Quảng cáo ngoài trời: Tiền 'chảy' đi đâu? (*): Nhiều bất cập trong quản lý

Nhiều đơn vị cùng quản lý; chưa ban hành khung giá chuẩn đối với các bảng quảng cáo dẫn tới không thực hiện đấu thầu công khai; chưa ban hành quy hoạch chung về quảng cáo của thành phố…

Ngành quảng cáo có số lượng doanh nghiệp (DN) chiếm tỉ lệ cao trong các DN đang hoạt động tại TP HCM, góp phần quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế TP HCM. Theo số liệu từ Cục Thống kê TP HCM, đến năm 2019, số DN hoạt động trong ngành quảng cáo trên địa bàn thành phố là 5.497 DN, trong đó 97% là DN ngoài nhà nước, 3% DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Mỗi nơi quản một chút

Ngành quảng cáo bao gồm những loại hình quảng cáo như: quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng, quảng cáo trên internet, quảng cáo trên phương tiện công cộng. Với hoạt động quảng cáo ngoài trời, trung bình mỗi năm Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP HCM tiếp nhận và xử lý hơn 2.500 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo; hơn 500 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng-rôn. Sau khi tiếp nhận và xử lý, Sở VH-TT gửi đến Thanh tra sở, Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện để cùng phối hợp kiểm tra quản lý.

Trong khi đó, việc cấp phép xây dựng đối với công trình quảng cáo thuộc phạm vi hành lang an toàn đường bộ hiện do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý, chấp thuận, cấp giấy phép thi công và chỉ xác định phạm vi thi công trên đất dành cho đường bộ, các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công.

Trụ bảng quảng cáo màn hình LED dày đặc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) Ảnh: NGUYỄN NGUYÊN

Trụ bảng quảng cáo màn hình LED dày đặc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) Ảnh: NGUYỄN NGUYÊN

Sở GTVT giao nhiệm vụ cho các đơn vị Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng phối hợp với UBND các quận huyện, TP Thủ Đức kiểm tra các điều kiện về an toàn giao thông trước, trong và sau khi thực hiện lắp đặt các vị trí quảng cáo; kịp thời phát hiện các trường hợp lắp đặt bảng quảng cáo không phép, sai nội dung theo văn bản cho phép của các cấp có thẩm quyền để kịp thời báo cáo Sở GTVT, Thanh tra Sở GTVT xử phạt theo quy định; đề xuất không ký gia hạn hợp đồng đối với các trường hợp này; chấn chỉnh các trường hợp trụ quảng cáo không bảo đảm an toàn như nghiêng ngả, mục chân, mất an toàn điện.

Riêng việc quản lý về kết cấu xây dựng trụ quảng cáo và giấy phép xây dựng thì giao trách nhiệm cho chủ đầu tư. Do đó, việc quản lý nhà nước về cấp phép xây dựng và bảo đảm an toàn xây dựng đối với các bảng quảng cáo thuộc hành lang an toàn giao thông đường bộ chưa được quản lý bởi cơ quan nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tống Đức Tiến, Trưởng Phòng Cấp phép xây dựng Sở Xây dựng TP HCM, cho hay việc cấp phép xây dựng các trụ quảng cáo ngoài trời được quy định tại Quyết định 26 (năm 2017) của UBND TP HCM.

Theo quyết định này, việc cấp phép xây dựng công trình nêu trên đã được phân cấp, phân quyền về cho các quận, huyện. "Công trình cấp 2 trở lên thuộc thẩm quyền cấp phép của Sở Xây dựng, tức bảng quảng cáo đứng độc lập ngoài trời cao trên 28 m. Thực tế thì thành phố không có trụ quảng cáo lớn như vậy" - ông Tống Đức Tiến nói.

Vướng Luật Quy hoạch

Theo thống kê của Sở GTVT, phần lớn các trụ bảng do Sở GTVT cấp phép thi công lắp đặt biển quảng cáo tạm trên phạm vi đất hành lang an toàn giao thông đường bộ và một số quận, huyện chấp thuận lắp đặt phục vụ công tác tuyên truyền nhưng sau khi được xây dựng thực hiện cổ động chính trị một thời gian ngắn liền chuyển đổi sang hình thức quảng cáo thương mại, không đúng quy định của pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và không công bằng trong việc đấu thầu lựa chọn các vị trí đầu tư xã hội hóa đối với các DN.

Ngoài ra, có một số bất cập khác như mức xử phạt vi phạm hành chính các hành vi lắp đặt trụ quảng cáo không phép còn thấp so với lợi nhuận thu được; chưa ban hành khung giá chuẩn đối với các bảng quảng cáo dẫn tới không thực hiện đấu thầu công khai; chưa ban hành quy hoạch chung về quảng cáo của thành phố, chưa có đánh giá tổng thể các yếu tố (bao gồm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị) dẫn tới việc khảo sát, đánh giá đối với các vị trí lắp đặt mới chỉ mang tính cục bộ, cảm tính.

Riêng với loại hình quảng cáo trên phương tiện giao thông, Luật Quảng cáo không quy định việc thông báo sản phẩm quảng cáo đối với hình thức này và đơn vị tự làm, tự chịu trách nhiệm, chưa được quản lý của cơ quan quản lý và khai thác để phát triển.

