Quảng Bình: Đưa nấm bào ngư xám về miền núi Tuyên Hóa

Vợ chồng anh Phước trở về quê hương khởi nghiệp với nghề trồng nấm bào ngư xám. Sau 3 năm mở trang trại, gia đình anh đã bước vào ổn định sản xuất với thu nhập 500 triệu đồng/năm.

Bỏ việc nhà nước về quê lập nghiệp

Giữa tháng Tám, chúng tôi về thăm trang trại nấm bào ngư xám ở vùng đồi xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình của vợ chồng anh Hồ Xuân Phước. Trong căn nhà xây tạm làm nơi sinh hoạt của gia đình cũng như công nhân, và là nơi giao dịch của các thương lái khi đến mua hàng, anh Phước vui vẻ nói “sắp tới anh xây lại, nếu chú có dịp quay lại sẽ không thấy cảnh này nữa đâu, trời giúp như mấy năm qua thì không mấy tí mà khá đâu”.

 Một góc trang trại trồng nấm bào ngư xám của gia đình anh Hồ Xuân Phước.

Một góc trang trại trồng nấm bào ngư xám của gia đình anh Hồ Xuân Phước.

Anh Hồ Xuân Phước (sinh năm 1979) và vợ Nguyễn Thị Ty (sinh năm 1984) sinh ra và lớn lên ở cùng xã Tiến Hóa. Hai anh chị vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp và gặp nhau nên duyên vợ chồng. Cuộc sống ở Bình Phước, anh Phước là lái xe của văn phòng UBND tỉnh, còn chị là công chức kế toán ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Dù đã có công việc ổn định, nhà cửa khang trang, nhưng anh chị lại thích làm kinh tế để vươn lên làm giàu. Trong những lần chị Ty đi làm việc, được tiếp xúc với các mô hình kinh tế nông nghiệp, đó cũng là mỗi lần vợ chồng anh chị lại ao ước được xây dựng và làm chủ các trang trại như thế.

Anh Hồ Xuân Phước chia sẻ “Ở Bình Phước công việc hai vợ chồng ổn định, nhưng tính vợ chồng tôi lại muốn làm kinh tế hơn. Cuối năm 2016, hai vợ chồng bàn nhau xin nghỉ việc, về quê làm trang trại. Trước khi về quê, chúng tôi đã tìm hiểu mô hình và kinh nghiệm trồng nấm bào ngư xám, tìm hiểu xem thời tiết, khí hậu cũng như thị trường tiêu thụ ở Quảng Bình đối với loại nấm bào ngư xám rất kỹ rồi”.

Theo anh Phước, khó khăn nhất là khi quyết định đưa gia đình về quê: “Thời điểm vợ chồng nói xin nghỉ việc về quê trồng nấm, gia đình hai bên đều phản đối và can ngăn. Nhưng tôi đã học hỏi được kinh nghiệm trồng nấm, nên cũng thuyết phục được hai bên nội, ngoại".

Khi về quê, cả vợ chồng cùng 2 đứa con nhỏ phải sống ở nhà ông bà nội. “lúc mới về quê, tôi cũng hơi hoang mang xíu vì trước mắt là cái tết cận kề, trong khi mùa mưa rét chưa bắt tay vào công việc được nên rất sốt ruột. Chỉ mong trời ấm lên để thuê người, thuê máy san gạt mặt bằng, dựng lán trại để nhanh sản xuất thôi”, anh Phước nhớ lại.

Mang nấm bào ngư xám về miền núi Tuyên Hóa

Đầu năm 2017, vợ chồng anh chỉ có 300 triệu trong tay để làm nguồn vốn đầu tư. Anh chị mượn 2000m2 đất của bố mẹ để xây dựng mô hình trồng nấm bào ngư xám. Sau khi làm xong được lán trại và 5000 phôi nấm đầu tiên, xung quanh trang trại, anh chị trồng một số cây ăn quả như ổi, mít thái, chăn nuôi gà... xác định xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.

Chị Nguyễn Thị Ty đang kiểm tra các giá chứa bịch phôi nấm.

Khi công việc cơ bản đã xong, anh Phước trở lại miền Nam, đến nhiều tỉnh để tham quan thực tế các trại nấm lớn tiếp tục học tập kinh nghiệm. Ngoài ra, anh cũng đọc thêm tài liệu, sách báo viết về nấm bào ngư xám cũng như các loại nấm khác để bổ sung kiến thức về nấm.

Chị Ty cho biết, ở Quảng Bình khí hậu nắng nóng, nên những ngày đầu mới trồng, tỉ lệ chết của nấm rất cao. Nấm chết do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là kỹ thuật tưới ẩm chưa đúng cách và do côn trùng vào ăn phá.

“Nấm trồng phải tưới ẩm, và môi trường độ sáng yếu. Bởi vậy khi nấm đã bắt đầu cho thu hoạch, tưới nước không đúng cách sẽ làm nấm bị thối nhũn. Còn côn trùng thì mỗi mùa có những loại khác nhau, chúng bay vào đẻ trứng, rồi ăn các mầm nấm, khiến hình dạng nấm lớn lên bị thủng, khuyết. Đuổi côn trùng thì dùng các túi treo long não ngoài xa, trong thì dùng túi dầu sả treo là côn trùng hạn chế rất nhiều” – Chị Ty chia sẻ.

