Quan trọng là... liều lượng! Thấy gì qua vụ Triều Tiên thử tên lửa?

Việc Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm ngắn ngày 4/5 đã gây ra hàng loạt phản ứng bất ngờ đến từ những người chơi lớn trên bán đảo Triều Tiên cùng nhiều toan tính.Bình luận của Báo Thế giới và Việt Nam.

Bình Nhưỡng luôn biết cách trở thành tâm điểm trên sân khấu chính trị quốc tế.

Khi dư âm của thượng đỉnh Nga – Triều cuối tháng 4 còn chưa dứt, ngày 4/5, Triều Tiên đã phóng hàng loạt tên lửa tầm ngắn từ bãi thử tại bờ biển Wonsan ở phía Đông về phía Biển Nhật Bản. Đáng chú ý, động thái này diễn ra ngay sau khi thượng đỉnh Nga – Triều kết thúc và trong bối cảnh đàm phán Mỹ - Triều về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đang lâm vào bế tắc.

Hình ảnh do Triều Tiên công bố khiến giới quan sát vũ khí phỏng đoán đây là bản sao của tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Islander của Nga, vốn có tầm bắn lên tới 500 km. Một khi được hoàn thiện, tên lửa này có khả năng bắn tới bất cứ nơi nào trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc. Song trên thực tế, tên lửa được Triều Tiên khai hỏa lần này vẫn chỉ là bản thử nghiệm và không có sức đe dọa đối với lãnh thổ Mỹ. Do đó, động thái của Bình Nhưỡng được cho là để thể hiện rằng Triều Tiên hết kiên nhẫn trước bế tắc của đàm phán hạt nhân, song lại không muốn khiêu khích Washington quá mức.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng quan chức thân cận theo dõi vụ phóng tên lửa ngày 4/5. (Nguồn: EPA)

Những phản ứng “lạ”

Sự cân nhắc trong “liều lượng” của Triều Tiên đã mang lại kết quả. 12 tiếng sau khi sự kiện diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới “đăng đàn” trên Twitter với thái độ tương đối hòa hoãn: “Trong thế giới thú vị này, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Nhưng tôi tin rằng ông Kim Jong-un hoàn toàn nhận thức được về tiềm năng kinh tế vĩ đại mà Triều Tiên đang sở hữu, và ông ấy sẽ không làm bất cứ điều gì gây cản trở hoặc chấm dứt tiềm năng đó. Ông (Kim) cũng biết rõ rằng tôi ủng hộ ông ấy, và do đó ông ấy sẽ không muốn thất hứa với tôi. Sẽ có thỏa thuận!” Đây là điều “lạ” khi nhà lãnh đạo này thường nhanh tay đưa ra nhận định cá nhân sau những sự kiện nóng trên thế giới.

Một số người cho rằng Mỹ đang bối rối trước áp lực thực sự đến từ Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump muốn đạt được những bước tiến cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, lấy “thành tích đối ngoại” phục vụ vận động tái đắc cử sau năm 2020. Song đòi hỏi của Bình Nhưỡng muốn “gạt” Ngoại trưởng Mike Pompeo khỏi đàm phán, cùng khác biệt trong quan điểm về phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ cấm vận, đã khiến tiến trình này bị đình trệ.

Tuy nhiên, điều “lạ” và đáng chú ý hơn cả lại đến từ thái độ thận trọng của Mỹ. Trước thềm Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai cuối tháng Hai vừa qua tại Hà Nội, cả Washington và Bình Nhưỡng luôn theo dõi sát từng hành động của nhau, thậm chí đưa ra ngay những phát ngôn gay gắt. Song hậu Thượng đỉnh, dễ nhận thấy luôn có “độ trễ” và sự “tiết chế” trong phản ứng và thái độ của cả hai bên trước những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên, bất chấp việc đàm phán phi hạt nhân hóa dậm chân tại chỗ và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp với lãnh đạo “đối thủ”, Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong bối cảnh đó, không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng và Washington, dù chưa thể có được tiếng nói chung trong một “giải pháp căn cơ”, song đã xác định được “liều lượng” phù hợp trong hành động và ứng xử để không gây tổn hại tới tiến trình đàm phán và thành quả đạt được đến thời điểm này. Nếu đây là thực tế thì đồng thuận hiếm hoi này giữa hai nước sẽ tạo tiền đề lớn để hai bên từng bước đối thoại trong những vấn đề gai góc hơn.

