Quan tâm chăm sóc sức khỏe người lao động

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 8.000 doanh nghiệp, cơ sở với hơn 300.000 người lao động. Trong đó, hàng nghìn người lao động đang hằng ngày, hằng giờ phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại, có nguy cơ cao dẫn đến suy giảm sức khỏe, ốm đau và phơi nhiễm với các bệnh nghề nghiệp (BNN). Nhiều năm trở lại đây, công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe người lao động đã được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

Môi trường làm việc có yếu tố độc hại luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Nhà máy gạch Hoành Bồ.

Môi trường làm việc có yếu tố độc hại luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Nhà máy gạch Hoành Bồ.

Ông Bùi Bảo Nguyễn (trú tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long), là công nhân cơ điện hầm lò, đang phải điều trị tại Khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp (HH&BNN), Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Dáng người to khỏe, nhanh nhẹn nhưng ông thường xuyên phải uống thuốc, nhập viện điều trị chứng bệnh bụi phổi mãn tính.

Ông Nguyễn chia sẻ: “Bao năm nay, mỗi khi trái gió trở trời, tôi thường bị nổi gai ốc, hắt xì, ho đến đau tức ngực. Lần nào mệt mỏi quá, tôi lại phải nhập viện điều trị 5-7 ngày. Năm 2017, tôi được công ty tạo điều kiện cho đi rửa phổi nhưng vẫn không đỡ, bởi tôi đã mắc bệnh mãn tính. Từ ngày mắc phải căn bệnh này, sức khỏe và tinh thần của tôi bị ảnh hưởng nhiều, chất lượng cuộc sống giảm hẳn”.

Ở Khoa HH&BNN, những người mắc bệnh lâu năm, kéo dài như ông Nguyễn không phải là ít. Như ông Phạm Văn Đoan (phường Hà Lầm, TP Hạ Long), năm nay đã ngoài 85 tuổi nhưng mắc bệnh bụi phổi ở mức nặng, nên gần nửa cuộc đời ông phải thường xuyên ra, vào khoa này. Định kỳ hằng tháng ông đến bệnh viện lấy thuốc dự phòng; 2-3 tháng lại nhập viện điều trị gần chục ngày.

Mắc bệnh bụi phổi 10 năm nay, ông Bùi Bảo Nguyễn (phường Hà Lầm, TP Hạ Long) thường xuyên phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Định, Trưởng Khoa HH&BNN, cho biết: Ông Nguyễn, ông Đoan chỉ là hai trong số hàng trăm bệnh nhân mắc BNN đã và đang điều trị tại khoa. Bình quân mỗi năm, khoa điều trị cho gần 100 bệnh nhân mới mắc các BNN, chủ yếu là bệnh bụi phổi than, bụi phổi silic. Hiện toàn tỉnh có 2.266 người được khám phát hiện mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, chiếm 96% tổng số người mắc BNN; 40 người bị bệnh lao nghề nghiệp; 38 người bị sạm da nghề nghiệp; 19 người bị bệnh điếc nghề nghiệp. Những người mắc bệnh thường không thể lao động nặng, chất lượng cuộc sống giảm sút; ở mức nặng có thể khó thở thường xuyên, tần suất nhập viện tăng, nguy cơ kèm theo suy tim, suy thận. Chi phí điều trị cho bệnh nhân là rất lớn.

Theo thống kê, giai đoạn 2013-2018 toàn tỉnh đã tổ chức khám BNN cho 56.068 lượt người lao động; trong đó phát hiện 48.423 người mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp, chiếm 86,4%; 4.461 người mắc bệnh sạm da nghề nghiệp, chiếm 8%; 876 người mắc bệnh điếc nghề nghiệp, chiếm 1,6%; số còn lại phát hiện các bệnh rung chuyển nghề nghiệp, lao nghề nghiệp, nhiễm độc Benzen nghề nghiệp. Đáng mừng, số lượng người được khám BNN những năm gần đây năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể: Năm 2016 bằng 109% so với năm 2015; năm 2017 bằng 218% so với năm 2016; năm 2018 bằng 136% so với năm 2017.

Biểu đồ thể hiện số người lao động được khám BNN ngày càng tăng cao.

Nhiều năm trở lại đây, công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe người lao động đã được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Các đơn vị bố trí cán bộ làm công tác y tế, thành lập trạm y tế. Những đơn vị quy mô nhỏ, hoạt động phân tán thì hợp đồng với cơ sở y tế địa phương để quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, 3 năm qua đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 463.782 lượt người lao động. Sau khi có kết quả khám, phân loại sức khỏe người lao động, các đơn vị đã tổ chức rà soát, phân công, bố trí người lao động có sức khỏe yếu làm các công việc phù hợp. 100% công nhân mắc bệnh mãn tính, bụi phổi được y tế đơn vị theo dõi thường xuyên, chăm sóc và điều trị, phục hồi chức năng hiệu quả. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng thực hiện tốt việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo quy định.

Đi đôi với đó, công tác quản lý, phòng chống BNN được tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, khám và giám định BNN được đầu tư một cách đồng bộ, hiệu quả. Các trang thiết bị phục vụ quan trắc, lấy mẫu, đo kiểm tra môi trường lao động được đầu tư đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát môi trường lao động, đảm bảo công tác vệ sinh lao động, phòng chống BNN.

Người lao động được khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm tại cơ sở có yếu tố độc hại.

Tuy công tác phòng, chống BNN và chăm sóc sức khỏe người lao động ngày càng được nâng cao, song môi trường làm việc có yếu tố độc hại luôn có nhiều nguy cơ rình rập, đe dọa sức khỏe của người lao động. Để phòng chống BNN cho người lao động một cách triệt để, ông Vũ Quyết Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần thay đổi công nghệ sản xuất hướng tới không phát sinh hoặc phát sinh ít các yếu tố độc hại; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám sơ loại BNN cũng như khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm ở đơn vị có yếu tố độc hại; đào tạo, hướng dẫn phòng tránh BNN cho người lao động…

Bài, ảnh: Ngô Dịu

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201903/quan-tam-cham-soc-suc-khoe-nguoi-lao-dong-2433793/