Quảng Bình: Luật 'vua' thua... trưởng thôn?

Ông Dưỡng làm thủ tục thuê đất hoang hóa để mở trang trại tổng hợp ở địa phương, dù được chính quyền địa phương chấp thuận và gửi hồ sơ xuống huyện, tuy nhiên, lãnh đạo huyện không đồng ý vì đang chờ xác nhận của trưởng thôn.

Trăn trở nơi vùng đất nghèo

Xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) là xã vùng núi rẻo cao, bao bọc bởi những dãy núi đá trùng điệp. Đây được xem là rốn lũ của tỉnh Quảng Bình, bởi hằng năm cứ mưa xuống, nước dồn ứ làm cả xã ngập tới nóc nhà, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Sinh ra và lớn lên ở địa phương, thấy làm nông nghiệp thu nhập thấp, ông Cao Kế Dưỡng (thôn Cổ Liêm) đã từng bôn ba đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài để mong làm giàu.

Gia đình ông Dưỡng làm thủ tục thuê đất hoang hóa làm trang trại, gần 1 năm vẫn chưa xong.

Gia đình ông Dưỡng làm thủ tục thuê đất hoang hóa làm trang trại, gần 1 năm vẫn chưa xong.

Sau khi hết thời hạn về quê, ông nghĩ hướng phát triển kinh tế ở địa phương. Nhận thấy vùng đất rộng lớn hàng chục hecta do xã quản lý ở vùng Vòi Nôốc (thôn Cổ Liêm) bỏ hoang từ trước đến nay, cây hoang dại mọc đầy. Ông bàn với vợ thuê một ít diện tích đất hoang hóa để làm mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, nhằm phát triển kinh tế gia đình.

Nghĩ là làm, từ tháng 4/2019, ông Dưỡng đi đến các cơ quan, ban ngành để được họ hướng dẫn thủ tục thuê 5ha đất. Đến tháng 6/2019, đề án trang trại của gia đình được sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Ông Dưỡng mang hồ sơ tới phòng NN&PTNT huyện Minh Hóa để nộp.

Sau nhiều tháng, ông Dưỡng liên lạc xuống huyện thì được biết, hồ sơ xin đất làm trang trại đang “tắc”; lãnh đạo huyện không ký duyệt vì thiếu xác nhận của trưởng thôn. Ông lại mang giấy xác nhận về trình bày và nhờ thôn trưởng xác nhận, nhưng thôn trưởng thôn Cổ Liêm đã từ chối.

Vùng đất hoang hóa Vòi Nôốc rộng hơn 45ha.

Ông Cao Kế Dưỡng chia sẻ: “Vùng đất hoang hóa rộng hơn 45ha, tôi muốn thuê 5ha đất mở trang trại tổng hợp để nuôi gà, nuôi dê, nuôi lợn rừng phát triển kinh tế. Hồ sơ thiếu xác nhận của trưởng thôn, nhưng trưởng thôn không chịu xác nhận vì lý do khi làm không thông qua thôn. Mặc dù Chủ tịch xã đã ký vào các biên bản chấp thuận cho thuê và trình lên huyện, nhưng trưởng thôn không ký nên 10 tháng nay hồ sơ vẫn “ngâm” ở huyện”.

"Trâu buộc ghét trâu ăn"?

Qua trao đổi vụ việc, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng thôn Cổ Liêm, nói: “Đất của nhà nước, UBND xã giao cho thôn quản lý. Tôi làm trưởng thôn cái gì cũng phải làm từ dưới lên, nên hồ sơ họ làm trên xã, trên huyện xong rồi mới đưa về thôn ký xác nhận. Nếu tôi ký xác nhận vào hồ sơ để họ cho thuê thì không được, vì có nhiều người khác cũng sẽ thuê, không có đất cho trâu bò thả rông”.

“Theo tôi, để vùng đất đó cho trâu bò tránh lũ, chăn thả nó hay hơn, như tôi làm trưởng thôn, một năm thả trâu, bò cũng có thu nhập, còn làm trang trại đưa các dự án về tôi thấy không hiệu quả”, ông Thanh bao biện.

Ông Thanh cũng cho biết, sau khi ông Cao Kế Dưỡng muốn thuê đất để làm trang trại tổng hợp, trong các cuộc họp thôn cũng không đưa ra, vì “chúng tôi chỉ mới hội ý trong chi bộ thôn, không có biên bản gì cả, mà cũng không phải đưa ra thôn bàn làm gì nữa”, ông Thanh cương quyết.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng thôn Cổ Liêm: đất hoang hóa để cho mọi người thả trâu, bò; chứ làm trang trại tôi thấy không hiệu quả.

Trao đổi với PV, ông Ngô Thanh Đá – Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết: “Đảng bộ và chính quyền ủng hộ cao và tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, đã gần một năm nay đề án trang trại của ông Dưỡng đã gần hoàn tất, chỉ thiếu biên bản trưởng thôn đồng ý cho thuê, nên huyện chưa giải quyết”.

“Chỗ đất ông Dưỡng muốn thuê trước đây là vùng cho trâu bò của các hộ dân trong thôn tránh lũ. Nhưng hiện nay, chúng tôi đã có nghị quyết hội đồng, cũng như Đảng bộ xã, chuyển hình thức chăn thả truyền thống sang chăn dắt. Việc một số hộ ở thôn Cổ Liêm không đồng ý cho thuê đất thể hiện "trâu buộc ghét trâu ăn". Đất nằm ở thôn Cổ Liêm, nhưng xã không quản lý, bây giờ xã không có quyền gì cả, thua cả thôn; trong khi đất đai gần 45ha để không vậy, không phát huy được nguồn lực gì cả”, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa nói.

Theo ông Ngô Thanh Đá thì “Đất của nhà nước, không ai tranh chấp, chưa giao cho ai, không quy hoạch làm gì cả, không phải đất đầu nguồn nước, nguồn gió; xa dân cư 4 - 5km thì cho thuê một thời gian để phát triển kinh tế. Trong khi đó họ chăn nuôi lợn rừng, dê có ảnh hưởng gì lớn đến môi trường đâu”.

Ông Đinh Minh Tuấn, Trưởng phòng TNMT huyện Minh Hóa, cho biết đã nắm được thông tin về việc ông Cao Kế Dưỡng đang làm thủ tục thuê đất mở trang trại tổng hợp ở xã Tân Hóa. “Đề án ông Dưỡng đã nộp cho Phòng NN&PTNT duyệt, sau đó Phòng TNMT mới làm thủ tục cho gia đình thuê đất. Nay thôn chưa ký nên hồ sơ chưa duyệt được”, ông Tuấn thông tin.

Thanh Hà

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/quang-binh-luat-vua-thua-truong-thon-post334094.info