Quan tâm các giải pháp tăng tổng cầu

Kết thúc quý I-2019, kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn chung ổn định và có nhiều diễn biến tích cực, phù hợp xu hướng dự báo từ đầu năm. Tăng trưởng kinh tế tuy có dấu hiệu chững lại nhưng chưa đáng lo, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Ca trực của các kỹ sư tại phòng điều khiển trung tâm Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: NGỌC MAI

Ca trực của các kỹ sư tại phòng điều khiển trung tâm Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: NGỌC MAI

Tăng trưởng dự báo được cải thiện

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I-2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý I các năm từ 2011 đến 2017. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng và là động lực cho tăng trưởng kinh tế khi đạt mức tăng trưởng 12,35%. Tuy mức tăng trưởng của ngành này thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I-2018 nhưng cao hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ các năm từ 2012 đến 2017. Ðáng lưu ý là ngành khai khoáng giảm 2,2%, chủ yếu do khai thác dầu thô và khai thác khí đốt tự nhiên giảm, trong khi tồn kho có xu hướng tăng. Nông nghiệp cũng tăng trưởng thấp hơn nhiều so cùng kỳ do xuất khẩu nông sản và thủy sản giảm. Cụ thể, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng 1,84%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,97% cùng kỳ năm trước. Lượng và giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như rau quả, hạt điều, cà-phê, hạt tiêu, gạo, sắn và sản phẩm sắn giảm khá mạnh so cùng kỳ. Ðáng chú ý, kinh tế Trung Quốc giảm tốc tiếp tục là nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam cả về giá và lượng, trong đó chủ yếu là giảm về giá. Chỉ số giá xuất khẩu nông sản (không bao gồm rau quả) có xu hướng giảm rõ nét.

Riêng khu vực dịch vụ duy trì được đà tăng trưởng nhờ sức mua trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng 9% so cùng kỳ. Dịch vụ lưu trú, ăn uống, và dịch vụ lữ hành giảm tốc do khách du lịch tăng chậm lại ở mức 9,2%. Nguyên nhân do khách du lịch từ thị trường Trung Quốc giảm 5,6%, từ thị trường Hàn Quốc chỉ tăng 24,1% (cùng kỳ năm 2018 tăng gần 70%).

Lạm phát quý I-2019 trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chỉ tăng 2,63% so cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong ba năm gần đây. Ðó là nhờ sự chủ động điều hành giá xăng dầu, kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Cùng với đó là tác động của quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán; ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Ðáng chú ý, việc tăng giá điện 8,36% trong tháng 3 không gây tác động quá lớn ngay đến CPI nhưng có thể sẽ có tác động trễ đến CPI trong các tháng tiếp theo của năm 2019.

Nhìn chung, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam là tích cực và dự báo tăng trưởng trong các quý tới sẽ cải thiện. Ngành nông nghiệp dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp do kinh tế Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản và thủy sản. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ cải thiện tăng trưởng trong các quý sau do đầu tư nước ngoài vào ngành này gia tăng. Hiện tượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và bổ sung tăng mạnh 30,9% trong quý I (với Trung Quốc, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Nhật Bản là các nhà đầu tư lớn nhất) có thể là tín hiệu cho thấy xu hướng dịch chuyển sản xuất của các nhà đầu tư sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ dự báo khó có sự bứt phá vì chịu ảnh hưởng nhất định của việc khách Trung Quốc đến Việt Nam suy giảm khi nền kinh tế nước này giảm tốc độ tăng trưởng.

Tận dụng, khai thác cơ hội

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực của tăng trưởng kinh tế quý I đã xuất hiện những khó khăn cần lưu ý. Ðó là sự dịch chuyển sản xuất nêu trên chỉ bù đắp phần nào sự suy giảm của ngành điện tử vốn đang chịu ảnh hưởng từ xu hướng bão hòa của thị trường thế giới đối với điện thoại di động. Trong khi đó, ngành khai khoáng khó có khả năng cải thiện nhiều trong những quý tới vì giá dầu thế giới dự báo cho cả năm nay vẫn thấp hơn năm 2018. Ngành dịch vụ cũng sẽ gặp khó khăn khi sức mua trong nước có thể bắt đầu chịu ảnh hưởng của suy giảm tăng trưởng đối với nông nghiệp và công nghiệp. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành.

Mặc dù bối cảnh thế giới ít thuận lợi hơn nhưng nếu có thể tận dụng, khai thác được những cơ hội và vượt qua những thách thức, Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, dự báo đạt từ 6,9 đến 7,1%. Các cơ hội của nền kinh tế đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc; yếu tố địa chính trị, sự điều chỉnh chính sách kinh tế, tài chính của các nền kinh tế trên thế giới. Ðồng thời là các cơ hội có được từ khơi thông nguồn lực trong nước, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo bứt phá, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai và giải ngân các dự án đầu tư công, cải cách hành chính…

Ðể đạt được mục tiêu đã đặt ra, trong ba quý còn lại của năm 2019, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm những giải pháp tăng tổng cầu. Cụ thể, đối với xuất khẩu, cần có giải pháp xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký nhằm bảo đảm xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến về du lịch. Tăng cường đôn đốc thực hiện các dự án đầu tư nhằm tăng đầu tư trong nền kinh tế, cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Ðối với đầu tư công, cần giám sát tiến độ thực hiện các dự án có giá trị lớn, các dự án BT, BOT, FDI…; kịp thời xử lý có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm việc giải ngân đạt 100% nguồn vốn đầu tư công trong năm 2019. Ðối với đầu tư tư nhân, cần xử lý các vướng mắc về thủ tục hiện nay phát sinh ở các bộ, ngành, địa phương do tâm lý sợ trách nhiệm và tư duy nhiệm kỳ. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh. Cải cách mạnh mẽ thị trường tài chính, bảo đảm thị trường vốn và thị trường tiền tệ hoạt động có hiệu quả hơn, đón nhận sự chuyển dịch của các dòng vốn quốc tế, kể cả trực tiếp và gián tiếp đến Việt Nam thông qua việc nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu…; thực hiện linh hoạt chính sách tiền tệ trong bối cảnh thế giới đang điều chỉnh các chính sách tiền tệ theo hướng bớt thắt chặt hơn; định hướng giảm thấp dần lãi suất VNÐ để hỗ trợ nền kinh tế. Tiếp tục theo dõi sát các diễn biến về giá cả thị trường thế giới (giá xăng dầu, nguyên vật liệu, chứng khoán, tỷ giá, lãi suất…) và giá cả thị trường trong nước, nhất là việc điều chỉnh giá các hàng hóa và dịch vụ công để bảo đảm lạm phát bình quân dưới 4%.

Dự báo áp lực giá dầu cũng như giá hàng hóa thế giới đối với lạm phát trong nước không quá lớn. CPI chủ yếu sẽ chịu tác động của các yếu tố trong nước như việc điều chỉnh giá dịch vụ công hay kiểm soát dịch bệnh gia súc. Ngoài ra, tác động của tăng giá điện dự báo không quá lớn do ít có yếu tố cộng hưởng như giai đoạn trước đây, theo đó, tác động lan truyền gián tiếp lên mặt bằng giá là có, nhưng ở mức hạn chế. Năm 2019, Việt Nam có thể duy trì mức lạm phát bình quân 3,3 đến 3,6%.

Nguồn: Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39779702-quan-tam-cac-giai-phap-tang-tong-cau.html