Quan trọng là kỹ năng của cán bộ công đoàn

Với vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, thời gian qua, Liên đoàn Lao động quận Long Biên triển khai khá bài bản, hiệu quả trong việc chủ động phối hợp với tập thể người lao động tại doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn tiến hành thương lượng tập thể với lãnh đạo doanh nghiệp, qua đó xây dựng thành công nhiều bản Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.

Vì quyền lợi tốt hơn cho người lao động

Mới đây, đại diện Liên đoàn Lao động quận Long Biên đã tới làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Tâm Dung - doanh nghiệp trên địa bàn quận chưa thành lập tổ chức Công đoàn để tiến hành đàm phán, thương lượng tập thể.

Đại diện Liên đoàn Lao động quận Long Biên và người lao động làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Tâm Dung

Đại diện Liên đoàn Lao động quận Long Biên và người lao động làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Tâm Dung

Cụ thể, lãnh đạo Công ty và đại diện Liên đoàn Lao động quận và đại diện tập thể người lao động Công ty TNHH Tâm Dung đã bàn chi tiết các điều khoản liên quan đến: Tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca; bảo đảm việc làm đối với người lao động; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động; những quy định đối với lao động nữ...

Sau khi bàn thảo, hai bên đã thống nhất được một số điều khoản sẽ đưa vào Thỏa ước lao động tập thể như: Tiền lương trả cho người lao động thấp nhất là 4.500.000 đồng; tiền thưởng các ngày lễ 30/4, 1/5, Giỗ tổ Hùng Vương, 2/9, Tết dương lịch tối thiểu 200.000 đồng; riêng Tết âm lịch, sẽ thưởng lương tháng 13; ngày 8/3, 20/10 sẽ tổ chức liên hoan hoặc cho lao động nữ đi du lịch; người lao động được hỗ trợ nghỉ mát ít nhất 1 lần/năm.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thương lượng tập thể là một nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Thương lượng tập thể là tất cả các cuộc đàm phán, thương lượng diễn ra giữa một bên là người lao động, một nhóm người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động với một bên là một hay nhiều tổ chức của người lao động, để:

- Xác định điều kiện lao động và điều khoản sử dụng lao động;

- Điều chỉnh mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động

- Điều chỉnh mối quan hệ giữa những người sử dụng lao động hay tổ chức của họ với một hoặc nhiều tổ chức của người lao động Đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của thương lượng tập thể trong quan hệ lao động của kinh tế thị trường, Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng:

- Đối với người lao động, thông qua thương lượng tập thể họ có thể cải thiện được tiền lương, điều kiện làm việc, tăng cường tiếng nói tại nơi làm việc, nâng cao vị thế và quyền lợi của người lao động.

- Đối với người sử dụng lao động, thông qua thương lượng tập thể họ có thể hiểu rõ được nguyện vọng của người lao động, giúp cho các quyết định kinh doanh trở nên có chất lượng hơn, phù hợp và hiệu quả hơn, đồng thời góp phần làm hài hòa quan hệ lao động, tăng cường sự ổn định trong doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.

- Đối với các cơ quan quản lý, thương lượng tập thể giúp cho các cơ quan có thẩm quyền có thể thu nhận được những phản ánh, góp ý thường xuyên của các đại diện, người lao động và người sử dụng lao động và góp phần tăng cường hiệu quả cho việc quản trị thị trường lao động.

Bên cạnh đó, công ty sẽ bảo đảm 100% người lao động có việc làm đầy đủ; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động được cấp phát đầy đủ trang bị bảo hộ lao động mức 500.000 đồng/người/năm, được trang bị đầy đủ và đổi mới thường xuyên.

Về phụ cấp, người lao động sẽ được công ty hỗ trợ 100% tiền ăn trưa, tối thiểu 500.000 đồng/người/tháng; phụ cấp điện thoại tối thiểu 200.000 đồng/người/tháng tùy vị trí công tác; người lao động ở xa, có nhu cầu sẽ được công ty bố trí chỗ ở miễn phí tại công ty…

Đáng chú ý, kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo Công ty TNHH Tâm Dung đã thống nhất sẽ sớm hoàn tất thủ tục thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở, trực thuộc Liên đoàn Lao động quận Long Biên, để có thể tham gia nhiều hơn nữa vào các phong trào, hoạt động cùng với các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn quận Long Biên.

Công ty TNHH Tâm Dung chỉ là 1 trong số 10 doanh nghiệp Liên đoàn Lao động quận Long Biên đã đại diện cùng tập thể người lao động bàn bạc thành công, đi đến ký kết được bản Thỏa ước lao động tập thể với chủ doanh nghiệp.

Kiên trì vì lợi ích người lao động

Thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể ở những doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã khó, huống chi là ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn. Nhưng với quyết tâm vì “quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho người lao động”, Liên đoàn Lao động quận Long Biên chủ động vào cuộc, kiên trì vận động, thuyết phục người lao động và chủ doanh nghiệp cùng tham gia.

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên cho biết, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể”, chủ trương ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn được thực hiện từ năm 2016.

Liên đoàn Lao động quận đã ban hành Hướng dẫn chi tiết về quy trình xây dựng, thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể, đồng thời quyết tâm đôn đốc thực hiện vì điều này có liên quan sát sườn đến quyền và lợi ích người lao động.

Theo đó, tận dụng cơ hội từ những lần tới làm việc với doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, vận động, tuyên truyền về tổ chức Công đoàn... Liên đoàn Lao động quận Long Biên tranh thủ tiếp xúc với người lao động, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người lao động, qua đó gợi mở với người lao động về việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

Nếu đại diện tập thể người lao động đồng thuận, có mong muốn nhờ Liên đoàn Lao động quận đứng ra hỗ trợ, đàm phán, các bước chi tiết sẽ được Liên đoàn Lao động quận nhanh chóng vào cuộc triển khai.

Chia sẻ kinh nghiệm đàm phán thành công, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, về cơ bản, quy trình ký kết Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp sẽ tuân theo 5 bước như Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhưng đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, sẽ có đặc thù riêng. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là nắm bắt tình hình doanh nghiệp và người lao động.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên, ngoài tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan trọng nhất là nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của người lao động. Khi người lao động có nhu cầu, cần gợi mở để tập thể người lao động có văn bản đề nghị Liên đoàn Lao động quận đề đạt nguyện vọng, khi đó, văn bản này sẽ là cơ sở để Liên đoàn Lao động quận tiến hành các bước tiếp theo.

“Điều quan trọng là phải “biết mình, biết người”, những điều khoản đưa ra đàm phán phải phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh thu của doanh nghiệp, tránh đưa ra những điều khoản quá cao so điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Làm sao để người lao động có thu nhập cao hơn, điều kiện làm việc và được chăm lo tốt hơn, nhưng doanh nghiệp chi ra cũng phải vui vẻ, cởi mở, cảm nhận được họ “đầu tư” cho nguồn nhân lực là “đầu tư” hiệu quả. Như thế mới coi là thành công”, ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quan-trong-la-ky-nang-cua-can-bo-cong-doan-97317.html