Quảng bá thương hiệu cà phê Sơn La tới thị trường trong và ngoài nước

Từ năm 2017, sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, với 3 loại sản phẩm là cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê bột.

Thông tin này được cung cấp tại “Ngày hội chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La” diễn ra tối 23/8 tại Hà Nội. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ sản phẩm nông nghiệp an toàn, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý diễn ra trong các ngày từ 22 đến 28/8 trong khuôn viên Hội chợ - Triển lãm Nông nghiệp 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

Một trong các gian hàng cà phê Sơn La tại Hội chợ - Triển lãm Nông nghiệp.

(Ảnh: HNV)

“Ngày hội chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sơn La, Hội cà phê tỉnh Sơn La và Trung tâm Phát triển nông thôn (RUDEC) tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại Ngày hội, ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La cho biết, nằm trên vùng núi phía Tây Bắc, Sơn La có núi non trùng điệp, khí hậu ôn hòa và thổ nhưỡng phù hợp cho cây cà phê Arabica sinh trưởng và phát triển tốt.

Đến nay, Sơn La được biết đến là vùng đất cà phê Arabica lớn nhất hiện nay. Cây cà phê đã gắn bó với đồng bào dân tộc Thái, Mông và người Kinh lên định cư trong gần 1 thế kỷ. Sản phẩm cà phê Sơn La đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế đánh giá cao về chất lượng.

“Tỉnh Sơn La đã quy hoạch vùng trồng cà phê tập trung ở những vùng lợi thế, chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết và phát triển cà phê Sơn La theo hướng bền vững và gia tăng giá trị thông qua chế biến” – ông An nói.

Nhân dịp này, ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội cà phê tỉnh Sơn La đã giới thiệu về chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La. Theo ông Hải, với tư cách là tổ chức xã hội nghề nghiệp của doanh nghiệp, tổ chức và những người sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La, Hội cà phê tỉnh Sơn La thời gian qua đã tham gia tích cực vào quá trình đăng ký, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các sản phẩm cà phê.

Đồng thời, với hướng tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch, lựa chọn sản phẩm bảo hộ và phát triển thương mại sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhiều tiếp cận mới đã giúp chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La đạt được những thành công nhất định. Các doanh nghiệp cà phê Sơn La cũng đang mong muốn và nỗ lực để định vị lại thói quen tiêu dùng cà phê nguyên chất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, từng bước xây dựng hình ảnh thương hiệu cà phê Việt Nam uy tín và chất lượng.

Trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê

cho các doanh nghiệp, cơ sở đủ điều kiện sử dụng tại Ngày hội. (Ảnh: HNV)

Với đặc điểm về điều kiện tự nhiên phù hợp, sự cần cù, gắn bó của đồng bào dân tộc nơi đây, cây cà phê Arabica sinh trưởng, phát triển và cho ra những hạt cà phê có hương vị tuyệt vời, xứng danh là đặc sản của vùng núi Sơn La. Cây cà phê từ cây “xóa đói giảm nghèo” nay đã trở thành cây làm giàu cho hơn 16 nghìn hộ nông dân của tỉnh Sơn La. Các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã gắn bó, gìn giữ và phát triển cây cà phê, góp phần đưa danh tiếng của cà phê Sơn La ngày càng rộng khắp.

Tại Ngày hội, Ban tổ chức đã công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La với mong muốn nhằm đưa sản phẩm cà phê Sơn La danh tiếng, có hương vị đặc thù của Tây Bắc đến gần với người tiêu dùng, khách hàng thủ đô và bạn hàng trong cả nước. cùng như xuất khẩu ra nước ngoài; trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê cho các doanh nghiệp, cơ sở đủ điều kiện sử dụng gồm: Công ty TNHH Cà phê Sơn La, Hợp tác xã cà phê Bích Thao - Sơn La,Chi nhánh Sơn La – Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế, Chi nhánh Sơn La – Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến./.

Lê Anh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/quang-ba-thuong-hieu-ca-phe-son-la-toi-thi-truong-trong-va-ngoai-nuoc-495104.html