Quán triệt tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương và đề án của Bộ Quốc phòng về đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội

Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế thông qua cơ chế quản lý và hệ thống pháp luật: Đó là tổng thể các công cụ điều hành được sử dụng để điều tiết theo hướng kích hoạt hoặc hạn chế các hoạt động kinh tế nhằm đạt được mục tiêu của chính sách kinh tế quốc gia từng thời kỳ.

Nếu trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, các công cụ đó là mệnh lệnh hành chính, thì trong cơ chế thị trường là các công cụ điều hành gián tiếp theo phương pháp kinh tế (thuế, tín dụng, tỷ giá… và các quy chế, chế tài). Theo đó, trong lĩnh vực tài chính, cơ chế quản lý tài chính (QLTC) của Nhà nước là tổng hợp các công cụ điều hành nền tài chính được sử dụng để hiện thực hóa mục tiêu của chính sách tài chính quốc gia trong từng thời kỳ, được cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ chức năng quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính-ngân sách (TC-NS).

Tài chính quân đội là bộ phận của tài chính Nhà nước, nên cơ chế QLTC quân đội phải phù hợp với cơ chế QLTC của Nhà nước. Khi công tác tài chính quân đội được vận hành trong cơ chế phù hợp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đối với mọi nguồn lực tài chính của quân đội. Trong những năm qua, Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế QLTC quân đội; đã thể chế hóa luật pháp về TC-NS thành các quy định, hướng dẫn về công tác tài chính trong Bộ Quốc phòng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dự toán ngân sách, xác định cơ cấu ngân sách theo hướng hợp lý hơn, đúng trọng tâm trọng điểm, thực hiện công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của chu trình ngân sách.

Thực hiện tốt công tác tài chính góp phần quan trọng bảo đảm cho quân đội hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Trong ảnh: Thượng tướng Trần Đơn kiểm tra mẫu quân phục dã chiến.

Sự cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội trong giai đoạn hiện nay

Những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành mới nhiều văn bản quy định về quản lý và sử dụng ngân sách, như: Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (thay thế Luật Ngân sách nhà nước năm 2002); Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21-12-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước (thay thế Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6-6-2003 của Chính phủ); Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24-12-2016 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (thay thế Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 7-1-2004 của Chính phủ). Những văn bản này có một số quy định mới tạo ra sự thay đổi đối với cơ chế QLTC của Nhà nước.

Cơ chế QLTC quân đội hiện nay có một số nội dung không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về TC-NS, như: Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực từ năm 2017 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán là lập và phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc, song trong Bộ Quốc phòng hiện nay, các ngành nghiệp vụ vẫn lập và phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị trong toàn quân; chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương có sự thay đổi, song chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tài chính và ngành nghiệp vụ trong quân đội về lĩnh vực TC-NS chưa được điều chỉnh.

Cơ chế QLTC quân đội hiện nay đã tồn tại gần 50 năm, quá trình vận hành bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, đó là: Quy trình lập và phân bổ dự toán ngân sách còn chồng chéo, các ngành nghiệp vụ toàn quân và một số đơn vị có ngành nghiệp vụ toàn quân cũng thực hiện phân bổ dự toán ngân sách. Một số chuyên ngành kỹ thuật tiến hành phân bổ qua hai bước, dẫn đến khó khăn trong bảo đảm tiến độ phân bổ, dễ nảy sinh tiêu cực và hạn chế tính chủ động, trách nhiệm của chỉ huy đơn vị thụ hưởng ngân sách; định mức làm cơ sở để lập và phân bổ dự toán ngân sách chưa đầy đủ hoặc đã lạc hậu, dẫn đến nhiều nội dung dự toán ngân sách được lập theo định tính, chưa bao quát hết nhiệm vụ trong năm của đơn vị. Có đơn vị vừa triển khai ngân sách năm đã đề nghị bổ sung; việc các ngành nghiệp vụ trực tiếp mua sắm hàng hóa thông dụng để cấp phát hiện vật không còn phù hợp với cơ chế thị trường, đồng thời kế hoạch tạo nguồn của một số ngành chưa sát với kế hoạch cấp phát, sử dụng của đơn vị nên xảy ra tình trạng tồn kho lớn, gây lãng phí, tồn đọng ngân sách; một số chuyên ngành nghiệp vụ giữ lại ngân sách chờ phân bổ để phân cấp bổ sung với tỷ lệ khá cao vẫn còn phổ biến, làm phân tán nguồn lực tài chính. Khi phân bổ khoản ngân sách này dễ nảy sinh cơ chế “xin-cho”; các quy định về cấp phát, kiểm soát thanh toán qua Kho bạc Nhà nước chưa được tuân thủ triệt để. Một số đơn vị rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để chi trả qua đơn vị sử dụng ngân sách đối với cả những khoản chi không có tính mật.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập về mặt pháp lý và thực tiễn nêu trên, QUTƯ, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị quyết số 915-NQ/QUTW ngày 25-8-2018 của QUTƯ và đề án của Bộ Quốc phòng (ban hành kèm theo Quyết định số 3500/QĐ-BQP ngày 26-8-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) về đổi mới cơ chế QLTC quân đội theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo (viết gọn là nghị quyết và đề án). Trong đó, xác định rõ mục tiêu của cơ chế QLTC mới trong quân đội phải phù hợp với pháp luật của Nhà nước về TC-NS; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách; phòng tránh thất thoát, lãng phí và tiêu cực.

