Quận Tây Hồ (Hà Nội): Hàng loạt sai phạm về quản lý đất đai - ai là người phải chịu trách nhiệm?

Hàng loạt biệt thự 'khủng', quán ăn, nhà hàng được xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công… ngang nhiên tồn tại, đây chính là hệ quả của việc buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu bao che của chính quyền quận Tây Hồ diễn ra suốt một thời gian dài.

Buông lỏng quản lý đất đai

Theo định hướng phát triển của thủ đô Hà Nội đến năm 2020, toàn bộ quận Tây Hồ thuộc khu vực phát triển của Thành phố trung tâm, có điều kiện đặc biệt thuận lợi thu hút các nguồn lực vốn tài chính, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội của quận nói riêng và của Hà Nội nói chung.

Tuy nhiên, khu đất vốn được quy hoạch trở thành khu vực phát triển của trung tâm thủ đô giờ này vẫn chỉ nằm trên bản quy hoạch giấy chưa biết đến bao giờ mới thực hiện, nhưng tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công diễn ra ngày cảng phổ biến với mức độ nghiêm trọng. Nhiều trường hợp vi phạm không hề giấu giếm với nhiều quán ăn, nhà hàng với quy mô và dáng vẻ ngày càng hoành tráng.

 Nhà hàng TaKen xây dựng trên trái phép đất nông nghiệp không hề bị xử lý

Nhà hàng TaKen xây dựng trên trái phép đất nông nghiệp không hề bị xử lý

Điển hình như tuyến đường Võ Chí Công. Khi con đường Võ Chí Công nối Cầu giấy và hướng cầu Nhật Tân được hoàn thành thì những khu đất dọc theo tuyến đường này được coi là khu đất vàng thuận lợi cho việc kinh doanh. Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để cải tạo, xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp. Việc này làm ảnh hưởng đến quy hoạch của thành phố, gây mất mỹ quan đô thị.

Đáng nói là tại sao chính quyền địa phương lại “làm ngơ” để những sai phạm này từ nhiều năm qua vẫn bình an vô sự đến giờ(?)

Tại phường Xuân La, các nhà hàng, quán nhậu được xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công điển hình như quán bia TAKEN, nhà hàng Hải Đăng, quán Bia Thu Hằng, các bãi trông giữ xe trái phép... Với diện tích hàng nghìn mét vuông, các hàng quán kiên cố có quy mô lớn này hoạt động cả ngày lẫn đêm gây mất trật tự an ninh, người dân vô cùng bức xúc.

Tình trạng một số nhà hàng tận dụng lòng đường để làm chỗ đỗ ô tô gây cản chở giao thông

Điều đáng nói, các nhà hàng này còn tận dụng lòng đường để làm nơi để xe ô tô cho thực khách điều này gây tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham giao thông trên đường.
Theo quan sát của phóng viên báo Công Lý, điểm chung của những nhà hàng này đều được xây dựng rất hoành tráng, kiên cố, trang trí cho bắt mắt bằng những vật liệu rất dễ cháy nổ, vô cùng nguy hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn.

Khu vực Đầm Trị hàng loạt biệt thự được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Ảnh : Vũ Toản

Một trong những “ung nhọt” của tình trạng buông lỏng quản lý đất đai đã được đồng loạt các cơ quan báo chí phản ánh thời gian qua, đó là sự xuất hiện và tồn tại của hàng loạt biệt thự ‘khủng” tại khu vực hồ Đầm Trị, phường Quảng An. Các biệt thự “khủng”được xây dựng theo phong cách của Châu Âu với đủ kiểu dáng đều được xây trên đất nông nghiệp mà không hề bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Chỉ khi được báo chí phản ánh thì chính quyền quận Tây Hồ mới biết thì chuyện đã rồi và lúng túng trong cách giải quyết hậu quả do việc buông lỏng quản lý.

Người đứng đầu có phải chịu trách nhiệm?

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, trên địa bàn quận Tây Hồ xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận, được báo chí và các cơ quan truyền thông quan tâm. Thành ủy, UBND thành phố đã có chỉ đạo yêu cầu UBND quận Tây Hồ phải xử lý dứt điểm các vi phạm: Vi phạm đổ đất, phế thải xuống lạch sông Hồng tại khu vực bãi đá phường Nhật Tân; vi phạm đổ đất, phế thải ra bờ sông ngõ 464 Âu Cơ, phường Nhật Tân; vi phạm của nhà hàng Tre Place... và báo cáo UBND thành Phố.

Thế nhưng hơn 1 năm qua các vi phạm không những không được xử lý mà còn tiếp tục tái diễn, tại ngõ 464 Âu Cơ tình trạng đổ phế thải và san lấp mặt bằng để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng vẫn diễn ra, mặc dù ở gần cuỗi gõ có chốt để kiểm soát không cho các xe đổ phế thải ra vệ sông đổ.
Nhà hàng Tre Place (địa chỉ điểm cụm 6, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Nhà hàng có quy mô hoành tráng, được xây chủ yếu bằng tre, nứa, nhà tạm phục vụ cho việc kinh doanh, ẩm thực... Nhưng công trình này có nhiều sai phạm vi phạm pháp luật về đê điều đã được UBND TP. Hà Nội yêu cầu quận Tây Hồ xử lý dứt điểm những đến nay những vi phạm này vẫn đang tồn tại.

Nhan nhản những sai phạm ở trên mà không xử lý dứt điểm thì người đứng đầu quận Tây Hồ phải chịu trách nhiệm chính trong việc buông lỏng quản lý đất đai. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi lãnh đạo quận có thực hiện nghiêm túc chỉ đạo Thành Phố về công tác quản lý đất đai? (Còn nữa)

Thanh Hân

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/dieu-tra-diem-nong/quan-tay-ho-ha-noi-hang-loat-sai-pham-ve-quan-ly-dat-dai-ai-la-nguoi-phai-chiu-trach-nhiem-250224.html