Quan trọng hơn, từ trước đến nay, ông Trump đã nhiều lần khiến giới chức không kịp trở tay với nhiều dòng Tweet mang quan điểm “độc và lạ”. Việc nhà lãnh đạo này “từ tốn” hơn khi thể hiện quan điểm là dấu hiệu tốt cho tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ứng xử của cả Triều Tiên và Mỹ dường như cho thấy họ vẫn đang làm chủ cuộc chơi và chỉ có họ là người cuối cùng quyết định kết thúc nó.

Kẻ sốt sắng, người im lặng

Phát biểu ngày 4/5, Người Phát ngôn Tổng thống Hàn Quốc cũng thận trọng khi “quan ngại” trước động thái phóng tên lửa của Triều Tiên, song “hy vọng Triều Tiên sẽ tích cực tham gia các nỗ lực hướng tới việc nối lại nhanh chóng các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa”.

Trong khi đó, ngay sau vụ việc, Nhật Bản cũng lên tiếng khẳng định tên lửa của Triều Tiên không bay đến vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này. Ngày 6/5, điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cho biết sẽ “gặp Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần các điều kiện tiên quyết”, nhằm giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc, ưu tiên hàng đầu của nước này trong chính sách đối với Triều Tiên.

Đáng chú ý, Tokyo từng tỏ ra thiếu tin tưởng đối với Bình Nhưỡng trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định ông “đồng ý với ông Donald Trump rằng Triều Tiên phải được phi hạt nhân hóa”. Từ trước đến nay, phi hạt nhân hóa Triều Tiên vẫn luôn là mục tiêu chung của Nhật Bản và Mỹ, song cách thức tiến hành của mỗi bên là không giống nhau. Ông chủ Nhà Trắng đã khẳng định sẽ phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán. Việc đồng thuận với quan điểm của Tổng thống Donald Trump cùng động thái chìa cành ô liu hiếm hoi với Chủ tịch Kim Jong-un cho thấy Thủ tướng Shinzo Abe có thể tiếp cận vấn đề Triều Tiên mềm mỏng hơn theo hướng phù hợp với giải pháp của Mỹ.

Thêm vào đó, sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề này diễn ra cùng lúc với việc Nhật Bản bước sang thời đại Lệnh Hòa dưới sự trị vì của tân Nhật hoàng Naruhito, người được kỳ vọng đóng vai trò tích cực hơn trong chính sách đối ngoại với tư cách “đại sứ hình ảnh” của xứ sở mặt trời mọc.

Về phần mình, Trung Quốc lại đang im hơi lặng tiếng trước động thái có phần táo bạo đến từ Triều Tiên. Nhưng nếu nhìn nhận khách quan thì Trung Quốc cũng chưa cần tỏ thái độ về vụ phóng tên lửa vì việc này thuộc chủ quyền của Triều Tiên, không vi phạm cam kết nào giữa hai nước. Mặt khác, bản thân Bắc Kinh cũng không gặt hái được lợi ích từ việc phản ứng với Bình Nhưỡng trong khi cũng ít nhiều chờ đợi và có phần bất ngờ trước phản ứng thận trọng đến từ Washington. Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn nước rút trong đàm phán chấm dứt chiến tranh thương mại, mọi ứng xử của Trung Quốc lúc này nếu liên quan đến Mỹ chắc chắn phải được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh làm hỏng “đại cục” đàm phán thương mại mang tính chất sống còn này.

Trong bối cảnh đó, nhiều khả năng thời gian tới Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục có động thái thách thức nhưng “có mức độ”, nhằm tiếp tục gây áp lực buộc Washington nhượng bộ trong việc dỡ bỏ cấm vận. Khi cuộc vận động tái cử tại Mỹ càng đến gần, bản thân ông Donald Trump cũng có nhu cầu phá thế bế tắc trên bán đảo Triều Tiên, lấy thành tích đối ngoại phục vụ đối nội. Như thế, nhà lãnh đạo này nhiều khả năng sẽ “lùi một bước, tiến ba bước” để tìm kiếm kết quả cụ thể trong đàm phán phi hạt nhân hóa. Điều này có thể lý giải tại sao Mỹ cùng hai đồng minh tại Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc đã thận trọng và không phản ứng quyết liệt trước đông thái “khiêu khích” đến từ Triều Tiên. Thế giằng co này trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn tiếp tục, chừng nào các bên còn duy trì được “liều lượng” trong hành động và nhất là kiềm chế trong ứng xử.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-trong-la-lieu-luong-thay-gi-qua-vu-trieu-tien-thu-ten-lua-93801.html