Quan ngại xung quanh bản dự thảo thỏa thuận Brexit

Hy vọng mờ nhạt của một thỏa thuận Brexit đã nhanh chóng 'nhường chỗ' cho những lo ngại tồi tệ nhất trên thị trường tài chính, đó là nguy cơ một Brexit không thỏa thuận.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: EPA/TTXVN

Thủ tướng Anh Theresa May đã có cuộc gặp trong một tiếng rưỡi đồng hồ với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Brussels vào ngày 21/11, nhưng chưa tạo được bước đột phá liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit, khiến hội nghị thượng đỉnh của EU vào cuối tuần vẫn mang tính quyết định.

Bà May tin tưởng các nhà đàm phán của hai phía sẽ tìm được phương hướng để giải quyết những bất đồng còn tồn tại. Trong khi đó, người phát ngôn của EC cho biết tiến triển lớn đã đạt được tại cuộc gặp nhưng công việc đang được tiếp tục.

Thủ tướng Anh sẽ trở lại Brussels vào ngày 24/11 để tiếp tục các cuộc họp, trong đó có một cuộc họp với ông Juncker để hoàn tất việc chuẩn bị cho cuộc họp đầy đủ vào một ngày sau đó. Khi chỉ còn hơn bốn tháng trước thời điểm Anh ra khỏi EU, bà May đang nỗ lực hoàn tất thỏa thuận sơ bộ về các mối quan hệ với EU trong tương lai trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh vào ngày 25/11 nhằm phê chuẩn thỏa thuận về Brexit.

Trước đó, chỉ một ngày sau khi chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May “nhọc nhằn” thông qua bản dự thảo về thỏa thuận Brexit hôm 14/11, thị trường Anh đã bị chao đảo trước nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận.

Theo nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp, các nhà đầu tư đã phản ứng tiêu cực trước thông tin một số thành viên chính phủ của Thủ tướng Theresa May từ chức, trong đó phải kể đến Bộ trưởng phụ trách đàm phán Brexit Dominic Raab.

Quyết định từ chức bất ngờ của Bộ trưởng Dominic Raab, và ngay trước đó là của Quốc vụ khanh phụ trách Bắc Ireland Shailesh Vara, được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi Thủ tướng Anh Theresa May vừa giành được sự ủng hộ của Nội các đối với bản dự thảo thỏa thuận Brexit tại cuộc họp ngày 14/11.

Ông Raab đã đưa ra hai lý cho quyết định từ chức là thỏa thuận Brexit, chỉ việc Anh rời EU, có nguy cơ làm chia rẽ nước Anh, cũng như việc ông không thể ủng hộ một thỏa thuận về kế hoạch dự phòng không có thời hạn kết thúc. Ông Raab đã giữ chức Bộ trưởng Brexit và dẫn dắt các cuộc đàm phán với EU kể từ khi cựu Bộ trưởng David Davis từ chức hồi tháng 7/2018.

Sau khi ông Raab từ chức, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí của Anh Esther McVey cũng có động thái tương tự. Trong đơn từ chức gửi Thủ tướng May, Bộ trưởng Esther McVey cho rằng dự thảo thỏa thuận mà Thủ tướng May đưa ra Nội các đã không tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Theo bà, bản dự thảo trên sẽ sớm bị cả nước phán xét, bởi nó đồng nghĩa với việc Anh sẽ trao cho EU 39 tỷ bảng Anh (gần 50 tỷ USD) cho EU mà không nhận lại được gì.

Tờ Les Echos đã chỉ ra rằng nhiều tài sản của Anh, bao gồm cả đồng bảng Anh và cổ phiếu của các ngân hàng, đang chịu áp lực lớn từ vấn đề Brexit. Ngày 15/11, đồng bảng Anh đã giảm 1,75% so với đồng euro, tức 1 bảng Anh tương đương với 1,1268 euro. Hai ngày trước, đồng bảng Anh đã đạt đến mức cao nhất kể từ tháng 5/2017 so với đồng euro, tức 1 bảng Anh tương đương hơn 1,15 euro.

Ngoài ra, đồng bảng Anh cũng mất giá so với đồng USD, giảm 1,39% xuống còn 1,2714 USD - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2017. Còn theo Viraj Patel, một nhà phân tích tại ngân hàng trực tuyến ING hàng đầu của Pháp, một “vụ ly hôn” không thỏa thuận có thể khiến đồng bảng Anh giảm xuống chỉ còn 1,20 USD, giảm khoảng 6% so với giá trị hiện nay.

Lo ngại về một Brexit không thỏa thuận cũng tác động tiêu cực đến trái phiếu Gilts của chính phủ Anh. Cũng trong ngày 15/11, lãi suất trái phiếu có thời hạn 10 năm cũng được nới lỏng hơn 14 điểm vào cuối phiên xuống còn 1,361%. Trên thị trường chứng khoán Anh, trong khi chỉ số FTSE 100 nhúc nhích tăng được 0,06% do được hỗ trợ bởi các giá trị về nguyên liệu và xuất khẩu từ sự suy yếu của đồng bảng Anh, thì chỉ số FTSE 250 do nhạy cảm với tăng trưởng trong nước lại bị mất 1,31%.

Trên sàn FTSE 100, một số lĩnh vực cũng đã bị lung lay bởi các mối đe dọa từ thỏa thuận đạt được của bà Theresa May, trong đó lĩnh vực tài chính bị tác động mạnh nhất. Thị trường Lloyds giảm 5,04%, Royal Bank of Scotland giảm 9,63%, Legal & General và Aviva lần lượt giảm 5,52% và 4,39%. Ngoài ra, các lĩnh vực như xây dựng, thị trường bất động sản, phân phối, dịch vụ… vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit cách đây hơn hai năm, càng trở nên điêu đứng./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/quan-ngai-xung-quanh-ban-du-thao-thoa-thuan-brexit/102634.html