Quan tâm chính sách cho người bảo vệ rừng

Kinh tế lâm nghiệp đang ngày càng khẳng định là thế mạnh của tỉnh. Rừng với vai trò là tác nhân chủ đạo để giữ ổn định môi trường sinh thái trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt; là một ngành kinh tế kỹ thuật đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh, đồng thời là nguồn thu nhập, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn. Những năm qua, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp. Tuy vậy, những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để thúc đẩy hơn nữa kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững, ngày 28/3/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33/2023/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

Lực lượng bảo vệ rừng tuần tra bảo vệ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông -Ảnh: BTTN

Toàn tỉnh hiện có 285.878 ha rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển rừng, chiếm 60,8% diện tích toàn tỉnh, trong đó rừng tự nhiên 126.621,77 ha, rừng trồng 119.374,23 ha, đất quy hoạch phát triển rừng 39.882 ha. Những năm qua, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách đầu tư phát triển lâm nghiệp, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa sản xuất lâm nghiệp...

Nhờ đó, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh đã phát triển rõ nét. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 - 2025, có nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách của Nhà nước và thực tiễn của tỉnh trong phát triển lâm nghiệp đòi hỏi cần có những điều chỉnh, bổ sung để phù hợp, làm cơ sở định hướng đầu tư, quản lý, BVR, sản xuất kinh doanh lâm nghiệp bền vững, khắc phục những hạn chế, phát triển ngành lâm nghiệp tương xứng với tiềm năng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.

Nhằm hỗ trợ công tác quản lý, BVR đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên sản xuất, trung ương đã ban hành các chính sách hỗ trợ công tác khoán BVR trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quyết định 809/ QĐ-TTg về phê duyệt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.

HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 73/NQHĐND ngày 25/6/2021 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: trồng, bảo vệ phát triển rừng và cơ sở hạ tầng phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững các khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa; Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng thay thế những diện tích rừng chuyển đổi để thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn, đảm bảo độ che phủ rừng.

Tuy nhiên, mặc dù đã triển khai thực hiện các chính sách trên, nhưng công tác quản lý, BVR vẫn gặp nhiều khó khăn, đó là: chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên trách BVR chưa có, mỗi người bình quân quản lý hơn 1.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng nhưng thu nhập 3 - 5 triệu đồng/ người/tháng.

Mức hỗ trợ kinh phí cho quản lý, BVR đặc dụng quá thấp chỉ có 100.000 đồng/ha, không đảm bảo duy trì công tác giao khoán BVR theo phương án quản lý rừng bền vững; thiếu kinh phí phục vụ công tác giao đất, giao rừng; thiếu quy định về mức chi cho các lực lượng tham gia chốt chặn nhằm khuyến khích, động viên các lực lượng tham gia quản lý, BVR vào những đợt cao điểm về PCCCR, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, vận chuyển lâm sản trái phép…

Trước tình hình đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 33 nhằm thực hiện thành công các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để khuyến khích thực hiện tốt công tác quản lý, BVR trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

Ngoài chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 33, các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ theo các văn bản quy định của trung ương và của tỉnh vẫn còn hiệu lực. Theo đó, HĐND tỉnh quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ kinh phí quản lý rừng đặc dụng; chính sách hỗ trợ kinh phí cho lực lượng chuyên trách BVR; chính sách hỗ trợ kinh phí giao đất, giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; hỗ trợ kinh phí thành viên tổ chốt chặn bảo vệ rừng. Hằng năm, ngân sách tỉnh cân đối bố trí tối thiểu 3,87 tỉ đồng để thực hiện các chính sách này.

Chính sách hỗ trợ kinh phí quản lý, BVR đặc dụng áp dụng cho các đối tượng gồm: các ban quản lý rừng đặc dụng; cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được các ban quản lý rừng đặc dụng giao khoán để BVR đặc dụng.

Đối với những diện tích rừng đặc dụng được giao cho ban quản lý rừng đặc dụng quản lý dự kiến giao khoán BVR từ nguồn ngân sách nhà nước theo kế hoạch hằng năm, chủ rừng được sử dụng kinh phí ngân sách hỗ trợ theo chính sách này thực hiện khoán BVR theo định mức, cơ chế, chính sách đối với các khu vực tương ứng. Mỗi năm tỉnh hỗ trợ cho công tác quản lý, BVR đặc dụng là 22.000 ha với mức hỗ trợ 95.000 đồng/ha/năm.

Đối với lực lượng chuyên trách BVR, năm 2023 toàn tỉnh có 73 người được hưởng thêm mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ người/tháng. Hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, ngoài chính sách hiện hưởng, từ năm nay sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 1.332.000 đồng/ha, trong đó, hỗ trợ kinh phí giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư 870.000 đồng/ha; hỗ trợ kinh phí giao đất cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư 462.000 đồng/ha.

Nguồn kinh phí được trích từ ngân sách tỉnh 70% và từ ngân sách huyện 30%. Ngoài ra, thành viên tham gia các tổ chốt chặn BVR được thành lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được chi trả kinh phí hỗ trợ trong thời gian huy động tham gia chốt chặn với mức hỗ trợ 150.000 đồng/người/ ngày từ nguồn kinh phí hợp pháp của chủ rừng và các nguồn kinh phí lồng ghép của các chương trình, dự án; nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân…

Sự quan tâm hỗ trợ này của tỉnh sẽ khuyến khích người làm công tác bảo vệ rừng yên tâm hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần bảo vệ và phát triển tốt hơn tài nguyên rừng của tỉnh, đưa nền kinh tế lâm nghiệp ngày càng phát triển bền vững.

Trần Anh Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/quan-tam-chinh-sach-cho-nguoi-bao-ve-rung/176054.htm