Quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới

Ở phạm vi doanh nghiệp, quản trị chuỗi cung ứng giúp giải quyết cả vấn đề đầu vào - đầu ra của doanh nghiệp bằng cách tích hợp hiệu quả giữa các lĩnh vực sản xuất, vận tải, cung ứng, kho bãi và bán lẻ... Bài viết phân tích tầm quan trọng, ý nghĩa của việc quản trị chuỗi cung ứng trong bối cảnh hiện nay và đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ sở lý luận

Quản trị chuỗi cung ứng và quá trình quản trị chuỗi cung ứng

Quản trị chuỗi cung ứng là sự tích hợp các quy trình kinh doanh chính từ người dùng cuối thông qua các nhà cung cấp ban đầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ, thông tin làm tăng giá trị cho khách hàng và các bên liên quan khác. Mục tiêu của Quản trị chuỗi cung ứng (SCM) là tích hợp cả dòng thông tin và nguyên liệu trong chuỗi cung ứng như một lợi thế cạnh tranh hiệu quả (Childhouse, 2003). “Việc tích hợp các quy trình kinh doanh giữa một mạng lưới các nhà cung cấp, nhà sản xuất, trung tâm phân phối và nhà bán lẻ liên kết với nhau nhằm cải thiện lưu lượng hàng hóa, dịch vụ và thông tin từ các nhà cung cấp đầu tiên đến khách hàng cuối cùng, với mục tiêu giảm chi phí toàn hệ thống trong khi duy trì mức dịch vụ cần thiết” (Simchi-Levi và Kaminsky, 2000).

Mỗi quá trình quản trị chuỗi cung ứng đều bao gồm chiến lược và quy trình hoạt động. Quy trình chiến lược là một bước cần thiết trong việc kết hợp tổ chức với các thành viên khác trong chuỗi cung ứng và phải theo dõi hàng ngày. Trong phạm vi bài viết này, 3 trong số 8 quy trình được lựa chọn để nghiên cứu tác động đến hiệu quả tổ chức và tiếp cận theo hướng chiến lược, bao gồm quản trị quan hệ với nhà cung cấp, quản trị dòng sản xuất và chiến lược phát triển sản phẩm và thương mại hóa. Trong nghiên cứu này, hiệu quả được hiểu là việc đạt được các mục tiêu đã đề ra của tổ chức. Quản trị là quá trình thực hiện các công việc để đạt được hiệu quả nêu trên. Trong khi hiệu suất liên quan đến các phương tiện dùng để thực hiện công việc, hiệu quả lại liên quan đến kết quả cuối cùng, đó là việc có đạt được mục tiêu của tổ chức hay không. Một tổ chức hoạt động thành công luôn có hiệu quả và hiệu suất cao. Quản trị kém thường do không đạt được hiệu quả lẫn hiệu suất hoặc là đạt được hiệu suất nhưng không mang lại hiệu quả.

Quản trị quan hệ với nhà cung cấp (SRM)

Quản trị quan hệ với nhà cung cấp được hiểu là tập hợp các phương pháp và ứng dụng cần thiết đối với việc tương tác với nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ nhằm mang lại lợi nhuận cho DN. Theo đó, SRM cũng được mở rộng thêm là cách thức xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với nhà cung ứng để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Quá trình SRM bao gồm cả 2 yếu tố chiến lược và vận hành.

Ở cấp độ chiến lược, quy trình quản trị mối quan hệ nhà cung cấp xây dựng cấu trúc cho cách quản lý mối quan hệ với nhà cung cấp, gồm 5 bước: Xem xét các chiến lược của công ty, marketing, sản xuất và tìm nguồn cung ứng; Xác định các tiêu chuẩn để phân khúc nhà cung cấp; Cung cấp hướng dẫn cho mức độ tùy biến trong các thỏa thuận sản phẩm và dịch vụ; Phát triển khung số liệu; Xây dựng hướng dẫn chia sẻ lợi ích cải tiến quy trình với các nhà cung cấp.

Ở cấp độ vận hành, quy trình SRM liên quan đến việc phát triển và triển khai các thỏa thuận và sản phẩm dịch vụ. Quy trình SRM ở cấp độ vận hành gồm 7 bước: Phân khúc các nhà cung cấp dựa trên các tiêu chí được phát triển trong quy trình chiến lược; Chuẩn bị đội ngũ quản lý nhà cung cấp và phân khúc nhà cung cấp; Xem xét nội bộ phân khúc để xác định rõ vai trò nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng; Xác định các cơ hội cải tiến với các nhà cung cấp; Phát triển các thỏa thuận sản phẩm dịch vụ và kế hoạch truyền thông; Thực hiện các thỏa thuận sản phẩm và dịch vụ; Đo lường hiệu suất và tạo báo cáo chi phí, lợi ích.

