Quan tâm, chăm lo bậc học đầu đời cho trẻ

Giáo dục mầm non (GDMN) là bậc học quan trọng đầu đời của trẻ. Với tầm quan trọng đó, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều quan tâm, chăm lo cho bậc học này và đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.

NHIỀU KHỞI SẮC

Phú Mỹ là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Phước. Những năm qua, Trường Mầm non Phú Mỹ được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, được đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô, diện tích phòng học với trên 3.200 m2 với 7 phòng học, 7 phòng chức năng. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ đạt nhiều kết quả ghi nhận. Năm học 2023 - 2024, tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 120%; trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thể nhẹ cân giảm còn 0%; tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì mẫu giáo giảm. Hiện nay, Trường Mầm non Phú Mỹ có tổng số 252 trẻ, 1 nhóm trẻ và 6 lớp mẫu giáo.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ Phạm Thị Ngọc Điệp cho biết: “Thời gian qua, nhà trường tích cực thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, tạo ra không gian mở cho trẻ và giáo viên được trải nghiệm, sáng tạo. Cùng với đó, nhà trường đang những nỗ lực triển khai xây dựng trường mầm non hạnh phúc, góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp, nhân văn của bậc học mầm non”.

Các hoạt động giáo dục và vui chơi của trẻ tại Trường Mầm non 3-2.

Tại huyện Tân Phú Đông, thời gian qua, Trường Mầm non Tân Phú, xã Tân Phú, đã được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy. Hiện trường có trên 300 trẻ học bán trú. Đối với trẻ học bán trú, nhà trường tổ chức 1 bữa ăn sáng, 1 bữa chính, 1 bữa phụ và sữa. Các bữa ăn luôn đảm bảo 4 nhóm thực phẩm với tỷ lệ cân đối, hợp lý. Các món ăn được thay đổi thường xuyên, không lặp lại, tránh gây nhàm chán cho trẻ. Nhà trường cũng đã tiến hành tính khẩu phần ăn của trẻ bằng phần mềm dinh dưỡng để điều chỉnh định lượng và cân đối về chất.

Theo Ban Giám hiệu Trường Mầm non Tân Phú, hiện tại đang bước vào mùa khô, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng hạn, mặn gay gắt, nhà trường đã tăng cường công tác vệ sinh cho trẻ, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến thức ăn đúng quy trình một chiều, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn nước sạch cho trẻ uống và sinh hoạt. Ngoài ra, trường còn chú trọng dọn vệ sinh ở các lớp học, nhà bếp, nhà vệ sinh; tuyên truyền đến phụ huynh công tác giữ gìn và chăm sóc trẻ...

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang, nếu như năm 2010 toàn tỉnh còn 33 “xã trắng” chưa có trường mầm non thì đến năm học 2023 - 2024 có đến 170/172 xã, phường, thị trấn có trường mầm non. Toàn tỉnh hiện có 188 trường mầm non, mẫu giáo, tăng 30 trường so với năm học 2010 - 2011; trong đó có 170 trường công lập, 18 trường ngoài công lập và trên 110 nhóm trẻ tư thục. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có trên 67% trường đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường mầm non được quan tâm đầu tư, góp phần tạo điều kiện nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

TIẾP TỤC QUAN TÂM, CHĂM LO

Mới đây, tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển GDMN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, GDMN có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Để phát triển bậc học này trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu rà soát, có cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực cho GDMN, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong GDMN… Trong đó, phải tháo gỡ các điểm nghẽn của bậc học này là việc thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất; cách tiếp cận GDMN chưa bình đẳng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và người yếu thế.

Tại tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên các cơ sở GDMN công lập công tác tại các địa bàn khó tuyển dụng và Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Các nghị quyết này đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non tại 57 xã, phường, thị trấn khó tuyển dụng trong suốt thời gian dài nhiều năm qua.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thị Phượng cho biết: Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục có các giải pháp duy trì và nâng chất GDMN, trong đó triển khai một số giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài chính cho GDMN. Phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường/lớp mầm non, đảm bảo trường, lớp có công trình vệ sinh và nước sạch đạt chuẩn. Quan tâm, chăm lo công tác nuôi dưỡng, thực hiện bán trú tại các trường mầm non với mục tiêu cao nhất phát triển toàn diện cho trẻ mầm non.

Tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong quản lý, chỉ đạo, điều hành ở các cơ sở GDMN trong quản lý và chăm sóc, giáo dục trẻ; quan tâm đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình GDMN. Nâng chất đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDMN, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý, GDMN đủ về số lượng, đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi để thực hiện chương trình GDMN bảo đảm chất lượng và đạt hiệu quả theo xu thế phát triển. Đổi mới nội dung, chương trình GDMN, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ; tiếp tục thực hiện những giải pháp để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình GDMN, đặc biệt là tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học này...

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202404/quan-tam-cham-lo-bac-hoc-dau-doi-cho-tre-1007400/