Quảng bá cho sản phẩm nghệ thuật

Gần đây, trên khá nhiều báo và trang điện tử, xuất hiện dày đặc thông tin về một 'mối tình tay ba' trong giới giải trí (showbiz), xuất phát từ những nghi ngờ liên quan tới một bộ phim sắp ra mắt.

Sự việc ngày càng kịch tính vì trong khi người liên quan phủ nhận một cách thiếu cương quyết thì từ nguồn cung cấp bí ẩn nào đó, nhiều địa chỉ truyền thông tiếp tục đăng tải những tấm ảnh "hậu trường" cho thấy cặp đôi tay trong tay vô cùng tình tứ. Thậm chí chuyện còn tiếp tục được báo chí, mạng xã hội đẩy lên cao trào khi cặp đôi diễn viên của bộ phim nọ bỗng trở thành tâm điểm bị độc giả "ném đá" không thương tiếc, kèm theo những lời quy kết nặng nề.

Ðây rõ ràng là một hiện tượng không bình thường của truyền thông, nhiều người nhanh chóng nhận ra và chỉ rõ sự ồn ào kể trên chỉ là lớp vỏ của một chiến dịch truyền thông cho bộ phim sắp ra mắt. Trong đó, hai diễn viên thủ vai chính được chọn để tạo sóng dư luận bằng việc dựng lên một câu chuyện tình "thật thật, giả giả" khiến khán giả tò mò. Sự quan tâm theo dõi diễn biến câu chuyện được phán đoán sẽ khiến khán giả mua vé vào rạp để tận mắt được xem những cảnh nóng của cặp đôi nọ.

Ðiểm lại các sự việc tương tự trong giới giải trí thời gian qua, không khó để nhận ra đây không phải là chiêu trò mới. Mỗi khi có bộ phim, MV (video âm nhạc) hay chương trình biểu diễn nghệ thuật nào đó sắp ra mắt, thì thật "tình cờ", vô số "nghi án, tin đồn" được đặt ra: nào là giới tính thật của diễn viên (nếu phim đề cập đề tài đồng tính); nào là chuyện nảy sinh tình cảm giữa các diễn viên trong phim; nào là ca sĩ bị tai nạn, kiệt sức trong quá trình luyện tập cho MV hoặc chương trình nghệ thuật... Ðể tăng phần kịch tính, nhân vật liên quan thường ờm ỡ về những vấn đề được báo chí nêu ra, thậm chí còn làm trầm trọng hơn tình trạng hôn nhân, sức khỏe của mình. Thường thì sau khi các sản phẩm nghệ thuật đã được trình làng, tuyệt nhiên không thấy báo chí cũng như nghệ sĩ tiếp tục các câu chuyện "giật gân" trước đó.

Nhìn từ một góc độ nhất định, có thể thấy việc truyền thông, quảng bá như vậy phần nào thu hút được sự quan tâm của công chúng. Nhưng cách làm này cũng là con dao hai lưỡi, bởi thay vì quan tâm đến tài năng thật sự của nghệ sĩ thể hiện trong sản phẩm nghệ thuật, nhiều người lại chỉ để ý đến những chuyện bên lề. Khi thấy mọi việc không như báo chí đề cập, họ sẽ có cảm giác bị lừa dối, từ đó mất niềm tin vào diễn viên, ca sĩ...

Về phía nghệ sĩ, việc chấp nhận để bản thân bị cuốn theo những thị phi ồn ào, thậm chí trở thành công cụ truyền thông trong tay nhà sản xuất, nhằm đạt mục tiêu tăng lợi nhuận thì cũng đồng nghĩa với việc tự hạ thấp giá trị, tài năng của bản thân. Một số công chúng có thể cả tin, dễ bị lôi cuốn theo tin tức giật gân, nhưng sự lặp đi lặp lại đến nhàm chán của chiêu trò này dần dần giúp họ nhận ra bản chất thật sự của các sự kiện giật gân được làm rùm beng đó là gì, và đâu là giá trị thật của nghệ sĩ.

Với sự phát triển của công nghệ truyền thông như hiện nay, việc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất trong lĩnh vực giải trí là điều khó tránh khỏi. Ở đó, ai thu hút được sự quan tâm, chú ý của công chúng sẽ có nhiều cơ hội thành công. Nhưng nếu không thuyết phục khán, thính giả bằng "truyền thông sạch", bằng chất lượng của sản phẩm nghệ thuật và tài năng nghệ sĩ, thì dù tiêu tốn bao nhiêu kinh phí và gây xì-căng-đan ồn ào tới mức nào, thì sớm muộn cũng bị công chúng phát hiện đã bị "lừa" và sẽ tẩy chay.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37556402-quang-ba-cho-san-pham-nghe-thuat.html