Quảng cáo trên phim - Đừng lạm dụng

Quy luật tất yếu của bất kỳ nền điện ảnh nào, trong đó có Việt Nam, là khi thị trường phát triển sẽ ngày càng có sự tham gia nhiều hơn của các thương hiệu, đơn vị tài trợ cho quá trình sản xuất phim. Song, việc đưa quảng cáo vào phim làm sao để mang tính tương hỗ chứ đừng 'PR' phản cảm cần được đặt ra nghiêm túc.

Trăm hoa đua nở

Sau buổi công chiếu ra mắt bộ phim Cà chớn, anh đừng đi (đạo diễn Đỗ Cường), nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa các thương hiệu sản phẩm vào phim khiến phim bị một điểm trừ.

Chi tiết nhân vật Tuệ Nhi (Kiều Trinh) và Hà (Trang Hý) khi đến hỗ trợ cho lớp học của Hải Sơn (Xuân Phúc) đã mang theo 2 thùng nước suối sẽ không có gì đáng nói nếu máy quay không quay sát và lia qua lia lại sản phẩm (một trong những nhà tài trợ của bộ phim).

 Cà chớn, anh đừng đi có phân đoạn đưa quảng cáo vào khá lộ liễu. Ảnh: Đ.P.C.C

Cà chớn, anh đừng đi có phân đoạn đưa quảng cáo vào khá lộ liễu. Ảnh: Đ.P.C.C

Trước đó, Ước hẹn mùa thu (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) cũng rơi vào tình trạng tương tự khi một số thương hiệu quảng cáo xuất hiện chưa thật tế nhị, từ dòng tivi thông minh, dịch vụ xem phim trực tuyến cho đến bệnh viện quốc tế, rồi logo trực diện, câu thoại của nhân vật...

“Tôi xem đến đoạn có cài cắm thương hiệu tivi đó rồi tự hỏi, liệu có nhất thiết phải đặt logo bên góc trái một cách lộ liễu như vậy không?”, Minh Hằng - một khán giả sau khi xem phim, nhận xét.

Hai trường hợp nói trên chưa phải duy nhất. Hai Phượng - bộ phim được đánh giá khá cao nhưng trong phân cảnh nhân vật nữ chính đến trình báo mất con, tên một ứng dụng gọi xe được thốt ra từ miệng nhân vật công an.

Hiện nay, hầu hết dự án điện ảnh (trừ các phim nghệ thuật, độc lập, dòng phim tác giả) đều ít nhiều có sự xuất hiện của các thương hiệu quảng cáo trong các khung hình. Với phim truyền hình, quảng cáo còn xuất hiện một cách… hồn nhiên hơn.

Những: Tình khúc bạch dương, Gạo nếp gạo tẻ, Ngày ấy mình đã yêu, Quỳnh búp bê, Ngũ hợi tấn hỷ… xuất hiện tràn ngập từ logo cho đến sản phẩm, câu thoại quảng cáo.

Nếu tính cả thị phần phim ngắn, web-drama hay phần ngoại truyện của các phim truyền hình ăn khách, nhiều đoạn trong các phim mang đúng nghĩa trả lại quyền lợi cho nhà tài trợ, chẳng khác nào những clip định vị thương hiệu sản phẩm.

Chia sẻ về xu hướng này, nhà sản xuất (NSX) - đạo diễn Nhất Trung cho biết: “Quảng cáo trên phim là vấn đề bình thường, vì thế giới đã làm nhiều. Tôi nghĩ điều đó tốt cho cả hai, phim có kinh phí trong khi nhãn hàng được quảng bá theo phim. Việt Nam đi theo xu hướng đó là điều tất yếu”.

Đồng quan điểm đó, NSX Trần Thị Bích Ngọc cho rằng, các nhà làm phim tài trợ đến từ cách thức nào cũng đều cần cho bộ phim.

Để đẹp cả đôi bên...