Quan điểm đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội

Nghị quyết của QUTƯ và đề án của Bộ Quốc phòng đã nêu rõ chủ trương đổi mới cơ chế QLTC quân đội với ba quan điểm như sau:

Thứ nhất, để đổi mới, cần tiến hành cải cách toàn diện quy trình, thủ tục trong công tác QLTC, gắn với việc nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ các quy định, hướng dẫn về lĩnh vực này; trong đó phải chú ý đặt trọng tâm vào các khâu, lĩnh vực then chốt, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập cần khắc phục.

Nội dung đổi mới phải theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về QLTC, như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… Các quy định phải thống nhất, không mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đây là quan điểm bắt buộc, vì sự mâu thuẫn sẽ gây ra những cản trở, khó khăn trong tổ chức thực hiện, giảm hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Việc đổi mới phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, là quan điểm về tính chủ động, kịp thời và hiệu quả. Do vậy, mục tiêu đặt ra là xây dựng cơ chế QLTC mới phải phù hợp với đặc thù quốc phòng, nâng cao tính chủ động của người chỉ huy trong quản lý, sử dụng kinh phí, bảo đảm tài chính kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, đổi mới cơ chế QLTC phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của QUTƯ, Bộ Quốc phòng, là trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện. Cả hệ thống tổ chức quân đội phải thống nhất nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện các chương trình, kế hoạch về đổi mới. Trong đó, cần đặc biệt chú ý việc phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của cơ quan tài chính và ngành nghiệp vụ các cấp trong tham mưu về đổi mới cơ chế QLTC.

Thứ ba, việc đổi mới phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn. Đây là quan điểm về tính khả thi, yêu cầu việc xây dựng các quy định và hướng dẫn về cơ chế mới phải rõ ràng, cụ thể, dễ áp dụng, bám sát điều kiện thực tế, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực thi. Thực hiện đổi mới cơ chế QLTC phải quyết liệt, kiên quyết chống tư tưởng cầm chừng, bảo thủ, ngại đổi mới.

Định hướng đổi mới cơ chế QLTC quân đội trong giai đoạn hiện nay

Từ các quan điểm đổi mới, QUTƯ và Bộ Quốc phòng đã xác định các định hướng lớn về đổi mới cơ chế QLTC quân đội, bao gồm:

Một là, về phạm vi, xác định trọng tâm là đổi mới quy trình lập, phân bổ dự toán, cấp phát và thanh, quyết toán đối với ngân sách Nhà nước chi thường xuyên cho quốc phòng và nhiệm vụ Nhà nước giao ngoài lĩnh vực quốc phòng. Một số loại ngân sách đặc thù (ngân sách đặc biệt; ngân sách xây dựng cơ bản và một số loại ngân sách quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; kinh phí thực hiện dự án, đề án, đề tài khoa học công nghệ và chi chương trình mục tiêu), chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành và hướng dẫn riêng của các cơ quan chức năng, nên công tác lập, phân bổ, cấp phát và thanh, quyết toán đối với những loại ngân sách này được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Hai là, xác định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan trong công tác lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách: Cơ quan tài chính các cấp chủ trì tổng hợp, lập dự toán ngân sách của đơn vị; lập phương án phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và ngành nghiệp vụ cùng cấp, thực hiện ở cả 4 cấp đơn vị dự toán. Các ngành nghiệp vụ chỉ lập dự toán ngân sách tự chi ở cấp mình (không lập dự toán ngân sách toàn ngành), không phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị trong toàn quân; chịu trách nhiệm thẩm định dự toán ngân sách của ngành dọc cấp dưới, gửi kết quả thẩm định về cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp.

Ba là, về phương thức phân bổ ngân sách: Dự toán ngân sách của các đơn vị được Bộ Quốc phòng phân bổ một lần ngay từ đầu năm; ngân sách chờ phân bổ được giữ lại tại bộ, không còn ngân sách chờ phân bổ tại các đơn vị trực thuộc bộ và các ngành nghiệp vụ toàn quân.

