sử dụng thực phẩm có nguồn gốc trong nước. Đây là dấu hiệu đáng mừng, nhất là trong thời điểm chúng ta đang có cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thực phẩm trong nước cũng cần phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh chứ không thể để người tiêu dùng vì không có sự lựa chọn nào khác mà phải sử dụng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2009/9/119073.cand