Quảng Bình: Cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp

Trong những năm qua, môi trường kinh doanh và tình hình hoạt động của doanh nghiệp tại Quảng Bình có những chuyển biến tích cực. Năm 2018, PCI của Quảng Bình tăng 0,21 điểm (điểm số cao nhất từ trước đến nay), song theo đại diện Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng), địa phương vẫn còn có nhiều vấn đề cần nỗ lực để cải thiện.

Tại “Hội nghị đánh giá và bàn các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)”, vừa được UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức, ông Nguyễn Tiến Quang- Giám đốc VCCI tại Đà Nẵng cho rằng: trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của tỉnh trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2019: GRDP của tỉnh đạt tăng trưởng 6,32% (tăng so cùng kỳ 2018). Trong bối cảnh GDP cả nước năm 2019 có xu hướng giảm so 2018 thì kết quả này là tích cực.

Quảng Bình đã và đang trở thành điểm đến vừa “quen thuộc, vừa mới”, ngày càng hấp dẫn các du khách và nhà đầu tư. Du khách đến Quảng Bình, 6 tháng đầu năm đạt 2,45 triệu lượt tăng 20%, là những con số ấn tượng đưa tỉnh Quảng Bình trở thành một trong những địa phương có mức tăng trưởng khách du lịch cao nhất cả nước. Với những báu vật do thiên nhiên ban tặng cho Quảng Bình: Phong Nha Kẻ Bàng, Sơn Đoòng…và trong điều kiện một số điểm đến, trung tâm du lịch lớn của nước ta đang chạm ngưỡng phát triển và bão hòa và thì đây cũng là cơ hội lớn của Quảng Bình trong phát triển du lịch trong thời gian đến.

Hội nghị đánh giá và bàn các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Quảng Bình

Hội nghị đánh giá và bàn các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Quảng Bình

Cụ thể, trong năm qua, môi trường kinh doanh của và tình hình hoạt động của DN của tỉnh có những chuyển biến tích cực những vẫn còn có những vấn đề cần nhiều nỗ lực để cải thiện: Năm 2018, PCI của tỉnh đạt điển số cao nhất từ trước đến nay và tăng 0,21 điểm; Tình hình phát triển DN của tỉnh có nhiều khởi sắc: Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả số lượng DN và tổng vốn đầu tư. Qua khảo sát của PCI 2018, có 61% DN báo lãi tăng 11 điểm phần %, DN báo lỗ giảm 6 điểm % so năm 2017…là những kết quả tích cực đạt trong bối cảnh môi trường thương mại, đầu tư trong, ngoài ngoài nước trong năm qua có nhiều biến động.

Đạt được nhiều kết quả, song Quảng Bình vẫn còn một số lĩnh vực có nhiều hạn chế cần nỗ lực cải cách, đã được đại diện VCCI chỉ ra: Thời gian hoàn thành các thủ tục về gia nhập thị trường đang có xu hướng tăng dần; DN gặp khó khăn trong việc tuyển mộ lao động đặc biệt là các nhóm Giám đốc điều hành (83%) và nhóm Quản lý giám sát (70%). Các DN càng có quy mô lớn thì càng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng có trình độ cao; Khoảng cách giữa việc ban hành chủ trương chính sách với việc thực thi chính sách; Khoảng cách giữa chủ trương của lãnh đạo tỉnh với thực thi ở cấp sở ngành, huyện thị là không hề nhỏ và có xu hướng ngày càng tăng: Trả lời của DN khi được hỏi có sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được thực thì tốt ở các sở ngành tăng từ 74% 2017 lên 76% năm 2018; Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng, nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện/thị tăng từ 57% lên 64% năm 2018.

Để nâng cao hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tại Quảng Bình, VCCI Đà Nẵng đã đưa ra một số khuyến nghị cần thiết, đó là:

Quảng Bình cần rà soát và hoàn thiện, công khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tạo động lực, xác lập không gian phát triển mới và huy động nguồn lực để hiện thực hóa các quy hoạch, định hướng phát triển của Tỉnh thông qua việc tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, lập các dự án kêu gọi đầu tư theo các phương thức PPP. Rà soát, công khai quỹ đất, đặc biệt là đất phục vụ sản xuất kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho DN tiếp cận, đầu tư.

Triển khai mô hình một cửa trong xúc tiến thương mại đầu tư, trong hỗ trợ DN. Nên hợp nhất các cơ quan xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp để chuyên nghiệp hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp do khu vực công thực hiện.

Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, trong giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.Triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ DN đi đôi với việc ban hành các chính sách hỗ trợ mới phù hợp hơn với bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

Ngoài ra, Quảng Bình cần sớm triển khai bộ chỉ số DDCI thu hẹp khoảng cách từ ban hành chủ trương, chính sách đến thực thi chính sách, thu hẹp khoảng cách từ cấp ra chủ trương đến cấp thực thi. Triển khai chương trình hỗ trợ DN trong gia nhập thị trường và hỗ trợ DN mới thành lập. Thành lập doanh nghiệp đã khó, duy trì, phát triển DN càng khó hơn.

“Tỉnh nên có đề án hỗ trợ nâng cao năng lực cho hộ kinh doanh cá thể và khuyến khích hộ kinh doanh các thể có tiềm năng chuyển sang loại hình doanh nghiệp. Đối thoại DN ở nhiều cấp, không chỉ lãnh đạo tỉnh mới đối thoại DN mà các cấp thấp hơn sở, ngành, huyện thị cũng nên đối thoại với doanh nghiệp vì vấn đề khó khăn DN gặp phải không phải ở cấp lãnh đạo tỉnh mà ở cấp thấp hơn. Tổ chức đối thoại theo lĩnh vực, theo quy mô, loại hình DN. Đa dạng hóa hình thức không chỉ đối thoại trên diễn đàn mà đối thoại tương tác qua café Doanh nghiệp…để tạo sự thân thiện, hiệu quả hơn. Đồng thời, cần tăng cường cơ chế giám sát giải quyết các kiến nghị của DN hậu đối thoại”- ông Nguyễn Tiến Quang chỉ rõ.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-binh-can-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-ho-tro-doanh-nghiep-122644.html