Quan tâm công tác giáo dục vùng khó khăn

Có tới 181 chi, điểm trường, 1.204 lớp, huyện Lạc Sơn là địa phương có số học sinh đông nhất của tỉnh với 33.327 em. Đặc biệt, học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm tới 92%. Trong số 13 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), nhiều xã có tới 97 - 98% học sinh là con em dân tộc.

Đại diện Phòng GD&ĐT, Hội Khuyến học và trẻ em nghèo vượt khó huyện Lạc Sơn tại lễ trao học bổng "Vì em hiếu học" do Viettel Hòa Bình tài trợ.

Đồng chí Bùi Văn Danh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện chăm lo cho học sinh dân tộc, nâng cao chất lượng công tác giáo dục vùng khó. Với sự tăng cường đầu tư, năm học 2021 - 2022, cơ sở vật chất các đơn vị trường học trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu. Quá trình tổ chức mua sắm, đầu thấu trang thiết bị, huyện tập trung cho các điểm trường xây dựng chuẩn quốc gia, các trường học vùng khó khăn. Một số điểm trường có công trình nhà bếp, nhà vệ sinh xuống cấp đang được thống kê, rà soát, có kế hoạch sửa chữa, khắc phục dần.

Mặt khác, đối với các điểm trường vùng ĐBKK, huyện ưu tiên bố trí, bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên giỏi, thành tích cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy, nhất là đối với lớp 1. Mục đích đảm bảo sự cân bằng giữa vùng thuận lợi và vùng khó. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm đến đối tượng học sinh dân tộc, vận động học sinh ra lớp đạt 100%. Nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh, các trường chỉ đạo sát sao về điều kiện cơ sở vật chất, triển khai đầy đủ chương trình giảng dạy tại trường. Phong trào thi đua "Hai tốt” được duy trì, đẩy mạnh. Các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề theo cụm vùng cũng góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn. Hàng năm, các trường ký cam kết với Phòng GD&ĐT trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn.

Từ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với con em học sinh dân tộc, học sinh các vùng ĐBKK, huyện đã triển khai, thực hiện chính xác, kịp thời, đầy đủ. Bình quân nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ đối với đối tượng học sinh trên dưới 20 tỷ đồng/năm. Cụ thể, theo chính sách của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP về việc quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; ngân sách nhà nước hỗ trợ tổ chức nấu ăn trưa cho trẻ; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, xa nhà với đối tượng thụ hưởng là học sinh thường trú tại các xã khu vực III, thôn ĐBKK vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, THCS mà nhà ở cách xa trường từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học, từ 7 km trở lên đối với học sinh THCS hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, phải qua sông, suối không có cầu, qua đèo, núi cao, qua vùng sạt lở đất, đá; Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Ngoài ra, nhiều chương trình, hoạt động an sinh xã hội, khuyến học, khuyến tài cũng đã đến với học sinh dân tộc vùng khó khăn. Tiêu biểu là Viettel Hòa Bình có chương trình tặng quà "Vì em hiếu học”; mới đây, VOV khởi công xây dựng điểm chi trường xóm Vẹ, trường mầm non Quý Hòa… Các thầy, cô giáo công tác tại các trường học vùng ĐBKK, đồng thời là những người đứng ra vận động quyên góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm mang những suất quà an sinh đến với học sinh.

Cũng bằng việc huy động nhiều nguồn lực, vận động xã hội hóa, điều kiện dạy và học ở vùng dân tộc, vùng ĐBKK trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến. Khoảng cách chất lượng giáo dục vùng khó khăn và vùng thuận lợi tiếp tục được thu hẹp, chất lượng giáo dục đại trà từng bước nâng cao. Đến nay, có 21/58 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 36,2%.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/160657/quan-tam-cong-tac-giao-duc-vung-kho-khan.htm