Quảng bá văn hóa bằng video ẩm thực

Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc được xem là những 'nhà xuất khẩu văn hóa' lớn ở châu Á. Nhiều năm liền, việc quảng bá văn hóa ẩm thực của những quốc gia này đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của họ. Khi cơn sốt ẩm thực Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua các trò chơi truyền hình thực tế tạm lắng xuống, thì Trung Quốc nổi lên, với hàng loạt thương hiệu cá nhân đầy cá tính.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc được xem là những “nhà xuất khẩu văn hóa” lớn ở châu Á. Nhiều năm liền, việc quảng bá văn hóa ẩm thực của những quốc gia này đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của họ. Khi cơn sốt ẩm thực Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua các trò chơi truyền hình thực tế tạm lắng xuống, thì Trung Quốc nổi lên, với hàng loạt thương hiệu cá nhân đầy cá tính.

Điền Tây Tiểu Ca bình dị và thôn quê.

Cổ thực lên ngôi

Khoảng năm 2017, dân mạng xã hội ở Việt Nam bàn tán nhiều về hiện tượng Tiểu Dã – “thánh ăn công sở” sinh năm 1994, quê ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) – với hàng loạt món ngon được nấu nướng theo cách… kỳ cục. Cô nàng biến văn phòng nhàm chán trở thành một nơi thú vị bằng cách tận dụng mọi thứ để nấu ăn: nướng thịt bằng ấm điện, trang điểm bằng bánh kẹo, nuôi gà tại văn phòng, tháo tung cả thùng máy tính để… thỏa mãn cái bụng đói. Ban đầu các clip quay của cô chỉ phổ biến trên mạng Weibo, sau đó được đưa lên YouTube. Tới nay, kênh YouTube Ms Yeah của Tiểu Dã có hơn 3,6 triệu lượt người theo dõi.

Thế nhưng, phải tới khi “thánh nữ cổ trang” Lý Tử Thất xuất hiện, cơn sốt làm nhật ký video (vlog) cổ thực Trung Quốc mới thật sự tràn ngập châu Á.

Lý Tử Thất, sinh năm 1990, do bố mẹ mất khi còn rất nhỏ nên cô phải sống với ông bà nội. Ngày nhỏ, cô bé thường theo ông là một đầu bếp tới chỗ làm, quan sát ông làm việc, ăn những món ông nấu. Vì nhà quá nghèo, chẳng có tiền mua đồ ăn vặt, nên cô quen với việc hái quả dại, rau rừng, gắn bó với núi sông quê nhà một cách tự nhiên.

Sau này, Lý Tử Thất từng có thời gian làm DJ (Disc Jockey – người phối các điệu nhạc tại các tụ điểm vui chơi giải trí hoặc sự kiện âm nhạc dành cho giới trẻ) trên thành phố. Lý Tử Thất trở nên nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền, nhưng cô luôn cảm thấy mệt mỏi. Năm 2010, cô trở về quê nhà Tứ Xuyên sống với bà, làm nông nghiệp, làm video cho vui. Nhưng không ngờ, vẻ đẹp của vùng nông thôn Tứ Xuyên cùng phong cách cổ xưa của Lý Tử Thất lại khiến hàng triệu người xem thích thú.

Lý Tử Thất được cho là người đầu tiên khai thác việc làm video Cổ phong mỹ thực. Trong video của mình, cô luôn xuất hiện với quần áo cổ trang, đồ nghề nấu nướng truyền thống, nấu những món ăn cổ truyền có nguyên liệu theo mùa. Khi là một thiếu nữ yểu điệu thướt tha uống rượu dâu tự làm giữa vườn hoa đào, khi lại là nông dân chất phác vác cuốc ra đồng đào khoai… Việc gì Lý Tử Thất cũng có thể làm. Cô nổi lên với sự độc lập, tháo vát, nhiều tài lẻ.

