Quan trọng là sáng tạo của học sinh trong nghiên cứu khoa học

Trước ý kiến của một số phụ huynh ở Hải Phòng cho rằng có những dự án đoạt giải nhất vòng thi phía Bắc của cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF) năm học 2018-2019 chưa thật sự thuyết phục, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ GDTH, cho biết Bộ GDĐT sẽ thành lập Hội đồng thẩm định để rà soát kết quả cuộc thi.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ GDTH

Chấm thi theo các tiêu chí

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, các cuộc thi KHKT ở khu vực phía Bắc và phía Nam đều phải tuân thủ Quy chế thi theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, cụ thể: thành phần BGK phải được lựa chọn từ các nhà khoa học có trình độ tiến sĩ thuộc các lĩnh vực phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của HS; trưởng ban phải là PGS trở lên. BGK thực hiện chấm thi theo thông tư hướng dẫn của Bộ, có sự giám sát của thanh tra ở tất cả các khâu. Các dự án tham gia thi được chia thành các nhóm, bao gồm các đề tài thuộc các lĩnh vực gần nhau, do một hội đồng giám khảo chấm. Kết quả từ hai miền sẽ được tổng hợp để chọn ra đội tuyển thi quốc tế, thông qua vòng thi thuyết trình bằng tiếng Anh.

Mỗi dự án đều được chấm hai lần: dựa trên báo cáo tóm tắt và dựa trên poster. Các giám khảo sẽ bốc thăm để lựa chọn các dự án, mỗi báo cáo tóm tắt của một dự án sẽ được 5 giám khảo chấm độc lập theo các tiêu chí đã được cụ thể trong thông tư hướng dẫn, đây cũng là các tiêu chí chấm của cuộc thi quốc tế. Đối với các dự án khoa học, phần chấm trên poster chú trọng về mục tiêu của dự án, sự đóng góp của dự án trong đề tài nghiên cứu, vấn đề đặt ra có kiểm chứng được bẳng các phương pháp khoa học không,...

Poster cũng cần thể hiện rõ kế hoạch, phương pháp nghiên cứu, kiến thức, cơ sở khoa học, quá trình quá trình thu thập, xử lý, đánh giá dữ liệu như thế nào, có khách quan không, cách tính toán, xử lý có khoa học không,... Cách trình bày poster cũng được tính điểm. Ngoài ra, phần hỏi phỏng vấn tiếp với học sinh cũng được coi trọng, với mục tiêu đánh giá vai trò và sự sáng tạo của học sinh trong việc phát hiện vấn đề, trong phương pháp nghiên cứu, đánh giá, rút ra kết luận,...

Tương tự, đối với các dự án kỹ thuật, giám khảo cũng đánh giá theo các tiêu chí chấm thi, trong đó, các dự án cần xác định được nhu cầu của thực tiễn đặt ra cần giải quyết; đồng thời học sinh cũng phải trình bày các tiêu chí mà các em đưa ra, bản thiết kế và bản thuyết minh, cũng như kết quả thực hiện. Trong phần này, nguyên mẫu đầu tiên của thiết kế rất được quan tâm. Từ đó, học sinh sẽ thực nghiệm trong thực tế và rút ra kết luận.

Như vậy, việc chấm các dự án đều dựa trên các tiêu chí chung: Thứ nhất, các thí sinh phải xác định được vấn đề cụ thể, rõ ràng, xuất phát từ thực tế khoa học hoặc nhu cầu thực tiễn; Thứ hai, với dự án khoa học phải có thiết kế rõ ràng, thông số, biến số cụ thể, chính xác, thể hiện rõ cách thực hiện; với dự án kỹ thuật cần có thiết kế cụ thể, thuyết minh được dụng cụ đó đáp ứng nhu cầu thực tế như thế nào. Thứ ba, về quá trình thực hiện: với dự án khoa học, cần làm rõ sử dụng thí nghiệm gì, dụng cụ gì để có kết quả cuối cùng; với dự án kỹ thuật, phải thực hiện được một vật mẫu để chứng minh thiết kế của các em có thể hoạt động được trong thực tế.

Đánh giá cao sự sáng tạo

Theo ông Thành, cũng như hầu hết các nghiên cứu khoa học khác, nghiên cứu của các em không phải là nghiên cứu độc lập mà thường có sự kế thừa từ các nghiên cứu trong cùng lĩnh vực đã được thực hiện trước đó. Điều quan trọng là các em phải phát hiện ra những “khe hở” mà các nghiên cứu trước chưa giải quyết được để tập trung giải quyết các vấn đề này. Như vậy, dù các em có thể nghiên cứu cùng một vấn đề, có tên đề tài gần giống một đề tài trước đó, nhưng có sáng tạo trong phát hiện vấn đề cần giải quyết, cách đưa ra giải pháp khác nhau, thì vẫn được coi là đóng góp mới.

Chẳng hạn một trong những dự án được giải quốc tế của học sinh Việt Nam những năm trước tập trung nghiên cứu vào sinh khối rơm rạ. Đề tài này từng được một nhóm nghiên cứu nước ngoài khai thác và các thí sinh cũng chứng tỏ đã tìm hiểu rất kỹ các nghiên cứu trước đó. Các em cho biết mục tiêu nghiên cứu của nhóm nước bạn là để làm ra cồn, còn học sinh Việt Nam là để làm ra lipit để điều chế biodiezel. Các em cũng đưa ra cách xử lý bằng vi sinh vật địa phương ở Việt Nam, sử dụng vôi bột trong quá trình tiền xử lý, đưa ra hiệu quả tốt hơn. Nhờ nghiên cứu kỹ các dự án tương tự có chung lĩnh vực, kết hợp với sự sáng tạo của riêng mình, dự án này đã được giải tư quốc tế.

Hai năm trước, có một dự án kỹ thuật cơ khí khác của học sinh Việt Nam cũng được nhắc tới. Đó là dự án về xe lăn leo cầu thang. Đề tài này cũng đã có nhiều nghiên cứu, tuy nhiên nhóm học sinh Việt Nam đã lựa chọn nghiên cứu, cải tiến chỉ một bộ phận trong xe lăn, để giúp người sử dụng có thể tiến dốc một cách thuận tiện. Nhờ xác định nhu cầu thực tiễn và thể hiện sáng tạo trong thiết kế mà nhóm học sinh Việt Nam đã đoạt giải 3 quốc tế tại Mỹ. Tương tự, một dự án khác của học sinh Việt Nam về cánh tay robot - một vấn đề khá quen thuộc trong giới nghiên cứu nói chung và các cuộc thi tương tự - cũng đã đoạt giải 3 quốc tế.

Như vậy, các dự án cần phải thể hiện được sự đóng góp của học sinh vào nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khoa học hoặc thực tiễn. Đánh giá các dự án phải đánh giá phân tích yêu cầu khoa học, nhu cầu thực tế sự sáng tạo của học sinh.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/quan-trong-la-sang-tao-cua-hoc-sinh-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-3988999-c.html