Quan sát nghị trường: 'Nghị gật'

'Có nhiều nơi người ta dùng đến từ 'nghị gật', tức là đại biểu không hiểu tình hình địa phương, không phát biểu được, nhân dân gặp nhiều vấn đề nóng, hội trường HĐND cấp huyện, xã lại rất lạnh, không đại biểu nào có ý kiến', nhận định được Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu ra.

Công trình nhà 8B Lê Trực đến nay chưa được xử lý Ảnh: Mạnh Thắng

“Có nhiều nơi người ta dùng đến từ “nghị gật”, tức là đại biểu không hiểu tình hình địa phương, không phát biểu được, nhân dân gặp nhiều vấn đề nóng, hội trường HĐND cấp huyện, xã lại rất lạnh, không đại biểu nào có ý kiến”, nhận định được Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu ra trong phiên thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Bởi ở một mức độ nào đó, điều mà ông Hiểu nêu ra cũng là vấn đề được cử tri “bàn tán” lâu nay về những đại biểu “chỉ họp nhưng không phát biểu”, thậm chí nếu phát biểu, lại bộc lộ sự hạn chế, yếu kém về năng lực, trình độ.

Đối với hoạt động của HĐND, nhất là cấp xã, huyện, dù Hiến pháp quy định: “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”, song trên thực tế ở nhiều nơi, hoạt động vẫn mang nặng tính hình thức, “trình diễn”, kể cả trong việc quyết định, giám sát. Trong báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp phường đã thẳng thắn nêu rõ, HĐND cấp phường không quyết định được các vấn đề kinh tế - xã hội của phường mà chủ yếu quyết lại những vấn đề cấp trên đã quyết.

Với tính hình thức như vậy nên trong nhiều nhiệm kỳ, câu chuyện bỏ HĐND cấp huyện, hoặc cấp xã đã nhiều lần được “nâng lên, đặt xuống”. Song trong từng giai đoạn, việc đổi mới hoạt động của cơ quan đại diện này vẫn chậm chạp, cầm chừng, dẫn đến ở không ít nơi, HĐND trở thành “lực cản” đối với sự năng động của các cấp chính quyền trong việc quyết định và thực hiện các chủ trương về phát triển kinh tế- xã hội.

Song song với sự đổi mới ở HĐND các cấp, việc đổi mới hoạt động của các cấp chính quyền, từ trung ương đến địa phương, nhất là việc phân cấp, phân quyền, trao trách nhiệm cũng là yêu cầu cấp thiết. Đây là chủ trương đã được Đảng nêu rõ từ lâu, song việc triển khai trên thực tế vẫn còn rất chậm. Nhiều bộ, ngành, cơ quan vẫn thích “ôm việc vào người”, chưa mạnh dạn trao quyền, phân cấp cho địa phương. Chưa kể, việc phân cấp, phân quyền đôi khi còn mang tính hình thức, phân cấp song lại kèm theo điều kiện “báo cáo, xin ý kiến, xin chủ trương”.

Đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa này, khi thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội ĐB Dương Trung Quốc từng nói: “Không thể không nhìn nhận vai trò Quốc hội trong những thành bại của Chính phủ”. Ông Quốc lấy ví dụ cụ thể: “Tòa nhà 8B Lê Trực xây ngay ở trung tâm của trung tâm Thủ đô, nơi các quan chức cao cấp của Nhà nước, Quốc hội thường xuyên qua lại, tòa nhà mọc lên trong tầm mắt các đại biểu chúng ta, vậy mà có ai trong Quốc hội, trước hết là đại biểu Quốc hội Hà Nội, sau đó là đại biểu Quốc hội sống ở Hà Nội phát hiện ra rằng, chủ đầu tư làm sai, làm bậy? Hay chỉ đến khi báo chí phát hiện thì tất cả chúng ta đều lên án và đòi phải xử lý nghiêm?”.

Nhắc đến điều này để thấy rằng, việc xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương là điều có ý nghĩa quan trọng trong việc khắc phục những bất cập, tồn tại, tạo ra cơ chế phân cấp, phân quyền, đi liền với trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền và HĐND các cấp. Nếu những bất cập đó không được sửa đổi thì chuyện “gật” và lệ thuộc vào tập thể, trói buộc quyền và trách nhiệm cá nhân khó mà chấm dứt.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/quan-sat-nghi-truong-nghi-gat-1479463.tpo