Theo lập luận của NSX Bích Ngọc, tài trợ hay quảng cáo là điều mà đoàn phim nào cũng mong muốn nhận được. Chị dẫn chứng, không phải bộ phim nghệ thuật nào cũng may mắn tìm được tài trợ nhanh và số tiền tương đối lớn để đưa vào sản xuất như trường hợp Vợ ba (có các quỹ hỗ trợ nước ngoài, các tập đoàn, công ty tài trợ).

“Theo tôi, đưa thương hiệu vào bộ phim phải hài hòa. Hài hòa với câu chuyện, hài hòa với bộ phim và nó phải thực sự tự nhiên. Khi đó việc tài trợ sẽ có hiệu quả hơn”, chị phân tích.

Trong câu chuyện quảng cáo, tài trợ còn có một thực tế khác. Tức là bản thân các thương hiệu không có nhu cầu quảng cáo, đoàn phim phải tự bỏ tiền cho các chi phí này. Điều này thường xuyên xảy ra với các phim ở Hollywood, phim Việt dù ít hơn nhưng cũng có. Đó là ở một số phim khi các diễn viên diện trang phục, phụ kiện của các thương hiệu lớn trên thế giới.

Đơn cử như Trang Nhung đã phải chuyển “kho” hàng hiệu trị giá vài tỷ đồng của mình cho Ngân Khánh khi quay Quý cô thừa kế. Không cần phải để tên của từng thương hiệu; nhìn sản phẩm, nhiều khán giả đã biết được xuất xứ, giá trị.

Theo các nhà làm phim, giải quyết bài toán với nhà tài trợ là quá trình không đơn giản. Đạo diễn Nhất Trung phân tích, vì việc đưa thương hiệu vào phim là vấn đề nhạy cảm nên phải có tính toán từ đầu, ngay từ khi xây dựng kịch bản.

“Phải tính toán chi tiết và tỉ mỉ, bộ phim của mình phù hợp với bao nhiêu thương hiệu và thương hiệu đó sẽ xuất hiện trong phân cảnh nào, dưới dạng thức nào: logo, phông nền (background) hay trong lời thoại. Bàn bạc về tài trợ thương hiệu là cả quá trình dài”. Quan điểm cá nhân anh, không thể áp đặt mỗi bộ phim phải có được bao nhiêu tiền quảng cáo, quan trọng nhất là cảm xúc bộ phim mang lại. Theo NSX Bích Ngọc, khi có tài trợ phải suy nghĩ đến tính phù hợp với cả hai bên, tốt cho cả bộ phim và thương hiệu.

Hiện nay, việc tài trợ cho phim không còn là câu chuyện giữa NSX và các thương hiệu. Trong nhiều trường hợp, nó còn liên quan đến diễn viên. Có những thương hiệu xuất hiện trên phim là đối thủ của thương hiệu mà diễn viên đang quảng cáo hay là gương mặt đại diện. Chuyện “đụng độ” này xảy ra khá thường xuyên và không còn cách nào khác là NSX phải từ chối tài trợ.

“Diễn viên chỉ ký tham gia bộ phim, không ký kết với thương hiệu đó nên không thể ép buộc họ. Do đó, trong nhiều trường hợp, thương hiệu phải trả cả tiền cho diễn viên nếu muốn họ quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của mình trên phim”, anh chia sẻ.

Theo đạo diễn Lê Thanh Sơn, không nên bảo thủ nhưng cũng đừng lạm dụng. Điện ảnh thế giới đã có nhiều bài học thành công, nâng tầm giá trị của cả bộ phim và thương hiệu, điều đó chúng ta cần học hỏi, nghiên cứu. Vai trò của NSX, sự tinh tế, khéo léo của đạo diễn trong trường hợp này mang yếu tố tiên quyết. Nếu cứ cố tình cài cắm lộ liễu, kết quả còn mang tác dụng ngược.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quang-cao-tren-phim-dung-lam-dung-593944.html