Quảng Bình: Dịch tả lợn Châu Phi lắng dịu

Ngay sau khi lũ rút, các địa phương trong huyện phối hợp cùng lực lượng thú y tổ chức vệ sinh khu chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng và động viên, tuyên truyền nhân dân tích cực phòng chống dịch, không che dấu lợn ốm, lợn chết. Nhờ vậy đã khống chế được dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Đó là chia sẻ của ông Đinh Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

 Phun thuốc tiêu độc khử trùng ở vùng ngập lũ.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng ở vùng ngập lũ.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, tính từ ngày phát hiện ổ dịch đầu tiên (13/6), đến ngày 29/9, toàn tỉnh có 149 hộ thuộc 25 xã của 6 huyện, thành phố có DTLCP. Tổng số lợn tiêu hủy gần 1.200 con, trọng lượng tiêu hủy gần 62.000 kg.

“Nhờ làm tốt công tác bao vây, ngăn chặn dịch nên đã có 22/25 xã đã công bố hết dịch hoặc đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn ốm chết do bệnh DTLCP”, ông Tám nói.

Hiện còn 3 xã đang có DTLCP là Duy Ninh, Võ Ninh (huyện Quảng Ninh); xã Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy), với tổng số lợn tiêu hủy là 162 con.

Tại huyện miền núi Minh Hóa, là nơi phát hiện ra ổ dịch đầu tiên của tỉnh, dịch đã được khống chế triệt để. Dù không có phát hiện thêm ổ dịch nhưng các tuyến đường giao thông đi qua nhiều thôn, xã đều được lực lượng thú y và công an xã canh trực để giám sát việc vận chuyển lợn vào ra địa bàn.

Ông Đinh Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, chính nhờ làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và chủ động phối hợp cùng chính quyền, lực lượng thú y trong phòng chống DTLCP. “Trước mưa lũ, là chúng tôi đã có kế hoạch phòng chống dịch ngay sau lũ rút và đã triển khai nhanh chóng. Công tác dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng được làm kịp thời. Qua đó, góp phần hạn chế dịch lây lan hay bùng phát trở lại”.

Tại huyện Lệ Thủy vừa ra quyết định công bố hết DTLCP tại các xã là Lộc Thủy, Xuân Thủy, Phú Thủy, Mai Thủy, Ngư Thủy Trung… Ngay khi phát hiện ổ dịch tại xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy đã khẩn trương tiêu hủy toàn bộ đàn lợn tại ổ dịch, đồng thời triển khai các biện pháp dập dịch và phòng chống dịch lây lan. Theo ông Nguyễn Xuân Vương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện thì hiện Lệ Thủy chỉ còn 1 xã còn dịch.

Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh ở mức độ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình hay gia trại quy mô nhỏ. “Các trang trại có số đàn từ vài trăm con trở lên đều đang được phòng chống khá tốt. Chưa có biểu hiện lây bệnh”, ông Tám cho hay.

Kiểm soát chặt chẽ lượng lợn thịt xuất ra ngoại tỉnh.

Dù ở quy mô nhỏ, nhưng sự lây lan dịch có xu hướng “nhảy cóc”. Ví dụ chỉ xuất hiện ở huyện miền núi Minh Hóa ở vài điểm của 1 xã, sau đó dịch lại xuất hiện vài hộ ở một số xã thuộc huyện Quảng Ninh (cách xa nhau gần 200 km). Vì vậy, tại Quảng Bình, chưa phát hiện địa phương nào có hiện tượng dịch lây lan ra diện rộng, liền kề.

Khi mưa lũ vừa rút, lực lượng thú y phối hợp cùng chính quyền địa phương khẩn trương phun thuốc tiêu độc khử trùng tại khu chăn nuôi của các hộ dân. “Ngoài lượng hóa chất của địa phương thì 10.000 lít hóa chất do Trung ương hỗ trợ sau mưa lũ cũng đã được phân bổ cho các địa phương để kịp thời sử dụng trong nhiệm vụ phòng chống dịch”, ông Tám nói.

Hiện, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh vẫn đang phối hợp chặt chẽ cùng các ngành, địa phương tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh dịch tả lợn. Phân công cán bộ phụ trách các địa bàn nhằm tăng cường giám sát, theo dõi và hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch.

Ông Trần Công Tám nhấn mạnh: “Phải vượt lên khó khăn, làm tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi; tăng cường kiểm soát động vật, sản phẩm động vật vào, ra địa bàn tỉnh”.

Do tình hình DTLCP không có biến động lớn và được kiểm soát chặt nên lượng lợn thịt của Quảng Bình xuất bán cho các tỉnh phía Bắc khá nhiều. Theo đó, trong tháng 9, đã có gần 5.000 con lợn (trọng lượng từ 80-100kg/con) được xuất bán.

TÂM PHÙNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/quang-binh-dich-ta-lon-chau-phi-lang-diu-post250257.html