Quan tâm quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi phục vụ tốt cho sinh hoạt, sản xuất

Chiều nay (27/4), Đoàn giám sát số 1 của HĐND tỉnh do đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Phó Trưởng đoàn đến giám sát công tác đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi, giai đoạn 2020 - 2022 trên địa bàn huyện Trà Cú.

Quang cảnh buổi làm việc.

Các đồng chí: Ngô Quốc Thạnh, Phó Chủ tịch HĐND huyện; Huỳnh Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện các ngành có liên quan tiếp và làm việc với đoàn.

Giai đoạn 2020 - 2022, Trà Cú tổ chức triển khai thực hiện thi công 02 công trình với tổng kinh phí thực hiện 100 tỷ đồng, đã giải ngân được 72,287 tỷ đồng, cơ bản đạt tiến độ đề ra. Thực hiện sửa chữa, nâng cấp 469 công trình với tổng kinh phí thực hiện 36,278 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 100%; thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 06 công trình với số tiền 21,531 tỷ đồng.

Quan tâm thực hiện có hiệu quả việc vận hành, quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn huyện theo phân cấp quản lý; xây dựng và tổ chức thực hiện phương án ứng phó thiên tai và phương án bảo vệ công trình thủy lợi; Xí nghiệp Thủy nông Trà Cú theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn, kịp thời đôn đốc xây dựng lịch vận hành các cống chặt chẽ, hợp lý. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong công tác đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng các công trình thủy lợi được quan tâm thực hiện.

Đồng chí Trương Văn Toàn, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, thành viên đoàn giám sát nêu những vấn đề còn hạn chế trong công tác đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi trên địa huyện Trà Cú.

Qua giám sát, bên cạnh những kết quả tích cực, đoàn giám sát chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi trên địa huyện. Công tác quản lý các công trình thủy lợi có nơi chưa chặt chẽ, đến nay UBND huyện không thực hiện việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, việc này sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý vì có trường hợp người dân lấn chiếm.

Đối với Dự án đê bao chống sạt lở ở Bắc rạch Trà Cú, huyện Trà Cú, qua phản ánh có việc lưu thông xe tải vận chuyển hàng hóa nông nghiệp quá tải gây hiện tượng nứt đal trên đê; có những hộ dân làm nhà ngoài đê, một vài đoạn có hiện tượng sạt lở chân đê do thủy triều.

Hiện nay, đối với các tuyến kênh đã nạo vét thì đa phần có tình trạng lục bình mọc đầy kênh nhưng chưa có giải pháp xử lý, gây nguy cơ bồi lắng; công tác vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cối 02 bên bờ kênh chưa được quan tâm thực hiện. Tình trạng công tác điều tiết vận hành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do lịch sản xuất không đồng bộ giữa các huyện, việc xuống giống tự phát, không theo quy hoạch, không tuân thủ lịch thời vụ ở một số nơi gây ảnh hưởng năng suất cây trồng.

Đồng chí Huỳnh Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú giải trình những vấn đề còn hạn chế thuộc thẩm quyền của huyện.

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ đề nghị UBND huyện Trà Cú tiếp tục triển khai tốt các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, của tỉnh và ban hành theo thẩm quyền các văn bản triển khai thực hiện công tác đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện. Tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển thủy lợi, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân về thủy lợi; quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn được kết nối, đồng bộ, đảm bảo tính khả thi nhằm đáp ứng nhu cầu về nước, phát huy hiệu quả đầu tư công trình, phục vụ tốt cho sinh hoạt, sản xuất của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ phát biểu tại buổi giám sát.

Thực hiện quy trình vận hành các công trình thủy lợi, điều tiết lịch thời vụ trên địa bàn phù hợp, đảm bảo cung cấp đủ nước, phòng, chống hạn mặn, đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu trong sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Thường xuyên kiểm tra công trình thủy lợi ở địa phương, vận động người dân tổ chức vớt lục bình, khơi thông dòng chảy, đảm bảo cấp nước, tiêu nước phục vụ sản xuất. Chỉ đạo phối hợp kiểm tra và xử lý việc lưu thông xe tải vận chuyển hàng hóa nông nghiệp quá tải trên đê; hộ dân làm nhà ngoài đê đối với Dự án đê bao chống sạt lở ở Bắc rạch Trà Cú, huyện Trà Cú.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác đầu tư, quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền huyện. Phối hợp tốt với cơ quan chuyên môn thực hiện việc thống kê, bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng công trình thủy lợi theo phân cấp quản lý đúng quy định, nhất là việc cắm mốc chỉ giới, giải tỏa hành lang bảo vệ từng cấp công trình, các khu đê bao, khu nuôi thủy sản đã được đầu tư trong giai đoạn trước đây; đồng thời, cập nhật lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ đã được bồi thường, đã hiến diện tích đất để phục vụ quản lý các công trình thủy lợi được hiệu quả hơn, tránh những tranh chấp, cản trở, lấn chiếm công trình.

Tin, ảnh: KIM LOAN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/trong-tinh/quan-tam-quan-ly-khai-thac-bao-ve-cong-trinh-thuy-loi-phuc-vu-tot-cho-sinh-hoat-san-xuat-28385.html