Quảng Bình: Nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến mọi mặt trong công tác dân tộc

Ngày 17-4, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc do đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình.

Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Đức Trí

Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Đức Trí

Tỉnh Quảng Bình hiện có trên 6.093 hộ, 27.707 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tập trung ở 106 thôn, bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao, biên giới và một bộ phận đan xen với người Kinh. Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Trung ương về công tác dân tộc, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên tỷ lệ hộ đói, nghèo và việc xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số cơ bản đạt mục tiêu đề ra.

Từ năm 2009 đến nay, Quảng Bình không còn hộ đói trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo giảm bình quân 4-5%/năm, số hộ có thu nhập khá trở lên ngày càng tăng; 100% số xã vùng dân tộc thiểu số có điện sinh hoạt, trên 70% số dân được dùng nước sạch.

Việc nâng cao trình độ dân trí, đời sống tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số cơ bản đạt mục tiêu đề ra theo Chương trình hành động số 24. Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh có 17/17 xã vùng dân tộc thiểu số có trường, lớp tiểu học và trung học cơ sở. Từ năm 2008, có 100% xã vùng dân tộc thiểu số có trạm y tế xã và đã có bác sỹ. Hàng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp đề đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là chi bộ Đảng, ban công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội ở các thôn, bản có đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được củng cố, kiện toàn. Công tác quy hoạch hệ thống đường giao thông miền núi, các trung tâm cụm xã miền núi, khu dân cư và các cụm bản đồng bào dân tộc thiểu số miền núi được tỉnh tập trung đẩy mạnh nhằm tăng khả năng bảo vệ vững chắc an ninh trên tuyến biên giới.

Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị, đề xuất với đoàn kiểm tra một số vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ chính sách đầu tư hạ tầng cho vùng miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc; trợ cấp xã hội thường xuyên cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số không còn khả năng thoát nghèo; có chính sách sát hợp đào tạo cán bộ là con em dân tộc thiểu số về văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp; giảm dần, tiến tới xóa bỏ các chính sách hỗ trợ cho không và tăng các chính sách cho vay, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn, thời gian thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo ở vùng dân tộc thiểu số...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, nghiêm túc của cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Bình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Tỉnh Quảng Bình đã thể chế hóa Nghị quyết bằng những chương trình, chính sách cụ thể để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc, miền núi được đầu tư xây dựng khá đồng bộ; hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi ngày càng được củng cố và nâng cao chất lượng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc được giữ vững.

Đặc biệt, tỉnh đã tạo được sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân để cùng với cả hệ thống chính trị hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến chính sách dân tộc. Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc yêu cầu tỉnh cần tiếp tục triển khai kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mọi mặt trong công tác dân tộc; quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng và nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ ở vùng dân tộc thiểu số nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng. Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ trình Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét để tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế.

Đức Trí

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quang-binh-nhieu-giai-phap-tao-su-chuyen-bien-moi-mat-trong-cong-tac-dan-toc/