Quan thái tể Phạm Công Trứ

Trải hơn 40 năm làm quan, Phạm Công Trứ phò tá 5 đời vua Lê, 2 đời chúa Trịnh, từng giữ nhiều chức vụ và cương vị khác nhau, ông đã đạt đến đỉnh cao của công danh và quyền lực; là người mưu lược, luôn chăm lo việc nước, tài năng xuất chúng trên mọi lĩnh vực: Nội trị, văn hóa, sử học, ngoại giao.

Tôi về làng Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên vào một ngày đầu hè rực nắng. Thực ra quê ngoại tôi (phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào) với làng Thanh Xá chỉ cách nhau một quãng đồng. Tiếng “gần gụi” là thế mà bây giờ tôi mới về thăm làng. Kể cũng đáng trách bởi vì tôi quá “thờ ơ” với ngôi làng cổ đầy nức tiếng thơm “Đầu làng Tể tướng. Cuối làng Trạng nguyên” này.

Mộ Quan thái tể Phạm Công Trứ

Mộ Quan thái tể Phạm Công Trứ

Ông Phạm Tiến Nghĩa, hậu duệ đời thứ 14 của Quan thái tể Phạm Công Trứ, đồng thời là Trưởng tộc họ Phạm Công làng Thanh Xá cũng không giấu được sự bất ngờ này. Ông Nghĩa cùng các vị trong dòng họ và trong Ban quản lý Đền thờ Phạm Công Trứ đon đả mời chúng tôi cùng ngồi thụ lộc. Ông Nghĩa cho biết “Tiếc là các ông về hơi muộn. Sáng nay lãnh đạo xã và Ban quản lý di tích của xã vừa làm lễ dâng hương kỷ niệm 423 năm ngày sinh của cụ (Phạm Công Trứ sinh ngày 17 tháng 3 âm lịch) kính cáo cụ, mời cụ về chung vui cùng con cháu”. Nghe mà tiếc hùi hụi nhưng sự “tình cờ” này còn ý nghĩa hơn, tôi thầm nhủ.

Quan thái tể Phạm Công Trứ sinh năm 1599, vào thời Lê Trung Hưng, trong một gia đình nho nghèo ở làng Liêu Xuyên (làng Thanh Xá hiện nay). Thuở thiếu thời Phạm Công Trứ nổi tiếng là cậu bé thông minh đĩnh ngộ, giỏi thơ văn. Năm 29 tuổi ông đỗ đồng tiến sĩ và được xung vào chức hiệu thảo Viện Hàn Lâm. Từ đấy, với tài năng của mình ông trở thành vị quan giữ vị trí trọng yếu của triều đình nhà Lê, được vua phong 4 chữ “Trung Hưng hiền tướng” và 2 câu thơ còn lưu truyền đến ngày nay: “Vị quán bách liêu kiêm ấn lực/ Danh cao thiên hạ đạt tôn tam”. Thêm nữa, ông là người có công làm “tái sinh” lại công trình lịch sử của đất nước: Đại Việt sử ký toàn thư.

Sập đá và Bộ tứ thống bằng đá

Mới chỉ “chấm phá” thế thôi đã cho thấy Quan thái tể Phạm Công Trứ là một con người đáng trân quý. Khi thị xã Mỹ Hào được thành lập, Hội đồng đặt tên đường phố của tỉnh Hưng Yên đã chọn một đường phố ở ngay phường trung tâm của thị xã đặt gắn biển mang tên ông. Đường Phạm Công Trứ nối phố Bần nổi danh với tổ dân phố Phú Đa, con đường chạy ngang cụm trường THCS và Tiểu học của phường Bần Yên Nhân. Chừng như ý đồ của những người trong Hội đồng đặt tên đường phố có chủ ý nhắc nhở lứa hậu sinh luôn nhớ tới ông, luôn gắng sức học hỏi theo tấm gương vì dân vì nước của Quan thái tể Phạm Công Trứ.

