Quận Thanh Xuân làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh thú y

UBND quận Thanh Xuân vừa tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chứng nhận vùng an toàn bệnh động vật đối với bệnh dại trên địa bàn quận. Đây là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại đầu tiên của Hà Nội và khu vực miền Bắc.

Theo đó, tại Quyết định số 63/QĐ-TY-DT ngày 25-2-2020 của Cục Thú Y đã quyết định cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại tại địa bàn quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Phát biểu tại buổi công bố quyết định, Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành cho biết, việc quận Thanh Xuân của TP Hà Nội xây dựng thành công vùng an toàn bệnh dại sẽ góp phần to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, hiện nay số lượng chó mèo trên địa bàn TP Hà Nội tăng nhanh, nhất là chó cảnh, thú cảnh ở các khu đô thị, khu chung cư. Tuy nhiên loài chó lại là loài gây hiểm họa bệnh dại, có thể làm tử vong cho con người. Với loài chó dữ, chó có trọng lượng lớn (vài chục kg/con) rất hay gây tai nạn, gây thương tích cho người, nhất là người già, người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em.

Quận Thanh Xuân là vùng an toàn bệnh dại đầu tiên ở miền Bắc. Ảnh: Lê Tâm

Quận Thanh Xuân là vùng an toàn bệnh dại đầu tiên ở miền Bắc. Ảnh: Lê Tâm

Để hạn chế thấp nhất những rủi ro do chó mèo gây ra, thời gian qua, quận Thanh Xuân đã tăng cường công tác quản lý chó nuôi và đạt được nhiều kết quả. Ngoài việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, tổ chức tiêm phòng triệt để vắc-xin dại cho đàn chó trong diện tiêm thì phải kể đến một hoạt động thí điểm thành lập tổ bắt giữ chó thả rông tại một số phường trên địa bàn quận.

Theo đó, quận Thanh Xuân đã thành lập tổ bắt giữ chó (khoảng 7 người/tổ) gồm các thành viên của tổ bảo vệ, an ninh phường, chọn cử những người có kinh nghiệm, bắt giữ chó mèo, người đã tham gia các hoạt động tiêm phòng chó mèo hàng năm, người có sức khỏe để tham gia công việc mang tính đặc thù. Ban đầu tổ bắt giữ chó thực hiện với thời gian 2 - 3 lần/tuần, vừa đi bắt giữ chó thả rông không người quản lý, vừa làm công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu được các quy định của pháp luật khi nuôi chó, đồng thời bắt giữ những chó thả rông để xử lý vi phạm.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, sau thời gian tuyên truyền, người dân đã nâng cao ý thức trong việc nuôi chó phải tuân thủ các quy định của pháp luật, khai báo với chính quyền địa phương để làm công tác quản lý, thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc-xin dại. Khi mang chó ra nơi công cộng phải có người dắt, có rọ mõm để chó không tấn công người khác, không làm mất vệ sinh môi trường, gây ồn trong khu vực dân cư khi nuôi chó.

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó đã mang tính răn đe đối với nhiều người chăn nuôi. Số lượng xử lý tuy không lớn (khoảng 700 nghìn đồng/hộ/vụ vi phạm) nhưng đã mang tính lan tỏa với người dân, chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ cao. Bản thân hộ chăn nuôi cũng tuân thủ việc chấp hành vi phạm hành chính khi vi phạm, từ đây đã tác dụng lan tỏa cho mọi người chăn nuôi trong khu vực.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân), việc bắt chó thả rông được thực hiện từ tháng 7-2018. Các tổ bắt chó được tập huấn, trang bị vợt lưới, rọ sắt… Theo đánh giá của người dân, tình trạng chó thả rông tại phường Khương Đình đã giảm 70 – 80% so với giai đoạn chưa tổ chức bắt chó.

Sau khi đánh giá kinh nghiệm mô hình “Bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại” tại phường Khương Đình, UBND quận Thanh Xuân lựa chọn tiếp 5 phường là Hạ Đình, Thượng Đình, Khương Trung, Nhân Chính, Kim Giang để thành lập 5 đội bắt chó thả rông. Đây là các phường có tổng đàn chó mèo lớn, nơi có tình trạng chó thả rông nhiều, gây bức xúc, có nhiều ý kiến phản ánh trong nhân dân. Năm 2020 này sẽ thành lập tại các phường còn lại hoặc thành lập các đội liên phường.

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết, hiện nay tổng đàn chó mèo trên địa bàn quận là 2.814 con/2.312 hộ chăn nuôi. Từ năm 1996 thành lập quận đến nay, trên địa bàn quận Thanh Xuân không phát sinh dịch bệnh động vật, bệnh dại. Việc xây dựng vùng an toàn bệnh dại đầu tiên trên địa bàn TP Hà Nội là việc làm mới và khó do chưa có hướng dẫn cụ thể chi tiết. Để xây dựng vùng an toàn bệnh dại, quận Thanh Xuân đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và thú y, cùng các ngành thuộc quận và các phường triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, thống kê đàn chó trên hệ thống quản lý Drive, tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh dại đạt tỷ lệ 100% số chó mèo trong diện phải tiêm. Hàng tháng, tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh, mới nhập đàn.

Theo đó, UBND quận Thanh Xuân yêu cầu chủ vật nuôi thực hiện đăng ký nuôi chó với UBND phường; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh, nuôi chó tập trung phải bảo đảm vệ sinh thú y, môi trường, chấp hành nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định...

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quan-thanh-xuan-lam-tot-cong-tac-phong-chong-dich-benh-thu-y-182668.html