Quản trị dòng sản xuất (MFM)

“Quản trị dòng sản xuất là quy trình quản lý chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các hoạt động cần thiết để thực hiện và quản lý tính linh hoạt sản xuất trong chuỗi cung ứng và di chuyển sản phẩm qua các nhà máy” (Goldsby & Garcia-Dastugue, 2003). Quá trình này liên quan đến việc tạo ra các sản phẩm và thiết lập tính linh hoạt sản xuất cần thiết để phục vụ thị trường mục tiêu. Sản xuất linh hoạt phản ánh khả năng tạo ra nhiều loại sản phẩm một cách kịp thời với chi phí thấp nhất có thể và đáp ứng với những thay đổi trong nhu cầu thị trường.

Chiến lược phát triển sản phẩm và thương mại hóa (PDAC)

Phát triển sản phẩm và thương mại hóa thành công là rất quan trọng đối với mỗi DN, vì phát triển sản phẩm là cách các DN thực hiện chiến lược kinh doanh. Phát triển và thương mại hóa sản phẩm là quy trình quản lý, phát triển và đưa sản phẩm mới ra thị trường (Rogers, Lambert, & Knemeyer, 2004). Quá trình thực hiện hiệu quả không chỉ cho phép DN điều phối hiệu quả dòng sản phẩm mới trong chuỗi cung ứng mà còn hỗ trợ các thành viên chuỗi cung ứng đẩy mạnh sản xuất, hậu cần, marketing và các hoạt động liên quan khác để hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm.

Quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh, cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng đối với các DN. Có thể khẳng định, chuỗi cung ứng là một trong các yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của một DN so với đối thủ cùng ngành, cùng lĩnh vực. Bởi lẽ, khi muốn đáp ứng sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng, DN buộc phải quan tâm nhiều hơn đến dòng dịch chuyển nguyên vật liệu; cách thức thiết kế, đóng gói sản phẩm và dịch vụ của nhà cung cấp; cách thức vận chuyển, bảo quản sản phẩm hoàn thành.

Theo Hội đồng Nghề nghiệp về Quản trị chuỗi cung ứng (CSCMP), quản trị chuỗi cung ứng (SCM) là toàn bộ hoạt động quản lý hậu cần, bao gồm: Hoạt động lập kế hoạch và quản lý tất cả các hoạt động liên quan tới tìm nguồn cung ứng, thu mua, trong đó có cả logistics. Quan trọng hơn, quản trị chuỗi cung ứng còn bao gồm sự phối hợp, hợp tác của các đối tác trong một chuỗi cung ứng toàn diện. Bản chất, quản trị chuỗi cung ứng tích hợp cả quản trị cung - cầu bên trong và giữa các đơn vị với nhau.

Tại Việt Nam, một số quan điểm cho rằng, quản trị chuỗi cung ứng là quản lý cung và cầu cho toàn bộ hệ thống của DN, bao gồm tất cả các hoạt động quản lý hậu cần gồm lập kế hoạch và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng, sản xuất và hoạt động logistics.

Quản trị chuỗi cung ứng là hoạt động quan trọng, giúp giải quyết cả vấn đề đầu vào-đầu ra của DN thông qua cách tích hợp hiệu quả giữa các lĩnh vực sản xuất, vận tải, cung ứng, kho bãi và bán lẻ. Việc quản trị yêu cầu sự phối hợp giữa các bộ phận tiếp thị, bán hàng, truyền thống, tài chính và công nghệ thông tin trong một chuỗi cung ứng toàn diện để đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Dịch vụ giao nhận kho vận (logistics) sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng tại Việt Nam, đóng góp tới 15% GDP cả nước. Theo Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), trong 10 năm tới, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt 200 tỉ đô la Mỹ/năm, nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics lại càng lớn. Hiện hàng container qua cảng biển Việt Nam đạt 3,6-4,2 triệu TEU. Con số này đến năm 2020 sẽ lên đến 7,7 triệu TEU.

Nhiều DN vừa và nhỏ của Việt Nam không có bộ phận quản trị chuỗi cung ứng, họ phải chọn giải pháp thuê ngoài. Nhưng thực tế việc sử dụng dịch vụ thuê ngoài để quản trị chuỗi cung ứng cũng không được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Cả nước hiện có khoảng 600 doanh nghiệp logistics, quy mô DN nhỏ, ít kinh nghiệm do nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng đang thiếu hụt trầm trọng.

Về cơ bản, chuỗi cung ứng là một tổng thể giữa hàng loạt các nhà cung ứng và khách hàng được kết nối với nhau, trong đó, mỗi khách hàng, đến lượt mình lại là nhà cung ứng cho tổ chức tiếp theo cho đến khi thành phẩm tới tay người tiêu dùng. Nó là một mạng lưới bao gồm những đơn vị, công đoạn có liên quan với nhau trong việc khai thác tài nguyên nhằm sản xuất ra sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng, kể cả các công đoạn trung gian như vận tải, kho bãi, bán buôn, bán lẻ và bản thân khách hàng.

Các hoạt động quản trị kinh doanh của một DN bao gồm: Quản lý khách hàng; Quản lý quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm dịch vụ đồng bộ; Quản lý quá trình xử lý đơn hàng; Quản lý hoạt động sản xuất; Quản lý công tác mua nguyên vật liệu; Quản lý nhà cung ứng; Quản lý kho hàng; Quản lý vận chuyển; Quản lý tri thức và thông tin.

