Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ nữ tại Bắc Giang

Sáng 15/11, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam làm trưởng đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới (BĐG), vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) tại tỉnh Bắc Giang.

Tiếp và làm việc với đoàn kiểm tra có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban VSTBCPN tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành thành viên Ban VSTBCPN tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội nghị.

Thời gian qua, Ban VSTBCPN tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình liên quan đến công tác phụ nữ và BĐG gắn với thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH hằng năm, theo giai đoạn của tỉnh.

BĐG trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đạt được nhiều kết quả. Đội ngũ cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 41 cán bộ nữ là lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh, huyện thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt tại HĐND, UBND cấp xã tăng 25,4%; cấp huyện tăng 50%; cấp tỉnh tăng 28,6%.

Nhiều chỉ tiêu về công tác VSTBCPN đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh. Điển hình như: Tỷ lệ lao động nữ có việc làm đạt hơn 50%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt 73%; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ được đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch chiếm hơn 80%.

Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh nhận tín chấp, ủy thác, quản lý gần 3,8 nghìn tỷ đồng vốn từ các ngân hàng, quỹ hỗ trợ gần 60 nghìn phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp. Qua đó từng bước khẳng định vị thế, tiếng nói của phụ nữ trong xã hội và gia đình.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại hội nghị.

Tại đây, các đại biểu thảo luận, làm rõ kết quả đạt được, hạn chế trong thực hiện công tác BĐG, VSTBCPN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung phân tích về tình hình việc làm, các ngành nghề thu hút lao động nữ, vấn đề thường gặp của phụ nữ khi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng thời đề cập đến một số khó khăn về việc thực hiện công tác đối với cán bộ nữ trong thời điểm hiện nay do tinh giản biên chế. Ngoài ra, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về những cách làm sáng tạo, mô hình hay trong thực hiện công tác VSTBCPN tại Bắc Giang như: Công tác bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phòng ngừa bạo lực gia đình, xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao của phụ nữ.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Sơn khẳng định cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Bắc Giang luôn tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát huy tối đa khả năng của mình, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Việc thực hiện BĐG, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ được Ban VSTBCPN tỉnh lồng ghép trong các chương trình, dự án.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục bám sát văn bản chỉ đạo của cấp trên, triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này. Trong đó, chú trọng công tác cán bộ, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực cho phụ nữ; chăm sóc sức khỏe và đẩy mạnh tư vấn việc làm dựa theo độ tuổi, khả năng của nữ giới; tích cực tuyên truyền, mã hóa bộ tiêu chí gia đình văn hóa qua mã QR để triển khai điểm, niêm yết tại hộ gia đình; đồng thời chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục đánh giá về hoạt động hỗ trợ, phát triển kinh tế cho phụ nữ.

Lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang thông tin về tình hình chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ trên địa bàn tỉnh.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hà ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của tỉnh Bắc Giang trong thực hiện công tác BĐG, VSTBCPN. Đồng chí mong muốn tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐG trong cộng đồng; thực hiện hiệu quả chương trình truyền thông về BĐG. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá tình hình cán bộ nữ để xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch đối với cán bộ nữ. Quá trình thực hiện các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ phụ nữ trên các lĩnh vực; giải quyết tốt các vấn đề về trẻ em gái, phụ nữ dân tộc thiểu số, ngăn ngừa bạo lực gia đình.

Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc triển khai các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến phụ nữ; tích cực cập nhật các dữ liệu về phụ nữ trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia để nâng cao hiệu quả quản lý, nắm tình hình thông qua số liệu cập nhật trên hệ thống. Cùng đó, cần có cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy sự sáng tạo, khẳng định vai trò trên các lĩnh vực.

Tin, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/414939/quan-tam-cong-tac-dao-tao-boi-duong-va-quy-hoach-can-bo-nu-tai-bac-giang.html