Cách làm nấm bào ngư xám khá đơn giản, phôi được cấy trong các bịch ni-lon (dùng để cấy giống, nuôi ủ phôi từ 30-35 ngày), bên trong chứa giá thể là chất dinh dưỡng của phôi, được làm từ mùn cưa của cây cao su.

“Mùn cưa chủ yếu là cây cao su, sau đó trộn với bột cùi bắp ngô và một số chất dinh dưỡng khác. Đây là những nguyên liệu rất nhiều ở vùng nông thôn, dễ tìm kiếm. Nên đến vụ mùa, tôi mua về trữ trong kho, để dùng quanh năm. Cứ mỗi lần pha ủ chừng 6 xe ô tô tải mùn cưa rồi” – anh Phước nói về nguyên liệu sản xuất nấm.

Mùn cưa được ủ từ 1-2 tháng, sau đó sàng lọc kỹ và cho vào máy trộn cùng với một ít bột ngô. Sau khi trộn xong, hỗn hợp trên sẽ được đưa vào máy đóng bịch và bỏ vào lò hấp thanh trùng với nhiệt khoảng 98 độ C, trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ.

Anh Phước chia sẻ “Với máy đóng phôi hiện tại công suất còn nhỏ nên 3 lao động mỗi ngày đóng được khoảng 1300 bịch phôi. Trong khi đó, nhiều người mua nấm, họ còn đặt hàng phôi để về tự trồng, tự chăm sóc. Sắp tới, tôi sẽ nâng công suất máy đóng phôi lên 5000 bịch/ngày”.

Mô hình phù hợp cho kinh tế nông thôn

Đến thời điểm hiện nay, việc sản xuất nấm của gia đình anh Phước đã đi vào ổn định, trại nấm của anh Phước luôn duy trì hơn 2 vạn bịch phôi. Mỗi bịch phôi sau 30 ngày thì bắt đầu cho thu hoạch từ 12 -15 lần. Gia đình anh luôn xen kẽ các lứa phôi, để luôn đảm bảo nguồn cung nấm ra thị trường.

Ông Nguyễn Quyết Chiến – Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa thăm trang trại trồng nấm bào ngư xám.

Trại nấm bào ngư xám của gia đình anh Phước thu hoạch mỗi ngày đạt 50kg. Nấm được thương lái đặt hàng, công nhân gửi xe khách chuyển vào thành phố Đồng Hới, xuống thị xã Ba Đồn tiêu thụ. Nấm thu hoạch đến đâu là tiêu thụ hết đến đó. Hiện tại, giá nấm trên thị trường dao động từ 60.000 – 70.000 ngàn đồng/kg. Trang trại cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

“Nấm bào ngư xám được chúng tôi sản xuất không sử dụng thuốc trừ sâu, không phun hóa chất diệt côn trùng, nên có thể hái xong ăn ngay được. Nấm bào ngư xám là thực phẩm giàu dinh dưỡng, được thị trường chấp nhận từ các nhà hàng, khách sạn đến các chợ lẻ nông thôn. Nên dù có dịch bệnh Covid 19, các khách sạn hạn chế nhập hàng thì bù lại, lượng bán lẻ ở các chợ nông thôn lại tăng lên” – Chị Nguyễn Thị Ty thông tin.

Theo kế hoạch sản xuất, anh Phước cho biết “năm 2019, trừ chi phí sản xuất ra thì chúng tôi đã có lãi 500 triệu đồng rồi. Năm nay chúng tôi có tăng thêm số phôi, nên thu nhập có cao hơn. Từ bây giờ, chúng tôi đã có kế hoạch sản xuất để cung ứng cho dịp Tết sắp tới, với 3,5 vạn phôi thì lúc thu hoạch trung bình gần 100kg/nấm ngày cung cấp ra thị trường, để phục vụ thị trường Tết”.

Anh Phước cho biết, để mở rộng sản xuất, thời gian tới anh sẽ làm thủ tục thuê đất của xã, vay thêm vốn cũng như trồng thêm các loại nấm khác, như: nấm mèo đen, nấm rơm... để đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời đăng ký nhãn hiệu và mở rộng thị trường.

Anh Phước nói “Sắp tới, tôi sẽ thuê đất của xã gần với trang trại để mở rộng sản xuất. Lúc đó, ngoài nguồn vốn của gia đình, chúng tôi mong muốn được vay mượn thêm nguồn vốn từ các chương trình để đầu tư thêm nhà xưởng, hạ tầng trang trại kiên cố hơn. Bởi đây là khu vực chịu nhiều thiên tai, nhất là gió bão. Nếu lán trại không kiên cố thì sau một trận bão sẽ bị hư hỏng hết, phải làm lại từ đầu”.

Ông Nguyễn Quyết Chiến – Phó chủ tịch UBND xã Tiến Hóa, cho biết: "Mô hình trồng nấm của vợ chồng anh Hồ Xuân Phước bước đầu cho thấy hiệu quả, mang lại thu nhập cao, ổn định. Sản phẩm làm ra chất lượng, dễ tiêu thụ không như các sản phẩm nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, trang trại đã giúp giải quyết được nhiều lao động ở địa phương. Vợ chồng anh Phước cũng là tấm gương làm kinh tế nông nghiệp ở địa phương cho các hộ dân khách học tập nhằm vượt khó, vươn lên thoát nghèo”.

Thanh Hà

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/quang-binh-dua-nam-bao-ngu-xam-ve-mien-nui-tuyen-hoa-262151.html