Sau đó bắt đầu có nhiều vlogger (người làm nhật ký video) khác cũng khai thác ý tưởng này để làm vlog. Đó là Điền Tây Tiểu Ca, cô gái nông thôn vùng Vân Nam với những món ăn quê mộc mạc. Khác với Lý Tử Thất một mình làm tất cả, Tiểu Ca có gia đình quây quần đầm ấm, mang lại cảm giác ấm áp. Trong khi đó, Sơn Dược lại kể một câu chuyện hài hước trong mỗi video, nấu nướng hoàn toàn thô sơ ngay tại bờ suối, bìa rừng… Cuối video của anh chàng này luôn là cảnh thưởng thức món ăn mà bất kỳ ai xem cũng phải nuốt nước bọt.

Mỗi người một phong cách, nhưng đem đến cho người xem cái nhìn toàn cảnh về từng vùng nông thôn Trung Quốc rộng lớn. Trong thời buổi người người đổ về thành phố mưu sinh, xa rời thiên nhiên, mệt mỏi với các cuộc đua tranh, tiền bạc, thì những video thoát tục của Lý Tử Thất, bình yên của Tiểu Ca… trở thành liều thuốc xoa dịu tinh thần người xem. Đó cũng chính là lý do các vlogger này nhanh chóng có tiếng không chỉ ở Trung Quốc.

Tiền và những thách thức

Trong thời đại Internet, chỉ một giọt nước mắt rớt đúng lúc, đúng thời điểm cũng có thể kiếm triệu đô, thì xu hướng cổ hương cổ thực cũng không ngoại lệ.

Tiểu Dã ngày càng có nhiều người hâm mộ cùng hợp đồng quảng cáo. Những sản phẩm sau này của cô có sự đầu tư về hình ảnh, quay dựng và ý tưởng hơn hẳn ban đầu.

Lý Tử Thất thì ban đầu làm video cho vui, tự đặt máy quay, dựng hình… Có video phải quay đi quay lại nhiều lần như video Mì bò Lan Châu. Sau mỗi cảnh nhào bột, cô phải rửa tay để ngắm góc quay mới. Nhưng làm sợi mì cần cân đối thời gian chuẩn xác, tới khi máy quay sẵn sàng thì bột mì đó không sử dụng được nữa, khiến video đó phải quay hơn 20 lần.
Từng có nhiều tranh cãi về việc Lý Tử Thất có thực sự tự làm mọi thứ hay không, khiến cô bị áp lực, phải ngừng sản xuất video hồi tháng 5-2017. Cô còn bị chỉ trích là “làm màu” khi sắp đặt mọi thứ theo hơi hướm cổ trang, sản xuất video để bán hàng trực tuyến… Cuộc sống của bà cháu cô cũng bị đảo lộn, khi có người đặt máy quay, thả flycam (thiết bị quay phim không người lái) trộm…

Sau này, cô hợp tác với một ê-kíp để sản xuất video, thay vì làm một mình. Dù vậy, video của Lý Tử Thất không quá lố, vẫn giữ được phong cách đã định hình từ lâu. Hai năm liền, cô nằm trong Nhóm 10 Ảnh hưởng lực mỹ thực đại (Nhóm 10 người có sức ảnh hưởng lớn nhất) của Trung Quốc.

Dù vô tình hay hữu ý, trào lưu cổ hương cổ thực cùng những vlog được đầu tư chỉn chu cả về ý tưởng, quay dựng lẫn âm nhạc này đã trở thành một làn gió mang văn hóa Trung Quốc tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Trang Facebook đăng lại các video chế biến ẩm thực kiểu cổ phong https://www.facebook.com/CoPhongMyThuc/ Ở Việt Nam, từ lâu cũng có một số vlogger ẩm thực thu hút cộng đồng mạng như Dân dã miền Tây với những chuyến trải nghiệm khu biệt các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; ê-kíp làm phim giao lưu văn hóa ẩm thực như dự án phim Nàng thơ xứ Huế. Nhưng Dân dã miền Tây, dù có nội dung khá hấp dẫn, lại yếu về mặt quay dựng. Nàng thơ xứ Huế hình có nhiều ảnh đẹp, nhưng lại mang hơi hướng đại diện, thiếu tính cá nhân. Cho nên, ở Việt Nam hiện nay chưa có vlogger nào thật sự nổi bật trong lĩnh vực mới hái ra tiền và đầy khó khăn này.

Mạc Phạm

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/quang-ba-van-hoa-bang-video-am-thuc/