Hoạt động của chuỗi cung ứng được điều hành bằng nhiều cách khác nhau, từ việc tổ chức sản xuất khép kín trong một tổ hợp lớn, tổ chức các chương trình liên kết kinh tế giữa các chủ thể kinh tế độc lập... hoặc đơn thuần chỉ là tổ chức các quan hệ thương mại ổn định trên cơ sở các hợp đồng kinh tế. Trong trường hợp các bộ phận cấu thành chuỗi cung ứng là những đơn vị độc lập, các đối tượng và chức năng quản lý trên đây đều được thực hiện tại tất cả các bộ phận đó.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh mới

Một là, cần nhận thức đúng về sự cần thiết, nội dung và phương pháp quản lý chuỗi cung ứng. Một nội dung rất quan trọng của quản lý chuỗi cung ứng là đảm bảo sự tham gia rộng rãi và chủ động, tích cực của toàn bộ lực lượng lao động của doanh nghiệp, kể cả cán bộ quản lý lẫn công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Các đối tác trong chuỗi cung ứng đều cần được xem là khách hàng (chứ không phải chỉ là người tiêu thụ sản phẩm của DN). Do vậy, khi thực hiện quản lý chuỗi cung ứng, dịch vụ khách hàng được mở rộng và đòi hỏi chất lượng của nó phải được nâng cao, hoàn thiện không ngừng.

Hai là, cần nhận dạng, đánh giá lại cho rõ chuỗi cung ứng hiện tại về mặt công nghệ, trên cơ sở đó lựa chọn các thành viên tham gia chuỗi. Việc nhận dạng, đánh giá lại chuỗi cung ứng về mặt kỹ thuật- công nghệ thường không có gì phức tạp. DN chỉ cần định kỳ cập nhật và phân tích các thông tin về tiến bộ kỹ thuật- công nghệ, phát hiện khả năng thay thế các phương tiện, thiết bị, công nghệ sản xuất và nguyên vật liệu cần dùng.

Về nguyên tắc, do tiến bộ khoa học- công nghệ diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, trong chuỗi cung ứng có thể có những thay đổi nhất định về kỹ thuật- công nghệ. Tuy nhiên, những thay đổi này chỉ dẫn tới sự thay đổi thành viên cấu thành chuỗi khi có những thay đổi lớn, làm biến đổi toàn bộ quy trình sản xuất. Việc nhận dạng, đánh giá lại chuỗi về mặt kinh tế- tổ chức đòi hỏi phải định kỳ phân tích mối quan hệ kinh doanh giữa các đơn vị cấu thành chuỗi cung ứng.

Về lý luận cũng như thực tiễn, muốn kinh doanh một cách thuận tiện, doanh nghiệp cần có những đối tác quen thuộc, có thái độ hợp tác tích cực. Sự cạnh tranh trong một nền kinh tế thị trường làm cho bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng có khả năng lựa chọn đối tác thích hợp cho mình. Do đó, về mặt kinh tế- tổ chức, việc nhận dạng, đánh giá chuỗi cung ứng chính là phân tích, đánh giá lại quan hệ hiệp tác, phối hợp với các đối tác hiện có trong chuỗi cung ứng và đánh giá, phân tích môi trường cạnh tranh để xác định xem có cần thay đổi đối tác nào trong chuỗi hay không. Như vậy, về mặt kỹ thuật- công nghệ, chuỗi cung ứng có thể tương đối ổn định, nhưng về mặt kỹ thuật- tổ chức, tính linh hoạt của chuỗi cao hơn. Điều này cũng cho thấy rằng, quản lý chuỗi cung ứng không phải là mô hình cứng nhắc, mà trái lại, rất động và linh hoạt.

Thứ ba, cần xây dựng, lựa chọn và thường xuyên hoàn thiện cơ chế vận hành, phương pháp quản lý chuỗi thích hợp với thiết kế chuỗi và với năng lực quản lý của DN. Cơ chế này cần được thiết lập cả cho các quan hệ bên trong của DN lẫn quan hệ giữa DN với các đối tác hợp tác bên ngoài.

Tài liệu tham khảo:

Childhouse, P. T. (2003). Simplified material flow holds the key to supply chain integration. OMEGA 2003; Vol. 31 pp. 17-27;Goldsby, T.J. & Garcia-Dastugue, S.J. (2003). The manufacturing flow management process. The International Journal of Logistics Management, Vol. 14, No. 2, pp. 33-52;Rogers, D.S., Lambert D.M. & Knemeyer A. M. (2004). The product development and commercialization process. The International Journal of Logistics Management, Vol.15, No. 1, pp. 43-56;Simchi-Levi, D., Kaminsky, P., and Simchi-Levi, E. (2000). Designing and managing the supply chain. New York, NY: Irwin McGraw-Hil.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2023

ThS. Nguyễn Đức Dương - Trường Đại học Công nghệ Đông Á

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/quan-tri-chuoi-cung-ung-cua-doanh-nghiep-viet-nam-trong-boi-canh-moi.html