Quân sự thế giới hôm nay (9-6): Ukraine tự phát triển tên lửa tầm xa

Quân sự thế giới hôm nay (9-6) có những thông tin đáng chú ý sau: Ukraine tự phát triển tên lửa tầm xa; Australia tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine; Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo mới Agni-Prime.

* Ukraine sẽ tự phát triển tên lửa tầm xa

Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov trên tờ Militarnya ngày 8-6. Khi được hỏi về việc đổi mới hoạt động sản xuất tên lửa tầm xa của Ukraine, ông Oleksii Reznikov khẳng định Ukraine có triển vọng tốt để tự sản xuất tên lửa tầm xa với tầm bắn từ 1.000km trở lên: “Chúng tôi mới thông qua một chương trình tên lửa tầm xa và kinh phí đã được chính thức phân bổ. Chương trình này được thực hiện hoàn toàn bởi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và nhân lực nội địa”.

Nêu lại ví dụ về tên lửa chống hạm Neptune đã đánh chìm tuần dương hạm Moskva của Nga, ông Reznikov nhấn mạnh: “Ukraine có triển vọng tốt để phát triển tên lửa với tầm bắn trên 1.000km” và nước này sẽ phát triển tên lửa tầm xa bởi các đối tác phương Tây thường do dự trong việc cung cấp vũ khí mới cho Ukraine với lo ngại xung đột có thể gia tăng mức độ leo thang. Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Sapsan (Hrim-2) hiện được cho là vũ khí mạnh nhất của Ukraine. Hrim-2 có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 500km, trong khi khoảng cách từ biên giới Ukraine đến Moscow chỉ là khoảng 480km.

Ukraine có triển vọng tốt để phát triển tên lửa tầm xa (tầm bắn trên 1.000km). Ảnh: TSN

Ukraine bắt đầu sản xuất tên lửa Hrim-2 từ năm 2016 và đã nhận được đơn đặt hàng từ Saudi Arabia. Tháng 2-2021, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine khi đó là Andrii Taran tuyên bố hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Hrim-2 đã được phát triển hoàn chỉnh 80% và “đang thực hiện những khâu cuối cùng” để hoàn thiện. Tháng 3-2023, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov tiết lộ Ukraine đã có kế hoạch hoàn tất hệ thống tên lửa Hrim-2 vào năm 2023. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin Ukraine đã bắt đầu sử dụng tên lửa Hrim-2 trong xung đột ở Ukraine.

* Trong một diễn biến khác liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt, ABC News đưa tin Australia tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine và một lượng vũ khí, khí tài chưa được xác định cụ thể của Australia đã đến biên giới giữa Ukraine và Ba Lan. Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng dự kiến sẽ công bố gói hỗ trợ quân sự bổ sung mới cho Ukraine trong tháng 7 tới.

Bộ Quốc phòng Australia hiện chưa chia sẻ chi tiết cụ thể về các gói viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine, nhưng một số nguồn thạo tin cho biết vũ khí, khí tài Australia viện trợ cho Ukraine bao gồm xe thiết giáp Bushmaster dường như đã có mặt ở biên giới với Ba Lan. Cho đến nay, Australia đã cung cấp viện trợ quân sự khoảng 655 triệu AUD (tương đương khoảng 434 triệu USD) cho Ukraine, trong đó có 90 xe thiết giáp Bushmasters.

Viện trợ quân sự của Australia đã đến biên giới giữa Ukraine và Ba Lan. Ảnh: Anadolu Ajansi

Cũng theo ABC News, Ukraine và Mỹ hiện đang đàm phán với Australia để chuyển giao máy bay F/A-18 Hornet đã qua sử dụng cho Kiev. Một trong những điều khoản để F/A-18 có thể được chuyển giao là Ukraine phải đảm bảo sẽ không triển khai máy bay chiến đấu này vào không phận Nga. Thông tin cho biết, Công ty RAVN Aerospace có trụ sở tại Texas đã đặt cọc mua lại 41 máy bay F/A-18 từ Căn cứ RAAF Williamtown của Australia và theo ABC News thì RAVN Aerospace đã sẵn sàng "bán lại" số F/A-18 Hornet này cho Ukraine ngay khi có sự chấp thuận của Nhà Trắng.

* Ngày 8-6, Thời báo Ấn Độ (Times of India), Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo thế hệ mới Agni-Prime có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa có tầm bắn từ 1.000 đến 2.000km đã được phóng đi từ đảo Abdul Kalam ngoài khơi vùng biển Odisha vào đêm ngày 7-6.

Đây là lần bắn thử ban đêm đầu tiên của Bộ Tư lệnh các lực lượng chiến lược (SFC), cơ quan quản lý kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. Một quan chức Bộ Quốc phòng giấu tên cho biết: “Dữ liệu thu được trong toàn bộ quá trình bắn thử tên lửa Agni-Prime cho thấy tất cả các mục tiêu đặt ra đều được đáp ứng, từ thiết bị radar cho đến hệ thống theo dõi quang điện tử...”. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã chúc mừng Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) trong khi Chủ tịch DRDO đánh giá cao những nỗ lực của tất cả các cơ quan liên quan trong vụ phóng thử.

Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo thế hệ mới Agni-Prime có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ảnh: The Hindu

Agni-Prime sử dụng động cơ đẩy thế hệ mới có vỏ được làm bằng vật liệu tổng hợp composite và được trang bị các hệ thống dẫn đường và định vị hiện đại. Đáng chú ý là Agni-Prime cũng có hệ thống ống phóng như tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V có tầm bắn lên tới 5.000km hiện đang được SFC giới thiệu. Hệ thống ống phóng cho phép lưu trữ đạn tên lửa được lâu hơn và có thể được vận chuyển và triển khai nhanh hơn khi có tình huống.

Agni-Prime sẽ dần thay thế tên lửa Agni-I (tầm bắn 700km) trong kho vũ khí chiến lược của SFC. Ngoài Agni-I, hiện SFC đang nắm giữ tên lửa Prithvi-II (tầm bắn 350km) và các loại tên lửa đạn đạo Agni-II (tầm bắn 2.000km), Agni-III (tầm bắn 3.000km), và Agni-IV (tầm bắn 4.000km).

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

QUÝ CHUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-9-6-ukraine-tu-phat-trien-ten-lua-tam-xa-730641