Quan tâm chăm lo để mọi người, mọi nhà đều có Tết

Người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công; gia đình diện hộ nghèo; người cao tuổi; người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đối tượng tại các Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, chữa trị tập trung... đều được tỉnh Ninh Bình quan tâm, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Công đoàn các cấp và các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh đã huy động được trên 25 tỷ đồng để chăm lo cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Năm qua, công tác chăm lo cho Người có công được tỉnh Ninh Bình quan tâm, thể hiện bằng nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 102/2023/ NQ-HĐND ngày 12/7/2023 quy định chính sách điều dưỡng phục hồi chức năng tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch triển khai thực hiện; cấp lại hàng trăm Bằng "Tổ quốc ghi công" do bị rách, mất.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh, đã hỗ trợ 521 đối tượng thuộc 347 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, với tổng kinh phí trên 7,8 tỷ đồng. Trong năm 2023, tổ chức các Đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm, tặng trên 172 nghìn suất quà, trị giá trên 50 tỷ đồng cho người có công; trong đó tặng quà riêng người có công dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, toàn tỉnh tiếp nhận và thăm tặng trên 77,4 nghìn suất quà, trị giá trên 24,6 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức lễ tưởng niệm, thắp nến tri ân nhân ngày Thương binh Liệt sĩ, dịp Tết, Ngày Quốc khánh 2/9... đảm bảo thiết thực, trang trọng, ý nghĩa.

Trong công tác giảm nghèo, tỉnh Ninh Bình đã ban hành 1 Nghị quyết, nhiều chương trình, kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo. Tiêu biểu như: Công tác xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo theo Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Trong năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 500 căn nhà ở cho hộ nghèo, với tổng kinh phí 41,55 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, hỗ trợ hoàn thiện và đưa vào sử dụng 495 căn, 5 căn nhà đề nghị chuyển năm 2024 thực hiện.

Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiến hành rà soát và kiểm tra kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định thu nhập của hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2023. Kết quả, toàn tỉnh có 5.905 hộ nghèo đạt tỷ lệ 1,86%; 7.207 hộ cận nghèo, đạt 2,27%; 87.930 hộ có mức sống trung bình, đạt 27,66%. Kết quả, mức giảm số hộ nghèo và cận nghèo năm 2023 vượt 31,7% so với kế hoạch tỉnh giao đầu năm.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, để chăm lo tới từng đối tượng, tỉnh Ninh Bình chia thành từng nhóm đối tượng cụ thể, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác chăm lo Tết, đảm bảo mục tiêu quan tâm tốt hơn đến đời sống, vật chất tinh thần người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công; gia đình diện hộ nghèo; người cao tuổi; người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; các tổ chức, cá nhân tiêu biểu; cán bộ trực Tết Nguyên đán và đối tượng tại các Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, chữa trị tập trung trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội...

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt việc thăm hỏi, tặng quà đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ chế độ chính sách, kịp thời theo quy định tài chính hiện hành. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả thiết thực nhằm chăm lo tốt hơn đối với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi người dân đều có Tết, theo đúng chính sách, đúng đối tượng, công khai, dân chủ.

Các đối tượng được tặng quà và hỗ trợ nhân dịp Tết nguyên đán gồm: Quà của Chủ tịch nước đối với người có công, hộ nghèo và quà của tỉnh tặng các tập thể và cá nhân tiêu biểu; người cao tuổi; gia đình quân nhân; giáo viên mầm non ngoài biên chế... Dự kiến có hàng trăm nghìn suất quà được tặng vào dịp Tết Nguyên đán cho các đối tượng, trị giá hàng trăm tỷ đồng, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cùng với sự quan tâm của tỉnh, với truyền thống tốt đẹp "thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam, từng địa phương, đơn vị, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân, các tập thể, cá nhân nhà thiện nguyện đều có kế hoạch với những chương trình, hoạt động sáng tạo trong chăm lo Tết cho các đối tượng, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi, cô đơn, mồ côi, cơ nhỡ trên địa bàn mình sinh sống, phụ trách. Tất cả nhằm mục tiêu tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; quan tâm kịp thời và có chính sách hỗ trợ phù hợp, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được vui Xuân, đón Tết đầm ấm, hạnh phúc.

Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quan-tam-cham-lo-de-moi-nguoi-moi-nha-deu-co-tet/d2024011821132834.htm