Quận ủy Liên Chiểu đề nghị quy hoạch và giữ các di tích ở Nam Ô

Chiều 28/3, Quận ủy Liên Chiểu cho biết, họ đã có văn bản gửi Thường trực Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng liên quan đến các di tích tín ngưỡng truyền thống làng Nam Ô trong vùng dự án Khu du lịch Sinh thái Nam Ô.

Theo Quận ủy Liên Chiểu, làng Nam Ô hình thành song song với quá trình mở đất phương Nam của cha ông ta. Trải qua nhiều thế kỷ, nơi đây đã hình thành nên đời sống tinh thần và tâm linh khá phong phú. Đó là hệ thống di tích lịch sử, tâm linh có giá trị. Trong vệt giải tỏa để xây dựng khu du lịch sinh thái Nam Ô có đi ngang qua các di tích thờ phụng mà nhân dân và các chư phái tộc làng Nam Ô đang gìn giữ.

Dinh Cô Hồn và Lăng Ngư Ông làng Nam Ô bên những đổ nát hoang tàn sau giải tỏa. Ảnh Nguyễn Thành

Dinh Cô Hồn và Lăng Ngư Ông làng Nam Ô bên những đổ nát hoang tàn sau giải tỏa. Ảnh Nguyễn Thành

Trong báo cáo Quận ủy đã điểm qua 3 di tích gồm Dinh Cô Hồn, Lăng Ngư Ông và Miếu Bà Liễu Hạnh để nói về giá trị tâm linh, văn hóa, của vùng đất lịch sử Nam Ô.

Dinh Cô Hồn còn được gọi là miếu Âm linh.Dinh Cô Hồn tọa lạc tại địa phận tổ 35, khối phố Nam Ô II, phường Hòa HIệp Nam. Theo các cụ trong Hội Người cao tuổi hiện nay, qua ngôn truyền nhiều thế hệ bô lão trong làng thì có 2 sự kiện lịch sử đáng chú ý hình thành nên di tích Dinh Cô Hồn: trong các trận chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô và Tấn biển Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên triều đình vua Tự Đức sau đó đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trân vong. Thời vua Thành Thái (1889- 1967) khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ minh trong biến cố thất thủ kinh đô năm 1885. Miếu Âm Linh của làng theo đó được tôn tạo. Miếu Âm Linh sau này dân làng mở rộng đối tượng thờ thập loại chúng sinh,cô hồn phiêu phương không nơi nương tựa và các âm hồn xiêu mồ lạc nấm của chư phái tộc họ trong làng. Đối tượng thờ mang thuộc tính nhân văn sâu sắc của di tích Dinh Cô Hồn phù hợp với tinh thần uống nước nhớ nguồn tri ân tử sĩ vì nước quên thân, tinh thần nhân đạo truyền thống của dân tộc.

Dinh Cô Hồn làng Nam Ô chờ đập di dời nhường đất xây khách sạn, biệt thự. Ảnh Trần Tuấn.

“Di tích Dinh Cô Hồn là một trong các di tích có giá trị văn hóa lịch sử nhất định, bởi lẽ, di tích gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm (lý do khởi dựng), với sinh hoạt văn hóa tinh thần (tín ngưỡng tâm linh truyền thống) thể hiện tính nhân văn, tinh thần nhân đạo của dân làng Nam Ô. Dinh Cô Hồn có giá trị lịch sử, tính nhân văn, tinh thần nhân đạo truyền thống đối với chiến sĩ trận vong trong các trận đánh ngự địch phòng biên chống giặc ngoại xâm trên đất Nam Ô trong lịch sử, đối với các cô hồn trong thập loại phiêu phương không nơi nương tựa. Di tích còn là tụ điểm liên kết cộng đồng mang ý nghĩa truyền thống linh thiêng của dân làng Nam Ô” quận ủy Liên Chiểu cho biết.

Theo ngư dân truyền lại Lăng Ngư Ông được xây dựng từ thời Vua Gia Long yên định cơ đồ (1802) . Lúc đầu Lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trác vôi vữa, mái lợp lá kè; đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) Lăng được tôn tạo to đẹp hơn. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), Lăng được làm mới, mái lợp ngói âm dương, từ đó đến nay Lăng được sửa chữa gia cố nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm, nằm trên khuôn viên rộng chừng 360m2, cách mép nước biển khoảng 50m ở khu vực tổ 35 phường Hòa Hiệp Nam. Lăng là nơi cất giữ hài cốt cá Ông đã được cải táng. Cách Lăng Ông khoảng 300m về phía Nam là mộ Cá Voi. Tương truyền Cá Voi sau khi bị lụy trôi dạt vào bờ sẽ được người dân mai tang sau ba năm họ sẽ mang hài cốt cá ông đến chỗ Lăng ông để thờ cúng….Sắc màu văn hóa cảu vùng đất được thể hiện sinh động trong lễ hội cầu ngư. Lễ hội là niềm mong ước, là khát vọng của người dân được thần Nam Hải che chở. “Đó là sự tín ngưỡng thiêng liêng của người dân nơi đây được truyền qua bao thế hệ. Lễ hội cầu ngư cũng đã và sẽ mãi tôn tạo trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng biển dù cuộc sống có trải qua bao thăng trầm và khó khăn trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển” văn bản của quận ủy Liên Chiểu nêu rõ

