Quảng Bình gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc

Hoạt động của các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian ở Quảng Bình đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần giữ lửa văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Tập hợp các “hạt nhân văn nghệ”

Vừa qua, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Bình đã tổ chức báo cáo kết quả xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa.

Theo đó, trong thời gian 11 ngày cán bộ Sở Văn hóa Thể thao đã tập huấn về xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã Trọng Hóa. Lớp tập huấn thu hút với 70 học viên là những “hạt nhân văn nghệ”, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đến từ 12 bản trên địa bàn xã tham gia.

Đại diện Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Bình tặng thưởng học viên có thành tích trong xây dựng CLB sinh hoạt văn hóa dân gian xã Trọng Hóa. Ảnh: Báo Quảng Bình

Trong khóa học, bà con còn được hướng dẫn, tập luyện kỹ năng tổ chức xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, các nghi thức tổ chức lễ hội, làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống… Đây cũng là dịp để cán bộ văn hóa cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm triển khai, thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy các giá trị di văn văn hóa phi vật thể của đồng bào trên địa bàn xã.

Theo đại diện Sở Văn hóa Thể thao Quảng Bình, việc xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn, bản là một nội dung nằm trong Dự án 06 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Các câu lạc bộ được thành lập và hoạt động sẽ nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Chứt, Bru Vân Kiều…

Một tiết mục văn nghệ do câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian xã Trọng Hóa biểu diễn. Ảnh: Báo Quảng Bình

Qua đó, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, từng bước làm giảm chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, các dân tộc trong tỉnh; đồng thời vận động bà con gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, tạo nền tảng để phát triển du lịch tại địa phương.

Giữ lửa văn hóa truyền thống

Theo Sở Văn hóa Thể thao Quảng Bình, đến nay, trên toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 7 CLB sinh hoạt văn hóa dân gian ở các xã: Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy), Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa), Trọng Hóa, Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), Thượng Trạch (huyện Bố Trạch).

Mỗi câu lạc bộ có trung bình 50 thành viên là những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, những hạt nhân văn nghệ... Các thành viên dù ở nhiều độ tuổi nhưng đều yêu thích, đam mê văn hóa, văn nghệ và mong muốn bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tham gia câu lạc bộ văn hóa dân gian, bà con được hướng dẫn, tập luyện kỹ năng tổ chức xây dựng câu lạc bộ, các nghi thức tổ chức lễ hội, hát các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống…

Giao lưu văn nghệ câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Ảnh: Báo Quảng Bình

Khi các câu lạc bộ văn hóa dân gian được thành lập, bà con trong các thôn, bản đều tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Không ai bảo ai, mọi người đều tự giác tập luyện, cùng nhau hát vang giữa đại ngàn, tạo không khí vui tươi, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

Ông Dương Công Hùng, Chủ nhiệm câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã Lâm Thủy cho biết: Xã có 6 bản, với 90% dân số là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Khi câu lạc bộ được thành lập, bà con nơi đây rất vui vẻ, phấn khởi.

Để duy trì và phát triển các hoạt động, xã Lâm Thủy đã tổ chức cho câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 1 tháng 1 lần. Từ hoạt động của câu lạc bộ sẽ tiến hành nhân rộng, thành lập mỗi bản một đội văn nghệ truyền thống để bà con được tham gia sinh hoạt, gìn giữ những giá trị văn hóa của địa phương.

Được biết, trong tháng 12/2023, từ nguồn kinh phí của Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, xã Lâm Thủy sẽ đầu tư 200 triệu đồng mua sắm các trang phục, đạo cụ để duy trì hoạt động, sinh hoạt của câu lạc bộ.

Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình, việc xây dựng các câu lạc bộ văn hóa dân gian tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hoạt động của mô hình này cũng giúp bà con nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; vận động bà con gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, tạo nền tảng để phát triển du lịch.

Các học viên trình diễn lễ hội Trỉa sau khóa tập huấn

Ông Mai Xuân Thành cho biết thêm, trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Dự án 06, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để xây dựng thêm các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Với những hướng đi đã mở cùng nhiều nhân tố tâm huyết như các già làng, trưởng bản, những người có uy tín và sự tích cực của bà con nhân dân các thôn, bản, các câu lạc bộ văn hóa dân gian sẽ phát huy được hiệu quả, góp phần giữ lửa văn hóa truyền thống của địa phương”, ông Thành đánh giá.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quang-binh-gin-giu-net-van-hoa-truyen-thong-cua-dong-bao-dan-toc-post276244.html