Câu chuyện về Quan thái tể bắt đầu rôm rả, mừng là đã hơn bốn thế kỷ nhưng người người con cháu của Quan thái tể Phạm Công Trứ vẫn đoàn kết bên nhau, bảo ban giúp đỡ nhau và thường cùng nhau tưởng nhớ tới ông. Ngay ngôi đền mới khánh thành giai đoạn 1 này với màu ngói mới đỏ tươi, với không khí đầm ấm chan hòa và thành kính đã nói lên điều đó. Ông Phạm Tiến Nghĩa sau khi giới thiệu với chúng tôi mấy vị “chức sắc” như ông Phạm Văn Hòa, thư ký dòng họ Phạm Công làng Thanh Xá; như ông Phạm Minh Khôi, người được dòng họ cử ra trông nom Đền thờ, thì chuyển sang nói chuyện làng, chuyện họ.

Theo đó, dòng họ Phạm Công định cư ở làng Liêu Xuyên xưa (làng Thanh Xá hiện nay) cũng lâu lâu, chắc chừng hơn 5 thế kỷ. Trải thời gian dòng họ Phạm Công đã có 8 chi (Bát chi) nhưng cũng do thời gian nên hiện ở làng chỉ còn 3 chi là Chi Đệ Nhị, Chi Đệ Thất và Chi Đệ Bát. Ông Nghĩa cho hay: “Thuở xưa làng Liêu Xuyên là một làng cổ, phảng phất vẻ đẹp huyền thoại và thơ mộng. Bìa làng có dòng Hồ Lô uốn lượn cùng 3 dòng nước chảy theo hình chữ “Xuyên”, tạo nên dòng tứ thủy, biểu hiện sự phát tiết nhân tài”.

Nét độc đáo ở Liêu Xuyên còn ở cách cư ngụ của người dân. Dân làng Liêu Xuyên ở theo 4 xóm, xếp thành hình chữ “Phẩm”. Hội tụ những yếu tố phong thủy thiên thời, địa lợi ấy, Liêu Xuyên được coi là nơi “Địa linh, nhân kiệt”.Cũng thuở xưa các làng trong vùng này thuộc tổng Liêu, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Kinh Bắc. Ngoài làng Liêu Xuyên ra còn có các làng Liêu Thượng, Liêu Trung và Liêu Hạ. Sau này ba làng Thượng, Trung và Hạ được chuyển sang xã Liêu Xá, còn Liêu Xuyên sang xã Nghĩa Hiệp cùng huyện Yên Mỹ.

Khi nghe tôi nhắc hỏi về câu ca “Đầu làng Tể tướng. Cuối làng Trạng Nguyên” thì ông Phạm Tiến Nghĩa vui hẳn lên. Theo như ông cho biết thì năm 1185, đời vua Lý Cao Tông, làng Liêu Xuyên xuất hiện ông trạng Đỗ Thế Diên. Từ cậu bé quét lá đa, con nhà nông dân nghèo khó, nổi tiếng thông minh học một biết mười, ông giành bảng vàng và là người khai khoa cho nền khoa cử Hưng Yên nói riêng và cả xứ Đông xưa, được nhà vua tặng danh hiệu “Đông Hải Văn Khôi”. Vào thời nhà Lý chưa có học vị Trạng nguyên, học vị này về sau mới có. Nhưng do Đỗ Thế Diên trúng đầu khoa thi nên người đời sau vẫn gọi ông là Trạng nguyên.

Không những là đất phát người tài, làng cổ Liêu Xuyên vào thời Minh Mạng thứ 2 còn được nhà vua phong 4 chữ vàng “Mỹ tục khả phong” để lưu danh ngôi làng có nhiều nếp sống đẹp. Đâu như sau năm 1954, làng Liêu Xuyên còn được đổi tên là làng Thanh Xá với ý nghĩa là làng thanh bạch. Làng Thanh Xá xứng đáng là vùng đất “ngàn xưa văn hiến”. Câu ca “Đầu làng tể tướng, cuối làng trạng nguyên” đã nói lên niềm tự hào của nơi này với 2 danh nhân Đỗ Thế Diên và Phạm Công Trứ. Trong đó, di tích Đền thờ Phạm Công Trứ đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1995.