Bốn là, đối với hoạt động cấp phát, thanh toán kinh phí: Tăng cường giao dự toán ngân sách của các đơn vị ra Kho bạc Nhà nước để kiểm soát thanh toán. Những khoản chi có tính mật, thực hiện theo quy định riêng của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Năm là, đối với hoạt động mua sắm tập trung, thực hiện theo lộ trình: Từ năm ngân sách 2019 đến năm 2020, vẫn còn mua sắm tập trung và cấp hiện vật cho đơn vị cấp dưới, nhưng theo hướng giảm dần. Các hàng hóa thông dụng trên thị trường sẽ dần được loại trừ khỏi danh mục tài sản mua sắm tập trung, đồng thời tiến hành mua sắm tập trung theo phương thức ký thỏa thuận khung. Từ năm ngân sách 2021, ngân sách cho mua sắm tập trung được giao cho các đơn vị (tổ chức trực tiếp sử dụng hàng hóa) để mua sắm tập trung theo phương thức ký thỏa thuận khung theo quy định hiện hành của pháp luật về mua sắm tập trung.

Giải pháp đưa nghị quyết và đề án triển khai áp dụng vào thực tiễn

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân về mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế QLTC quân đội. Chú trọng công tác định hướng tư tưởng của các ngành nghiệp vụ để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế QLTC mới. Đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt cho cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện đúng quy trình lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách; quyết định chi tiêu, sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn và trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.

Thứ hai, ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản quy định và hướng dẫn về cơ chế QLTC mới. Để triển khai thực hiện cơ chế mới từ năm ngân sách 2019, căn cứ vào nội dung của đề án, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn về việc lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách để các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp có cơ sở tổ chức thực hiện.

Xây dựng và hoàn thiện các định mức làm cơ sở lập và phân bổ dự toán ngân sách (chi thường xuyên). Hệ thống định mức được áp dụng trong thời kỳ ổn định ngân sách, được điều chỉnh thường xuyên theo sát với thị trường và điều kiện kinh tế-xã hội. Trong giai đoạn đầu triển khai cơ chế mới, việc lập và phân bổ dự toán ngân sách thực hiện theo nguyên tắc: Những nội dung nào đã có định mức thì triển khai ngay; nội dung nào chưa có định mức thì căn cứ vào số thực tế của năm trước và dự kiến tăng, giảm năm kế hoạch để thực hiện.

Thường xuyên rà soát, hoàn thiện danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp Bộ Quốc phòng đối với các mặt hàng đặc thù, đơn vị cấp dưới không tạo nguồn được, hàng luân phiên dự trữ sẵn sàng chiến đấu ở các cấp phải dự trữ. Xây dựng và hoàn thiện quy chế về hoạt động mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung ở cấp Bộ Quốc phòng. Việc mua sắm các hàng hóa thông dụng trên thị trường giao cho các đơn vị tự thực hiện.

Thứ ba, tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính và nghiệp vụ các cấp, bồi dưỡng nâng cao trình độ QLTC cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy; trong đó, cần chú trọng các biện pháp, như:

Xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn về cơ chế mới cho các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong toàn quân, làm cho cán bộ ở cơ quan nghiệp vụ và cơ quan tài chính các cấp xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy trình lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách; nâng cao năng lực quản lý và trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong công tác QLTC.

Đối với công tác đào tạo, huấn luyện, thường xuyên cập nhật, đưa nội dung cơ chế QLTC mới vào chương trình giảng dạy của các học viện, nhà trường, tiếp tục hoàn thiện lý luận, sát với thực tiễn về công tác QLTC và phù hợp với từng đối tượng đào tạo.

Để củng cố đội ngũ cán bộ ngành tài chính, đáp ứng yêu cầu của cơ chế mới, tiến hành tổ chức sơ kết, đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện Công văn số 239-CV/QU ngày 8-4-2014 của Thường vụ QUTƯ về luân chuyển đội ngũ cán bộ ngành tài chính, làm cơ sở đề xuất sửa đổi theo hướng phù hợp với yêu cầu của cơ chế QLTC mới và quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với việc triển khai thực hiện cơ chế QLTC mới ở tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; kết hợp tự kiểm tra với thanh tra, kiểm tra của cấp trên, giữa kiểm tra nghiệp vụ với giám sát của cấp ủy. Đối với những sai phạm, phải kiên quyết chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Đơn vị nào gặp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện hoặc không thực hiện được thì phải làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, xem xét, xử lý theo quy định.

Thượng tướng TRẦN ĐƠN, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-triet-to-chuc-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-cua-quan-uy-trung-uong-va-de-an-cua-bo-quoc-phong-ve-doi-moi-co-che-quan-ly-tai-chinh-quan-doi-551396