Quang Hải và lời mời 'xuất dương'

Với màn trình diễn rất thuyết phục trong màu áo U23 Việt Nam, không ngạc nhiên khi tiền vệ Quang Hải của Hà Nội FC đã và đang được một số câu lạc bộ ngoại quốc 'bắn tin' chiêu mộ. Và mới đây, theo xác nhận của đội bóng thủ đô, CLB đang chơi tại giải hạng 2 Nhật Bản là Renofa Yamaguchi đã chính thức gửi tới họ lời đề nghị chuyển nhượng.

Trước hết, chuyện Quang Hải ra nước ngoài thi đấu (nếu trường hợp này xảy ra) sẽ mang ý nghĩa khác hẳn với những chuyến xuất ngoại của những tài năng trẻ trưởng thành tại lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai cách đây chưa lâu: Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... - kẻ đầu quân cho Nhật, người “bén duyên” với xứ Hàn nhưng thực chất đấy là những bận “gả bán” do chính ông bầu Đoàn Nguyên Đức đứng “chủ hôn”. Nói cách khác, “những đứa trẻ nhà bầu Đức” xuất dương theo diện “gửi gắm” chứ chưa phải yếu tố “cầu hiền” từ đối tác.

Tương tự như vậy, trong quá khứ, tiền đạo xứ Nghệ Lê Công Vinh cũng từng được ra sân trong màu áo một đội bóng hạng trung ở Bồ Đào Nha, song cũng như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... chuyến “du Âu” của Vinh “Nghệ” thực chất chỉ mang ý nghĩa “du học” theo kênh của cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam H. Calisto.

Ở góc độ khác, sự kiện Lương Trung Tuấn khoác áo Cảng Thái Lan (năm 2005) với mức “lương còm”: 400USD/tháng, Việt Thắng thử sức ở Bồ Đào Nha (mùa bóng 2003)... chỉ là “xuất ngoại bất đắc dĩ” bởi lúc này, Trung Tuấn, Việt Thắng đều đang dính án kỷ luật cấm thi đấu trong nước nên buộc phải bôn ba nơi xứ người.

Vì lẽ đó, sự kiện một đội bóng Nhật Bản gửi đề nghị thương thảo đến Hà Nội FC thực sự là tín hiệu rất tốt cho làng bóng nước nhà bởi sau nhiều năm ươm mầm, “hàng Việt Nam” đã được thế giới biết tới, đích đến lại là đất nước Mặt trời mọc - một trong những nền bóng đá hàng đầu châu lục. Tuy nhiên, đằng sau lời mời gọi này không phải không có những điều đáng để băn khoăn.

Bởi lịch sử sân cỏ quốc nội nhiều năm qua đã chứng minh, dù được tán dương bằng không ít ngôn từ hoa mỹ nhưng việc xuất ngoại của giới “quần đùi áo số” nước nhà chưa bao giờ thoát khỏi mục đích... thương mại.

Đơn cử như trường hợp cựu tiền đạo Lê Huỳnh Đức. Năm 2001, chân sút một thời lừng danh được gửi sang Trung Quốc khoác áo CLB Chongquin Lifan, đổi lại, phía đối tác cũng gửi sang đội bóng chủ quản của Huỳnh Đức 3 cầu thủ khác cùng... 60 xe mô tô đặc chủng. Hay gần đây, sau khi Công Phượng sang Nhật Bản, gần như ngay lập tức, thương hiệu bia Sapporo của nước này cũng được giới thiệu với người hâm mộ nước nhà.

Vậy nên không thể không đặt ra câu hỏi: Đằng sau lời đề nghị mà CLB Renofa Yamagu gửi đến Quang Hải và Hà Nội FC là gì? Họ thực sự cần một cầu thủ xuất sắc (dĩ nhiên là chỉ xuất sắc đối với một CLB hạng hai của Nhật) hay đó chỉ là một “bước đệm” cho chiêu tiếp thị một sản phẩm tiêu dùng trong tương lai?

Rất tiếc là ưu tư này đã không có câu trả lời bởi đội bóng thủ đô đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị này, bởi “Quang Hải không phải để bán” (như giải thích từ nhà tân vô địch V.League 2018), nhưng cũng không loại trừ khả năng lãnh đạo Hà Nội FC đã “ngửi” thấy đằng sau văn bản đề nghị từ Renofa Yamagu còn là những động cơ “phi sân cỏ”?

Manh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/3tcudv/new-article.aspx