Tượng thờ quan Thái tể Phạm Công Trứ

Tể tướng Phạm Công Trứ mất ngày 28 tháng Mười ta năm 1675, thọ 76 tuổi. Hay tin ông mất, Vua Lê vô cùng tiếc thương. Triều đình đã truy tước hiệu Thái Tể cho ông và còn ban tên thụy là Trung Cần cho ông. Thêm nữa, triều đình còn ban đất tại quê nhà để xây đền thờ và lập khu mộ. Ngôi đền thờ hiện nay được xây dựng lại từ nguồn kinh phí do tỉnh, huyện và xã ngay trên nền của ngôi đền thờ cũ. Ông Phạm Hòa, thư ký dòng họ, phấn khởi “khoe” với chúng tôi về những hiện vật cổ quý giá còn lưu giữ được. Đặc biệt nhất là chiếc sập đá cổ (đâu như là chỗ Quan thái tể ngả lưng mỗi khi ngài về thăm quê. Tiếp đó là những bia đá cổ với những dòng chữ Hán ghi khắc công lao cùng đức độ của Phạm Công Trứ. Hào hứng lên ông Phạm Tiến Nghĩa góp thêm cho biết “Đền còn lưu giữ bộ Tứ thống bằng đá”. Tôi chưa hiểu nên hỏi lại “Tứ thống” là gì?. Mọi người cùng ồ lên “Tứ thống bằng đá do Vua ban tặng. Hiểu đó là Bằng tuyên dương công trạng được Vua ban cho khắc vào đá giữ tiếng thơm cho muôn đời con cháu”.

Đền thờ Phạm Công Trứ tại quê nhà, làng Thanh Xá

Trời đã chuyển sang trưa, khi nghe tôi bày tỏ nguyện vọng muốn được ra thắp hương ở khu mộ của Quan thái tể Phạm Công Trứ thì mọi người có vẻ ngần ngừ. Thì ra khu vực Bãi Cửu Đường xưa hiện đã lọt thỏm trong khu công nghiệp nên việc ra vào không dễ. Ông Hòa cho hay “Khu mộ đó được xây dựng trên một gò đất cao nhất trong cụm mấy gò đất nổi lên giữa cánh đồng”. Tôi bật nhớ ra rằng, thời tôi còn học cấp 3 cũng đã đôi ba lần cùng chúng bạn leo chơi trên những gò đất đó. Cảnh miền quê đồng bằng hơi chiêm trũng lại tự nhiên mọc lên những gò đất cao thật hiếm có và linh thiêng.

Con cháu cùng thụ lộc nhân ngày sinh lần thứ 423 của Phạm Công Trứ

Khu mộ Quan thái tể Phạm Công Trứ ngự ở gò đất đó cũng đã 347 năm, hơn ba thế kỷ ông luôn hiển linh phù hộ độ trì cho dân cho nước. Sau này ông được đánh giá là vị Tể tướng tài ba, người được coi là nhà sử học xuất sắc, Ông còn là Nhà quân sự lỗi lạc với 5 lần Nam chinh, Nhà văn hóa - xã hội có nhiều đóng góp quan trọng với Triều đình và với đất nước. Ông đã đề xuất mở mang nền nếp Nho học, giáo dục kẻ sĩ, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Khi ông phụng mệnh làm Giám thủ Quốc Tử Giám, ông vừa coi sóc việc trùng tu, tôn tạo Văn miếu Quốc Tử Giám, còn đồng thời đôn đốc và rèn luyện việc học tập của các học sinh ở Quốc Tử Giám. Không những thế, ông cùng quan Tham tụng Dương Trí Trạch dâng sớ xin cung đốn mọi vật cần thiết cho trường thi, đặc biệt là trường thi hương ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học trò học tập.

Sử gia Phan Huy Chú nhận định về ông như sau: “Ông là người thâm trầm giản dị, chắc chắn... đặt ra phép tắc, sửa soạn kỷ cương, đè nén những kẻ cậy thế nhũng lạm, yêu chuộng những người có phong cách tiết tháo, được đời khen là bậc tể tướng tốt. Ông lại ham đọc sách, đến già vẫn không mỏi. Có đức tốt, có danh vọng, công lao sự nghiệp là bậc hiền tể thứ nhất sau đời Trung hưng”.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/quan-thai-te-pham-cong-tru-i654774/