Quảng bá và xây dựng thương hiệu cây đào cảnh Triệu Sơn

Triệu Sơn là một trong các địa phương có diện tích trồng đào lớn ở tỉnh Thanh Hóa. Cây đào được trồng nhiều nhất là ở các xã Hợp Tiến, Hợp Lý, Thọ Tân, Thọ Dân, Vân Sơn... Những năm qua, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tích cực tham gia của mỗi người dân, cây đào đã và đang đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Triệu Sơn và xã Hợp Lý thăm vườn đào cảnh ở thôn Đông Thành.

Phát triển vùng trồng đào cảnh

Đông Thành là thôn có diện tích trồng cây đào nhiều nhất ở xã Hợp Lý. Hiện nay, thôn đã thành lập HTX sản xuất và dịch vụ cây hoa đào - cây cảnh - cây bóng mát Đông Thành.

Gia đình anh Trần Sỹ Toàn là hộ có diện tích trồng đào nhiều ở thôn Đông Thành nói riêng, xã Hợp Lý nói chung. Có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng cây đào cảnh, hiện nay, gia đình anh có hơn 3 ha trồng đào, các loại cây cảnh, trong đó trồng hơn 2.000 gốc đào thế. Vào những ngày cận Tết Nguyên đán, gia đình anh Toàn thuê 15 lao động thời vụ chăm sóc, tỉa lá... cho cây đào. Với vai trò là giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ cây hoa đào - cây cảnh - cây bóng mát Đông Thành, anh Toàn đã chia sẻ kinh nghiệm, cũng như hướng dẫn thành viên, hội viên nông dân cùng sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Anh Trần Hữu Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Lý cho biết: Xã có 600 hội viên nông dân, trong đó có khoảng 50% hội viên trồng đào. Thời gian qua, Hội Nông dân xã Hợp Lý đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các loại cây kém hiệu quả sang các loại cây cho giá trị kinh tế, trong đó có cây đào cảnh. Hỗ trợ hội viên, thành viên HTX vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân Việt Nam, hiện nay, diện tích sau chuyển đổi để trồng hoa, cây cảnh ở Hợp Lý hơn 100 ha, trong đó cây đào hơn 40 ha. Các thôn có diện tích trồng đào nhiều nhất là Đông Thành, Nội Sơn, Tiến Thành. Thu nhập bình quân đầu người của xã Hợp Lý năm 2023 là 62 triệu đồng.

Theo anh Trần Hữu Hiệp, để vùng đào Hợp Lý phát triển, ngoài công tác tuyên truyền cho bà con thấy được lợi ích của trồng hoa, cây cảnh, đem lại hiệu quả kinh tế thì bà con Nhân dân, hội viên hội nông dân mong muốn Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, có thêm cơ chế, chính sách, thêm nguồn vốn vay hỗ trợ bà con sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho hàng hóa, giao thương đi lại thuận tiện; kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm địa phương, nhất là cây đào. Hợp Lý phấn đấu trở thành địa phương trọng điểm về trồng hoa cây cảnh gắn với du lịch trải nghiệm của huyện Triệu Sơn.

Thọ Tân cũng là địa phương có diện tích trồng đào nhiều của huyện Triệu Sơn. Đến cuối năm 2023, Thọ Tân có hơn 25 ha đất trồng cây đào cảnh.

Ông Lê Văn Ban vừa là hộ dân có kinh nghiệm trồng đào, cũng là trưởng thôn, tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp trồng đào cảnh thôn 4, xã Thọ Tân. Những ngày này, gia đình ông tất bật chăm sóc cây đào chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Hiện nay, gia đình ông Ban có 14 sào đất trồng đào phai, đào thế, đào dáng huyền... hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa, hoa màu.

"Vùng đất Thọ Tân có truyền thống trồng đào nhưng trước đây còn thực hiện manh mún, nhỏ lẻ. Gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, từ diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây đào cảnh có quy mô, kỹ thuật chăm sóc bài bản, hiệu quả", ông Lê Văn Ban cho biết.

Hiện nay, xã Thọ Tân đã quy hoạch các vùng trồng đào, tiếp tục vận động người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng đào, mở rộng và bê tông hóa các tuyến đường để phát triển Thọ Tân thành một trong những vùng trồng đào của huyện.

Quảng bá, xây dựng thương hiệu cây đào Triệu Sơn

Trong những năm qua, thực hiện chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ngành trồng trọt của huyện Triệu Sơn có nhiều chuyển biến rõ nét, đặc biệt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nổi bật là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây đào cảnh tại các xã: Hợp Lý, Hợp Tiến, Vân Sơn, Thọ Tân, Thọ Dân. Tổng diện tích trồng cây đào cảnh năm 2022 của các xã đạt trên 135 ha, đến năm 2023 đạt trên 150 ha, đã hình thành được một số vùng trồng đào cảnh tương đối lớn, tập trung, lợi nhuận kinh tế đối với người trồng đào cảnh đạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha.

Ông Lê Văn Ban, thôn 4, xã Thọ Tân chăm sóc cây đào cảnh, chuẩn bị cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo đánh giá của địa phương, từ năm 2017 đến nay các hộ trồng đào đã chủ động tìm kiếm các giống đào có giá trị kinh tế cao hơn như đào bích cánh kép của Hà Nội, đào bích Hưng Yên, Hải Phòng... Các hộ lựa chọn một số cây khỏe mạnh để trồng và tạo nguồn giống, nhân giống bằng cách ghép phôi trên thân các cây đào truyền thống trồng bằng hạt hoặc ghép vào các gốc đào cổ thụ được đưa về từ các tỉnh phía Bắc. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 600 hộ gia đình với khoảng 1.000 lao động.

Để quảng bá và xây dựng thương hiệu cây đào của địa phương, huyện Triệu Sơn tổ chức Hội chợ hoa đào năm 2024, từ ngày 20/1 đến 5/2/2024 (tức ngày 10 - 26/12 âm lịch). Lễ khai mạc sẽ được tổ chức vào ngày 30/1/2024 (tức ngày 20/12 âm lịch), với sự tham gia của 70 gian hàng với hơn 2.000 sản phẩm. Đây là lần đầu tiên huyện Triệu Sơn tổ chức hội chợ hoa đào, nhằm phục vụ nhu cầu giao lưu, mua bán, trao đổi hoa, cây cảnh dịp Tết Nguyên đán; đồng thời là dịp để các nghệ nhân, nhà vườn, các tổ chức, cá nhân giới thiệu những sản phẩm hoa, cây cảnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

Mới đây, ngày 18/1/2024, UBND huyện Triệu Sơn đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-UBND phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển cây đào cảnh theo hướng tập trung, quy mô lớn trên địa bàn huyện Triệu Sơn giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu xây dựng ngành sản xuất cây đào cảnh, phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng cây đào cảnh huyện Triệu Sơn đạt khoảng 260 ha, trên cơ sở hình thành khoảng 11 vùng sản xuất cây đào cảnh tập trung (Hợp Lý 3 vùng, Vân Sơn 2 vùng, Thọ Tân 2 vùng, Hợp Tiến 1 vùng, Thọ Dân 3 vùng), quy mô mỗi vùng ít nhất đạt từ 5 ha tập trung, liền vùng, liền thửa trở lên. Sản lượng đạt khoảng 500.000 cây đào/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đạt 1,2 tỷ đồng, tổng giá trị sản xuất cây đào cảnh toàn huyện đạt trên 300 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt từ 120 - 150 tỷ đồng/năm.

Bài và ảnh: Huấn Bùi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/quang-ba-va-xay-dung-thuong-hieu-cay-dao-canh-trieu-son/30117.htm