Quảng Bình: Vẫn tranh cãi xung quanh vị trí tuyến công trình thủy lợi Rào Nan

Nỗi ám ảnh của việc đầu tư các dự án nói chung và dự án thủy lợi, thủy điện nói riêng là tình trạng người dân không đồng thuận, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Ách tắc về mặt bằng dẫn đến những hệ lụy như ảnh hưởng đến tiến độ chung trong thi công, chậm đưa công trình vào khai thác.

Qua khoan khảo sát, hệ thống thủy lợi trọng điểm Rào Nan sẽ được xây dựng vị trí tại đập ngăn mặn cũ.

Cứ lùng nhùng, dễ “vỡ” tiến độ chung

Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan, vị trí xây dựng tại xã Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) là một dự án nằm trong nguồn trái phiếu của Chính phủ, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ quản nhằm triển khai các dự án, công trình thủy lợi trọng điểm của đất nước, do đó Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ trì, thẩm định và phê duyệt.

Tại dự án hệ thống thủy lợi trọng điểm Rào Nan, vấn đề tranh cãi nổi lên giữa người dân vùng dự án và nhà quản lý liên quan đến vị trí tuyến công trình. Theo đó, câu hỏi mà người dân đặt ra là “vị trí xây dựng công trình đập dâng cách khu dân cư sinh sống 450m, như vậy liệu có phù hợp và an toàn?”.

Trong bối cảnh có nhiều ý kiến lo lắng về sự cố, mất an toàn công trình thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu cực đoan, diễn biến bất thường, ưu tiên hàng đầu được Bộ NN&PTNT đặt ra trong quá trình thiết kế là mục tiêu an toàn.

Ông Trần Hoài Nam - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành NN&PTNT tỉnh Quảng Bình mạnh dạn so sánh: Đập dâng Rào Nan được xây dựng mới là đập tràn dạng Ôfixêrôp đặt trên hệ thống cọc khoan nhồi, kết cấu toàn bộ bằng bê-tông cốt thép. Cao trình ngưỡng là +6,0m, chiều dài đập dâng là 177,4m bao gồm 15 cửa van; 02 cửa xả cát và hệ thống 2 vai đập. Với suất đầu tư 350 tỷ đồng cho đập dâng Rào Nan có sức chứa tối đa là hơn 9 triệu m3 nước, lúc hoàn thành sẽ thuộc hàng “khủng long” trong danh sách công trình thủy lợi tại Quảng Bình.

Một khối bê-tông đồ sộ, vững chãi giữa dòng nước, chủ động điều tiết thoát lũ nếu vượt cao trình, độ an toàn sẽ cao hơn đập đất rất nhiều. Cùng đó, trên đất nước Việt Nam hiện có nhiều công trình thủy lợi, hồ chứa có quy mô lớn với dung tích hàng triệu m3 nước nằm rất gần khu dân cư sinh sống trong phạm vi 200m nhưng không gây ra bất cứ tác động xấu nào.

Đã qua 7 phiên đối thoại, nhân dân vùng dự án vẫn chưa đồng tình ủng hộ.

Tính đến tháng 4/2019, đã diễn ra 07 cuộc đối thoại không thành công giữa chính quyền tỉnh Quảng Bình và nhân dân thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn. Mặc dù vào ngày 30/3/2019, UBND tỉnh Quảng Bình đã đưa ra kết luận sẽ cho triển khai dự án vì sự an toàn của công trình đã được các chuyên gia đầu ngành khẳng định tuyến và giải pháp công trình được chọn là tối ưu, cam kết về tính ổn định và an toàn lâu dài của công trình đập dâng Rào Nan; yêu cầu nhân dân thôn Linh Cận Sơn phải ủng hộ dự án…

Tuy vậy, nhân dân thôn Linh Cận Sơn từ đó đến nay vẫn lo lắng, băn khoăn về tuyến công trình, quan ngại vấn đề xây đập dâng mới sẽ gây ngập lụt vùng hạ du, cụ thể là khu dân cư Linh Cận Sơn sẽ bị xói lở. Từ tâm lý đó, họ kiên quyết phản đối dự án, không đồng thuận với việc triển khai công trình, công tác giải phóng mặt bằng, trích đo, lập phương án bồi thường lòng hồ và bãi vật liệu của chủ đầu tư gặp khó khăn trong quá trình triển khai do nhiều hộ dân không đồng tình.

