Quân sự thế giới hôm nay (6-3): Quân đội Azerbaijan và Armenia lại đụng độ ở Karabakh

Quân sự thế giới hôm nay (6-3): Quân đội Azerbaijan và Armenia lại đụng độ ở Karabakh; Mỹ có thể sẽ không ủng hộ một hiệp ước hạn chế sử dụng vũ khí tấn công tự động; Anh sẽ tăng hàng tỷ bảng ngân sách quốc phòng là những thông tin đáng chú ý.

* Mỹ sẽ không cấm vũ khí sát thương tấn công tự động (lethal autonomous weapons) mà sẽ thúc đẩy “hướng dẫn sử dụng” đối với loại vũ khí này. Đây là quan điểm của các quan chức Mỹ trong bối cảnh tuần trước 33 nước đã đề xuất hình thành một hiệp ước về vũ khí tấn công tự động.

Hôm nay, ngày 6-3, Nhóm chuyên gia chính phủ Liên hợp quốc về vũ khí tấn công tự động nhóm họp tại Geneva để thảo luận về vấn đề đạo đức và pháp lý liên quan sử dụng loại vũ khí này trong tác chiến. Các chuyên gia sẽ tập trung vào trả lời các câu hỏi như: Mối nguy hiểm lớn nhất từ AI khi được quân sự hóa và các hệ thống tấn công tự động khác là gì? Điều gì sẽ xảy ra khi những cỗ máy giết người này vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người?

Hệ thống tác chiến tự động của Lục quân Mỹ trang bị súng máy M240B. Hệ thống này có hai chức năng: Tự động xác định mục tiêu và lựa chọn mục tiêu do con người chỉ định. Ảnh: Lục quân Mỹ

Hệ thống tác chiến tự động của Lục quân Mỹ trang bị súng máy M240B. Hệ thống này có hai chức năng: Tự động xác định mục tiêu và lựa chọn mục tiêu do con người chỉ định. Ảnh: Lục quân Mỹ

Nhiều người hy vọng cuộc họp này của nhóm chuyên gia sẽ giúp đặt nền móng cho một lệnh cấm mang tính pháp lý, có tính ràng buộc đối với ít nhất một số loại vũ khí tấn công tự động. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ có quan điểm rất khác và có khả năng đẩy lùi bước tiến của nhóm chuyên gia. Các quan chức quân sự Mỹ cho rằng không nên hình thành một hiệp ước ràng buộc về vũ khí tấn công tự động mà nên “tự kiềm chế” và sẽ phác thảo một số biện pháp để thúc đẩy “tự kiềm chế”.

Về cơ bản, Mỹ lo ngại một hiệp ước chính thức sẽ cản trở ứng dụng hợp pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực quân sự như dự đoán nhu cầu bảo trì, xe tự lái ở các địa hình và môi trường khó khăn, tổ chức cứu trợ nhân đạo... trong khi lại bỏ lọt ngăn chặn nguy cơ vũ khí tấn công tự động bị sử dụng bởi người xấu. Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rằng Mỹ hiện đang là một trong những nước đầu tư nghiên cứu vũ khí tự động lớn nhất.

* Đụng độ đã nổ ra giữa quân đội Azerbaijan và Armenia tại khu vực Karabakh. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Azerbaijan, ít nhất 2 binh sĩ Azerbaijan đã thiệt mạng sau khi lực lượng Armenia nổ súng tấn công khi quân đội Azerbaijan dừng các xe “vận tải hàng quân sự” của Armenia vào khu vực này. Báo chí Armenia cũng cho biết 3 cảnh sát nước này đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga duy trì an ninh ở Lachin, nối Armenia với khu vực Karabakh nơi xảy ra đụng độ giữa Armenia và Azebaijan. Ảnh: Getty Images

Ông Toivo Klaar, Đại diện đặc biệt của EU về Nam Kavkaz và Khủng hoảng ở Gruzia, cho biết ông đã tới thủ đô Baku của Azerbaijan để tiếp tục thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan. Ông Klaar nhấn mạnh: “Vụ đụng độ ngày hôm nay cho thấy sự cần thiết phải cấp bách thúc đẩy đàm phán hướng tới ổn định và hòa bình”.

* Một quốc gia giấu tên đã ký hợp đồng với với nhà thầu quốc phòng Elbit của Israel cung cấp hệ thống tên lửa và pháo tự hành trị giá 252 triệu USD. Cụ thể, theo Defense Express, Elbit sẽ bán pháo tự hành Atmos 155mm và 2 tổ hợp tên lửa PULS cho một quốc gia trong khối NATO. Dù không nói rõ tên nước đã đặt hàng nhà thầu Israel, nhưng rất có thể đây là Đan Mạch do trước đó nước này đã bày tỏ ý định muốn mua vũ khí từ Israel.

Trước đó, Đan Mạch đã quyết định sẽ chuyển giao toàn bộ 19 hệ thống pháo tự hành Caesar cho Ukraine và để thay thế, Đan Mạch rất có thể sẽ mua vũ khí từ Israel. Hợp đồng với Elbit chia thành 2 hợp đồng con: Một hợp đồng trị giá 119 triệu USD cung cấp pháo tự hành Atmos trong thời gian 2 năm và hợp đồng còn lại liên quan tên lửa PULS sẽ được thực hiện trong 3 năm.

Pháo tự hành Atmos 155mm. Ảnh: Defense Express

* Thủ tướng Anh Rishi Sunak dự kiến sẽ công bố mức tăng chi tiêu quốc phòng trị giá nhiều tỷ bảng nhằm tăng cường tiềm lực cho lực lượng vũ trang nước này. Daily Mail đưa tin ông Rishi Sunak sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Australia Anthony Albanese tại Washington trong tuần này để thảo luận các vấn đề liên quan dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân ba bên và tại đây ông Rishi Sunak sẽ công bố mức tăng cụ thể.

Các nguồn thạo tin cho biết mức tăng ngân sách quốc phòng được đồn đoán là trị giá khoảng nhiều tỷ bảng cho chu kỳ chi tiêu 2 năm, sẽ được công bố vào ngày 15-3 tới (Ngày Ngân sách). Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đã đề nghị tăng từ 8 đến 11 tỷ bảng do quân đội nước này hiện đang phải chi tiêu với mức ngân sách khá eo hẹp. Cụ thể, Lục quân Anh đã và đang bị cắt giảm từ 83.000 quân trong năm 2015 xuống còn hơn 72.000 quân vào năm 2025.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-6-3-quan-doi-azerbaijan-va-armenia-lai-dung-do-o-karabakh-720848