Quảng bá di sản phi vật thể: Sức ép danh hiệu

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh. Thế nhưng, bên cạnh niềm vinh dự thì những danh hiệu cũng đang tạo ra nhiều sức ép không nhỏ với các nhà quản lý văn hóa trong công tác quảng bá, bảo tồn và phát triển.

Nghi thức vấn đồng trong “Điểm đến Hà Nội”.

Mới đây, kênh truyền hình CNN đã lần đầu tiên phát sóng bộ phim tài liệu với tựa đề “Destination Hanoi” (Điểm đến Hà Nội). Trong suốt hành trình khám phá Hà Nội qua hình ảnh, khán giả đã được ghé thăm nhiều địa điểm văn hóa đặc sắc của Thủ đô như làng cổ Cự Đà, Bánh tôm Hồ Tây, Việt phủ Thành Chương và đặc biệt là chiêm ngưỡng vấn đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu (Đạo Mẫu)… Ở đó, nghi thức vấn đồng trong “Destination Hanoi” được thực hiện bởi thanh đồng Nguyễn Đức Hiển đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả quốc tế bởi vẻ đẹp văn hóa đa dạng và đặc sắc của người Việt…

Sắp tới đây, Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Tuyên Quang nhằm tôn vinh và phát huy kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các địa phương trong cả nước. Có thể thấy, cùng với sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ của quốc tế và động thái “tích cực” từ địa phương đang sở hữu các di sản phi vật thể được UNESCO công nhận trong thời gian qua đã có nhiều bước “đột phá”. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực thì công tác quảng bá, bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam vẫn là một bức tranh đầy “u ám”.

Thực tế cho thấy việc khai thác các di sản phi vật thể ở nước ta còn nhiều điều bất cập, xô bồ, khiến cho các di sản này không bộc lộ hết các giá trị đích thực. Thậm chí, nhiều di sản đánh mất các giá trị mà trên cơ sở đó UNESCO đã công nhận chúng là các di sản văn hóa kiệt tác và truyền khẩu đại diện của nhân loại. Theo chia sẻ của nhiều đơn vị lữ hành thì hiện nay việc gắn kết giữa các di sản phi vật thể và du lịch đang còn rất lỏng lẻo, mang tính hình thức. Đơn cử, với trường hợp đờn ca tài tử Nam Bộ thì hầu hết trong các tour du lịch đưa khách ngoại quốc đến tham quan đồng bằng sông Cửu Long đều được phục vụ xem biểu diễn đờn ca tài tử. Tuy nhiên, phần lớn các điểm phục vụ đờn ca tài tử biểu diễn rất xuề xòa, làm cho đủ chương trình. Chính vì sự coi nhẹ này dẫn tới việc chính những người tham gia trình diễn xem thường bản thân họ, xem thường di sản văn hóa đờn ca tài tử Nam Bộ. Đặc biệt, với nhiều du khách quốc tế khi bỏ tiền ra để “thụ hưởng” chỉ là những cái rất tầm thường của đờn ca tài tử Nam Bộ chứ không phải là giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Hệ quả của những bất cập này là du khách khi xem biểu diễn đờn ca tài tử Nam Bộ đã đánh giá sai về giá trị đích thực của di sản, dẫn đến việc họ xem di sản văn hóa này không có gì đặc sắc.

Hay câu chuyện Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu bên cạnh những giá trị nhân văn, giá trị văn hóa độc đáo, hiện nay, không ít người lợi dụng di sản này vào mục đích khác, thậm chí đi ngược lại với tính nhân văn, tính văn hóa vốn có của nó. Tình trạng sân khấu hóa nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu một cách tùy tiện cũng gây nên sự lo ngại về việc mai một bản sắc di sản. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sau khi được công nhận là Di sản phi vật thể của thế giới, hiện nay ra sao khi mà rừng bị mất, những mái nhà rông, nhà dài đang trôi chìm vào dĩ vãng; những chiếc cồng, chiếc chiêng quý giá bị đem bán cho dân buôn đồ cổ. Rồi còn hát xoan, hát quan họ, ví giặm... có được diễn ra trong cuộc sống cộng đồng hay là đã và đang tiếp tục bị sân khấu hóa?

Có thể thấy, trong những năm gần đây, những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường với sự đầu tư ồ ạt của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đã và đang tạo nên những tác động làm mai một và biến dạng không ít di sản văn hóa phi vật thể. Theo GS Nguyễn Chí Bền- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cảnh báo: “UNESCO có quyền công nhận và cũng có quyền tước bỏ danh hiệu. Nếu trong quá trình thực hiện, họ kiểm tra thấy các di sản của chúng ta không còn đáp ứng được yêu cầu thì sẽ xem xét khả năng tước bỏ danh hiệu. Chúng ta cần phải làm tốt việc bảo tồn phát huy giá trị các di sản đã được công nhận, cũng như đưa vào bảo vệ khẩn cấp”.

Cũng theo GS Bền, để giữ di sản sống trong cộng đồng điều đầu tiên, quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng để làm cộng đồng hiểu rõ và có những hành động thiết thực để giữ di sản xứng đáng với danh dự được trao. Việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản nên được làm tốt trước khi phấn đấu cho di sản những danh hiệu. Hiện, nhiều di sản phi vật thể ở các địa phương đang được trình, đã được phong tặng danh hiệu ở tầm quốc gia, có thể sẽ bước vào chặng đường hướng đến danh hiệu thế giới. Thế nhưng nên đợi đến khi di sản có “bằng” quốc gia, quốc tế thì mới thấy di sản cần bảo tồn. Bên cạnh việc tích cực, nỗ lực hoàn thiện hồ sơ để vinh danh, việc cần làm trước, làm ngay và làm liên tục, chính là bảo vệ các giá trị di sản cũng như nhận rõ hơn vẻ đẹp của di sản đó trong đời sống đương đại. Bên cạnh đó là sự trân quý những người trực tiếp nắm giữ, trao truyền, lan tỏa vẻ đẹp nghệ thuật và văn hóa của di sản. “Cần xây dựng chính sách, chế độ đảm bảo cuộc sống cho nghệ nhân. Việc truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ sau hay đi hát, đi biểu diễn... cần phải có chế độ để kích thích, động viên người dân xứng đáng. Phải để người dân được hưởng lợi từ di sản thì họ mới có ý thức giữ gìn”- GS Nguyễn Chí Bền nói.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/quang-ba-di-san-phi-vat-the-suc-ep-danh-hieu-tintuc410826