Từ nguồn tin riêng của chúng tôi, nhân dân thôn Linh Cận Sơn đã có hành động phản ứng, phản kháng đề nghị chủ đầu tư không tiếp tục triển khai dự án. Về tiến độ triển khai, nếu lùi lại qua hết tháng 4, dự án rất dễ vỡ “tiến độ” chung.

Nếu cần, hãy thuê đơn vị tư vấn độc lập

Từ nắm bắt tại địa phương, dễ thấy nhân dân vùng dự án chưa tin tưởng hoàn toàn vào tính an toàn của công trình, mặc dù đã có nhiều ý kiến lý giải của chuyên gia thủy lợi và nhà khoa học độc lập như bà GS.TS. Phạm Thị Hương Lan (Trường Đại học Thủy lợi), GS.TS Trần Đình Hòa (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) và Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng (Bộ NN&PTNT)…

Qua tham khảo ý kiến một số cá nhân, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng của tỉnh Quảng Bình, cho thấy, việc nhân dân vùng dự án không đồng thuận với dự án thủy lợi Rào Nan xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có vấn đề tâm lý khi sống gần “túi nước” và niềm tin của họ vào giới chuyên gia, nhà khoa học phản biện về tuyến công trình; cùng đó vấn đề chất lượng công trình sau thi công có đảm bảo như thiết kế.

Để gỡ nút thắt dự án này, nhà quản lý cần bàn tính kỹ lưỡng trước khi chặn dòng, đắp đê quai, để cho nhân dân hiểu đúng bản chất dự án. Nếu người dân đã không tin tưởng vào giới chuyên gia, nhà khoa học từng tham gia phản biện thì hãy để cho họ tìm thuê đơn vị tư vấn bên ngoài, hoạt động độc lập nhằm đánh giá lại vị trí tuyến và tính an toàn của công trình. Về kinh phí thực hiện, chủ đầu tư trích từ quỹ dự phòng để chi trả.

Về hiện trạng dự án, đập dâng Rào Nan sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ, tiến độ theo yêu cầu phải thi công hoàn thành, kết thúc dự án vào năm 2020. Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về triển khai xây dựng đập dâng Rào Nan theo tiến độ đã được xây dựng và phê duyệt, ngày 18/12/2018, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và đã trao thầu gói thầu số 26/XL: Xây lắp đập tràn, cống lấy nước và thiết bị cơ khí cho Cty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.

Quy trình về thiết kế, thẩm định do các cơ quan Trung ương thực hiện rất chặt chẽ, tuy nhiên, hiện nay, việc thi công, giám sát có nhiều vấn đề. Từ đó, công tác giám sát thi công sẽ từ nhiều kênh như giám sát của chủ đầu tư, giám sát của Cục quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT), giám sát của Quốc hội và HĐND tỉnh.

Cùng đó, xuyên suốt dự án, công tác kiểm định chất lượng sẽ được thực hiện thường xuyên. Ông Đoàn Quốc Cường - Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Công trình (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình) cho hay: Giá trị gói kiểm định và giám định chất lượng công trình tại dự án đập dâng thủy lợi Rào Nan hơn 300 triệu đồng. Chủ đầu tư và đơn vị chúng tôi đang đàm phán. Nếu chúng tôi ký kết hợp đồng này, công tác kiểm định chất lượng sẽ được thực hiện thường xuyên từ khi khởi công đến ngày nghiệm thu, bàn giao công trình; các rủi ro trong thiết kế sẽ được phát hiện sớm. Bên cạnh kênh giám sát, việc kiểm định cũng kiểm soát tốt độ bền vững, chất lượng công trình so với thiết kế.

Uy Vũ

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/quang-binh-van-tranh-cai-xung-quanh-vi-tri-tuyen-cong-trinh-thuy-loi-rao-nan.html