Một vấn đề lớn nữa là từ khi Luật Quảng cáo ra đời đến nay (năm 2012), quy hoạch quảng cáo trên địa bàn TP HCM vẫn chưa được ban hành. Năm 2017, sau nhiều năm chỉnh sửa, Sở VH-TT TP HCM đã hoàn chỉnh đề án Quy hoạch hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP HCM đến năm 2030 và trình UBND TP xem xét.

Đến năm 2018, căn cứ hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xử lý đối với các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm trên địa bàn TP HCM theo quy định của Luật Quảng cáo, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đã có văn bản trình UBND TP đề xuất danh mục 30 dự án quy hoạch không phù hợp với Luật Quy hoạch (trong đó có quy hoạch hoạt động quảng cáo) nên đề nghị dừng triển khai.

Đến năm 2020, UBND TP HCM trong các cuộc họp đã chỉ đạo Sở VH-TT nhanh chóng hoàn thành quy hoạch hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP HCM để giải quyết vấn đề vướng mắc về quy hoạch quảng cáo trên địa bàn thành phố.

Sở VH-TT đã xây dựng kế hoạch ngày 27-1-2021 về tổ chức thẩm định quy hoạch các vị trí cổ động chính trị và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP HCM. Ngày 19-11-2021, Sở VH-TT ban hành quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định và Tổ giúp việc Hội đồng Thẩm định đề án "Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP HCM đến năm 2030"; ra quyết định kiện toàn và bổ sung thành viên Tổ giúp việc Hội đồng Thẩm định Đề án vào ngày 21-2-2022 gồm 19 thành viên là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành liên quan trực tiếp để tham gia vào việc xét duyệt các vị trí quy hoạch của TP Thủ Đức và các quận, huyện. Tuy nhiên, nhiều vị trí quy hoạch phải thông qua ý kiến chuyên ngành nên không thể đẩy nhanh tiến độ đề án.

Đơn vị nào thu phí?

Hiện nay, quảng cáo trên trụ hộp đèn và bảng quảng cáo tại các tuyến đường, công viên, tiểu đảo, dải phân cách nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ do Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị thuộc quản lý của Sở GTVT cho thuê và thu phí theo hợp đồng.

Quảng cáo tại các trạm chờ, nhà chờ xe buýt do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở GTVT quản lý và ký hợp đồng cho thuê.

Ngoài ra, một số bảng quảng cáo nằm trên đất công do một số đơn vị quản lý cho thuê, như: Dịch vụ Công ích, Trung tâm Văn hóa của một số quận. Còn lại các bảng quảng cáo do tư nhân, DN cho DN quảng cáo thuê, thu phí theo hợp đồng.

Theo báo cáo của Sở VH-TT, mức thu phí quảng cáo tại các vị trí ký hợp đồng cổ động chính trị còn thấp so với lợi nhuận thu được. Vì vậy, Sở VH-TT đã có đề xuất UBND TP HCM giao sở GTVT và Sở Tài chính tham mưu UBND TP Đề án quản lý và sử dụng nguồn thu từ khai thác bảng quảng cáo nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ; tính phí quảng cáo đối với hình thức quảng cáo treo băng rôn trên các trụ đèn chiếu sáng do Sở Xây dựng quản lý để tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố.

Bạn đọc lên tiếng

Loạt bài "Quảng cáo ngoài trời: Tiền "chảy" đi đâu?" đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Bạn đọc Minh Thanh viết: "Cảm ơn Báo Người Lao Động đã cho độc giả và các cấp quản lý nhìn thấy thực trạng. Công ty quảng cáo ra giá cả tỉ đồng mà tiền nộp cho nhà nước chỉ có tiền triệu, vậy tiền chênh lệch đó đi đâu? DN thuê quảng cáo thiệt hại và cuối cùng người tiêu dùng lãnh đủ".

Bạn đọc Ngothanhgdt@gmail.com thắc mắc: "Sao không gom về một đầu mối để quản lý? Bởi đơn vị nào cũng có quyền cấp phép sẽ rất dễ bị lợi dụng để trục lợi".

Từ bài viết của Báo Người Lao Động, bạn đọc Nguyễn Xuân Dương thông tin thêm: "Hàng chục bảng quảng cáo ngoài trời sử dụng đèn LED chạy dọc dải phân cách đường Phạm Văn Đồng với cường độ sáng cực mạnh, màu sắc sặc sỡ, liên tục chớp nháy, chuyển đổi nội dung, gây lóa mắt, hạn chế tầm nhìn, mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Dọc tuyến đường này còn mới mọc lên hàng chục trụ bảng quảng cáo to đùng ở các vị trí siêu đẹp. Đất hành lang, đất cây xanh 2 bên đường phải nhường vị trí cho các trụ quảng cáo này. Một tuyến đường đẹp đã bị làm xấu đi".

Bạn đọc Coc thì phản ánh: "Hai đầu cầu Trần Quang Diệu, quận 3 là 2 bảng quảng cáo cách nhau chừng chục mét, cứ đến tối là mở đèn sáng như ban ngày, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân ở xung quanh".

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-11

Huỳnh Hiếu - Quốc Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/quang-cao-ngoai-troi-tien-chay-di-dau-nhieu-bat-cap-trong-quan-ly-20221109213912835.htm