Lăng Ông Nam Ô là một trong những nơi thờ nhiều bộ cốt cá Ông nhất các vùng biển Việt Nam. Phía trước Lăng Ông Nam Ô hiện đang có một ngôi mộ cá Ông, sau 3 năm dân làng sẽ bốc xương cốt đưa vào lăng để thờ - ảnh Trần Tuấn

Nằm trong khuôn viên Lăng Ông là chiếc giếng Chăm nước vẫn ngọt mát, cũng sắp biến mất. Ảnh Trần Tuấn.

Trong khi đó, di tích Miếu Bà Liễu Hạnh xây dựng năm 1602 gắn với tục thờ mẫu của cư dân Đại Việt trên vùng đất mới, được nhân dân làng Nam Ô lưu truyền nhiều đời qua sự tích mà các nhà nghiên cứu thời nay đã xác nhận. Bà Chúa Liễu Hạnh nằm trong tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc là tục thờ “tứ bất tử” (bốn người không chết): Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh. Bà Chúa Liễu Hạnh sinh năm 1557 vào thời vua Lê Anh Tông mới lên ngôi, vốn là người con gái quê ở xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, Nam Định. Tương truyền là công chúa con trời, ba lần từ bỏ cuộc sống đầy đủ trên thiên đình, xin vua cha xuống trần gian sống cuộc đời của một người phụ nữ bình dị với khát vọng tự do, hạnh phúc. Bà đã nhập thế đi chu du khắp nơi, kịp thời cứu giúp nhân dân gặp phải tai ương, khổ nạn. Người đương thời tôn sùng như một Phật Bà sống giữa trần gian, gọi một cách thành kính là Thánh Nữ, một cách dân giã là Bà Chúa Liễu….

Miếu Bà Liễu Hạnh làng Nam Ô hiện đang bị quây kín trong hàng rào sắt của dự án chờ giải tỏa lấy đất làm biệt thự - ảnh Trần Tuấn

Tục thờ Bà Chúa Liễu Hạnh trong “Tứ bất tử” là một giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp của dân tộc ta nói chung, Miếu thờ Bà Chúa Liễu Hạnh là công trình thờ phụng cụ thể hóa niềm tín ngưỡng tâm linh của dân làng Nam Ô nói riêng. Đó là tinh hoa chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử, biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng, là chỗ dựa tâm linh trên vùng đất mới bao đời, để vươn tới khát vọng xây dựng một cuộc sống vật chất phồn vinh và tinh thần hạnh phúc.

Ngày 14/2 âm lịch tới đây (ngày 30.3.2018) dân làng Nam Ô sẽ mở hội cầu ngư – cúng lăng Ông. Tiếp đến, ngày 22/2 âm lịch (ngày 7/4/2018) làng Nam Ô lại sẽ tổ chức lễ cúng Bà tại miếu Bà Liễu Hạnh. Đây là những lễ lớn nhất trong năm của làng chài cổ Nam Ô. Trước đó, rằm tháng Giêng, là lễ tế Âm linh của làng.

Nếu không có gì thay đổi, đây sẽ là lần lễ làng cuối cùng của bà con Nam Ô tại nơi đền miếu linh thiêng này, trước khi bị dời đi nơi khác.

Dự án resort ở Nam Ô đang gây xôn xao dư luận.

Ông Võ Công Chánh, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết: Trong quá trình xây dựng nhân dân ta ngày xưa đã rất thận trọng khi chọn thế đất phù hợp với phong thủy. Nhằm bảo tồn tín ngưỡng tâm linh truyền thống mà nhân dân và các chư phái tộc làng Nam Ô đang gìn giữ; do lịch sử mảnh đất Nam Ô có ý nghĩa rất lớn, nơi đây có hệ thống di tích lịch sử khá phong phú nên việc phát triển du lịch sinh thái làng Nam Ô nên gắn liền với du lịch tâm linh; nhằm thúc đẩy phát triển du lịch tốt hơn, Thường trực Quận ủy đề xuất giữ lại vị trí hiện trạng các di tích có ý nghĩa nói trên.

“Đề nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố quy hoạch lại dự án khu sinh thái Nam Ô chừa lại lối đi để người dân đến chăm sóc, giữ gìn các di tích và du khách đến thăm quan”, ông Chánh cho biết.

- Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/quan-uy-lien-chieu-de-nghi-quy-hoach-va-giu-cac-di-tich-o-nam-o-1255404.tpo