Quân sự thế giới hôm nay (19-10): Nhật Bản bắn thử pháo điện từ, Ukraine nhận xe tăng M1A1 Abrams

Quân sự thế giới hôm nay (19-10) có những nội dung sau: Nhật Bản lần đầu thử nghiệm thành công pháo điện từ trên biển, Ukraine tiếp nhận xe tăng M1A1 Abrams từ Mỹ, MBDA và KAI Hàn Quốc hợp tác trang bị tên lửa Mistral ATAM cho trực thăng KMAH…

* Nhật Bản lần đầu thử nghiệm thành công pháo điện từ trên biển

Trang Navy Recognition đưa tin Cục Vũ khí và Trang bị phòng vệ Nhật Bản (ATLA) thông báo Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã thử nghiệm thành công pháo điện từ dành cho tàu chiến. Đây là đợt bắn thử đầu tiên của mẫu pháo điện từ này trong bối cảnh quân đội Nhật Bản đang nỗ lực tăng cường năng lực tác chiến trên biển.

Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) lần đầu thử nghiệm thành công pháo điện từ trên biển. Ảnh: ALTA

Thông tin chi tiết vẫn chưa được tiết lộ. nhưng ATLA đã công bố đoạn video về cuộc thử nghiệm cho thấy nhiều góc độ khác nhau của pháo điện từ trong quá trình khai hỏa.

Mẫu pháo điện từ cỡ trung của ATLA ra mắt vào tháng 5 năm nay, có khả năng bắn đạn thép cỡ 40mm nặng 320g. Loại đạn này có thể đạt sơ tốc đầu nòng xấp xỉ 2.230m/s (Mach 6,5). Mẫu pháo điện từ này được cho là có thể chống lại một loạt mối đe dọa trên không, bao gồm tên lửa hành trình siêu thanh và tên lửa đạn đạo siêu thanh.

Hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức về việc pháo điện từ có được đưa vào sử dụng trong Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản cũng như được trang bị trên các loại tàu chiến hay không.

Việc Nhật Bản phát triển công nghệ pháo điện từ là nhằm đối phó với các mối đe dọa đang có xu hướng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nga và Trung Quốc đều đã biên chế và đang phát triển vũ khí siêu vượt âm. Triều Tiên cũng nhiều lần thử tên lửa siêu thanh. Mỹ và một số quốc gia khác cũng đang nghiên cứu pháo điện từ, song chưa bên nào thành công khi đưa công nghệ này vào ứng dụng thực tế.

Đoạn video được ALTA công bố trên nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter).

* Ukraine tiếp nhận xe tăng M1A1 Abrams từ Mỹ

Theo Army Recognition, Mỹ đã bàn giao 31 xe tăng chiến đấu M1A1 Abrams cùng một số đạn dược và phụ tùng thay thế cho Ukraine theo cam kết viện trợ đưa ra trước đây.

Bên cạnh đó, binh sĩ Ukraine tham gia khóa huấn luyện tại căn cứ quân sự Mỹ ở Đức cũng đã quay về nước để sẵn sàng chiến đấu trong thời gian tới.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams bắn đạn 120mm trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Djibouti năm 2010. Ảnh: US DoD

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams là bản cải tiến của phiên bản tiền nhiệm M1 Abrams do tập đoàn General Dynamics Land Systems sản xuất vào năm 1985. So với phiên bản trước đó, M1A1 Abrams có lớp giáp bảo vệ tốt hơn. Tháp pháo và thân có thêm lớp giáp composite được gia cố để bảo vệ tốt hơn.

Điểm nổi bật nhất của phiên bản nâng cấp này là M1A1 Abrams được trang bị pháo nòng trơn M256 cỡ nòng 120mm. Loại pháo này có sử dụng nhiều loại đạn khác nhau, đặc biệt là đạn xuyên giáp M829A2 được Mỹ phát triển để chống lại các loại xe tăng của đối phương. Ngoài pháo chính là M256, M1A1 Abrams còn được trang bị một số vũ khí khác như súng máy đồng trục và súng máy phòng không.

Bên cạnh xe tăng Abrams, quân đội Ukraine cũng đang trông đợi tiêm kích F-16 Fighting Falcon, dự kiến sẽ được giao vào cuối năm 2023.

* MBDA và KAI Hàn Quốc hợp tác trang bị tên lửa Mistral ATAM cho trực thăng KMAH

Trang Air Recognition đưa tin tập đoàn sản xuất tên lửa đa quốc gia MBDA Missile Systems đã ký kết hợp đồng với tập đoàn KAI của Hàn Quốc về việc tích hợp hệ thống tên lửa không đối không Mistral ATAM trên trực thăng thủy quân lục chiến Hàn Quốc (KMAH).

Tập đoàn MBDA công bố hợp đồng với tập đoàn KAI Hàn Quốc về việc tích hợp tên lửa không đối không Mistral ATAM trên trực thăng tấn công thủy quân lục chiến Hàn Quốc KMAH. Ảnh: KAI

Là dự án dành riêng cho lực lượng thủy quân lục chiến Hàn Quốc (ROKMC), tên lửa Mistral ATAM hứa hẹn sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ của Hàn Quốc trong bối cảnh lực lượng này đang tăng tốc quá trình hiện đại hóa, chuẩn bị thực hiện các hoạt động đổ bộ đa chiều trong trường hợp có các mối đe dọa hàng hải.

Hệ thống tên lửa không đối không Mistral ATAM là bản nâng cấp của tên lửa Mistral có khả năng bắn ở chế độ “bắn và quên”, dễ dàng vận hành và xác suất tiêu diệt cao. Tên lửa này đi kèm với hai bệ phóng, mỗi bệ chứa hai tên lửa và có thể được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống chiến đấu của trực thăng tấn công chuyên dụng hoặc thông qua các thiết lập điều khiển đơn giản hóa trên trực thăng đa năng. Mistral ATAM có thể bay với tốc độ lên tới 374 km/giờ ở độ cao 4,572m.

Được chế tạo dưới dạng tên lửa tầm nhiệt hạng nhẹ, Mistral ATAM mang lại độ tin cậy và hiệu quả cao trong cả điều kiện thời bình cũng như thời chiến.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/quan-su-the-gioi-hom-nay-19-10-nhat-ban-ban-thu-phao-dien-tu-ukraine-nhan-xe-tang-m1a1-abrams-747727