Quan sát sao chổi 70.000 năm mới bay qua Trái đất

Những người quan sát bầu trời có thể nhìn thấy sao chổi Leonard lướt qua Trái đất vào tháng tới, trong chuyến thăm của nó sau khoảng 70.000 năm.

Những người quan sát bầu trời có thể nhìn thấy sao chổi Leonard lướt qua Trái đất vào tháng 12

Sao chổi ký hiệu C/2021 A1 (Leonard) được phát hiện hồi tháng 1 năm nay bởi Gregory J. Leonard, nhà nghiên cứu cấp cao tại khoa Khoa học hành tinh của Đại học Arizona. Theo Space đưa tin, Leonard đã phát hiện ra nó tại Đài thiên văn hồng ngoại núi Lemmon ở dãy núi Santa Catalina, Arizona.

Phát biểu với tạp chí thiên văn học Sky at Night, người theo dõi sao chổi José J. Chambó cho biết độ sáng của Leonard đã tăng “đáng kể” khi so sánh hai bức ảnh chụp nó cách nhau vài tuần vào tháng trước. Các nhà khoa học hy vọng rằng vào tháng 12, Leonard sẽ ở đủ gần và đủ sáng để có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Theo Sky at Night, sao chổi có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong khoảng thời gian từ ngày 10-16.12, đạt độ sáng cực đại vào ngày 13.12. Sao chổi này sẽ bay qua trong phạm vi 34,9 triệu km so với Trái đất vào ngày 12.12. Đến ngày 3.1.2022, nó sẽ di chuyển trong phạm vi 92 triệu km so với Mặt trời.

Trong 2 tuần đầu tiên của tháng 12, sao chổi Leonard có thể quan sát được trong vài giờ trước khi mặt trời mọc, ở khoảng thấp trên bầu trời đông - đông bắc gần các chòm sao Coma Berenices, Boötes và Serpens Caput. Đến nửa sau tháng 12, khi sao chổi đến gần Mặt trời hơn, nó sẽ dần bị chìm dần vào ánh sáng của bình minh và cuối cùng biến mất khỏi tầm nhìn.

Theo Space, Leonard sẽ không quay trở lại trong hàng chục nghìn năm nữa. Các nhà khoa học cho rằng nó đã đến thăm chúng ta lần cuối vào khoảng 70.000 năm trước.

Sao chổi 153P/Ikeya-Zhang có đuôi ion dài hơn một tỷ km - Ảnh: Gerald Rhemann

Sao chổi là một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng không cấu tạo nhiều từ đất đá mà chủ yếu là băng. Nó chứa carbon dioxide, methan và nước đóng băng lẫn với bụi và các khoáng chất. Đa phần các sao chổi có quỹ đạo elip rất dẹt, một số có viễn điểm quỹ đạo xa hơn nhiều so với Diêm Vương Tinh.

Quỹ đạo của sao chổi còn khác biệt so với các vật thể khác trong hệ Mặt trời ở chỗ chúng không nằm gần mặt phẳng hoàng đạo mà phân bố ngẫu nhiên toàn không gian. Nhiều sao chổi có viễn điểm nằm ở vùng gọi là Đám mây Oort. Đây là nơi xuất phát của các sao chổi, một vùng hình vỏ cầu gồm các vật chất để lại từ khi hệ Mặt trời mới bắt đầu hình thành.

Vật chất ở đây nằm quá xa nên chịu rất ít lực hấp dẫn từ trung tâm, đã không rơi vào đĩa tiền Mặt trời, để trở thành Mặt trời và các hành tinh. Tại đây nhiệt độ cũng rất thấp khiến các chất như carbon dioxide, methan và nước đều bị đóng băng. Thỉnh thoảng một vài va chạm hay nhiễu loạn quỹ đạo đưa một số mảnh vật chất bay vào trung tâm. Khi lại gần Mặt trời, nhiệt độ tăng làm vật chất của sao chổi bốc hơi và dưới áp suất của gió Mặt trời tạo nên các đuôi bụi và đuôi khí, trông giống như hình cái chổi.

Đôi khi cũng có những sao chổi có mang hai đuôi rõ rệt, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đuôi dài ở phía đối diện với Mặt trời và đuôi ngắn hướng thẳng về phía Mặt trời. Nguyên nhân là do khi ở cự ly đủ gần, sức công phá của tia Mặt trời lên bề mặt sao chổi mạnh mẽ đến độ làm cho vật chất trong sao chổi bùng nổ mãnh liệt và bắn ra xa. Gió mặt trời không đẩy hết đám mây bụi khí này về phía sau mà còn lại cái đuôi ngắn này.

Các sao chổi chứa đựng vật chất của thời kỳ khai sinh hệ Mặt trời. Do vậy, đối với các nhà khoa học, chúng là đối tượng nghiên cứu quý báu để trả lời những câu hỏi về quá trình tiến hóa của hệ Mặt trời cũng như các hệ hành tinh khác trong vũ trụ. Đã có những chuyến thám hiểm bằng tàu vũ trụ để tiếp cận trực tiếp với sao chổi như tàu Deep Impact.

Long Hải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/quan-sat-sao-choi-70-000-nam-moi-bay-qua-trai-dat-175103.html