Quảng Lợi vượt khó

Từng là một trong 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đầm Hà, nhưng năm 2017 xã Quảng Lợi đã thoát khỏi diện 135. Hiện 3 thôn còn lại của xã là Châu Hà, Thanh Sơn và An Bình cũng đạt đủ các tiêu chí, đang đề nghị tỉnh và Trung ương rà soát để ra khỏi diện 135.

Để có được thành công này, trong những năm qua, bên cạnh hỗ trợ từ Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, Quảng Lợi nỗ lực cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp để khai thác hiệu quả đất đai, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2018 của xã là 4,84% (32/661 hộ).

Kết hợp nhiều nguồn vốn, hạ tầng giao thông trên địa bàn xã Quảng Lợi được đầu tư cơ bản.

Tập thể lãnh đạo xã Quảng Lợi xác định muốn cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa thì trước hết phải hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Có giao thông tốt, hàng hóa thông thương, người dân mới sản xuất tốt được, từ đó xã ưu tiên các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, vốn 135... huy động người dân cùng vào cuộc hiến đất, góp công làm đường giao thông. Chỉ tính riêng 2 năm gần đây, xã đã đón nhận các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn gồm 45 công trình, trong đó: 16 tuyến đường giao thông; 11 tuyến kênh tưới; 1 tuyến nước sạch; 11 tuyến đường ngõ xóm; sửa chữa, nâng cấp 2 trường học và 4 công trình khác. Quá trình xây dựng hạ tầng giao thông, nhân dân đã hiến 6.304m2 đất và cây cối hoa màu trị giá 161,44 triệu đồng. Đến nay, xã đã hoàn thành bê tông hóa 8,5km đường từ trung tâm xã đến huyện; 9,6km đường trục thôn và đường liên thôn; 5,5km đường ngõ, xóm; 13km đường nội đồng.

Từ hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi được nâng cấp, xã đã tổ chức lại sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản từ quy mô sản xuất nông hộ kiểu cũ sang các hình thức tổ chức sản xuất mới, như: Trang trại, nhóm gia trại, tổ hợp tác, HTX... Điển hình là mô hình trồng cây mía tím duy trì từ 15ha trở lên/năm, trồng củ cải trên 35ha/vụ/năm. Chuyển dịch chăn nuôi được hình thành theo hướng gia trại, hiện nay xã có 10 gia trại chăn nuôi ngan, gà, dê, thỏ, lợn, ong mật... đang được nhân dân duy trì, phát triển tốt.

Hiện nay, xã Quảng Lợi duy trì trên 35ha củ cải/vụ. Trong ảnh: Người dân thôn Trung Sơn thu hoạch củ cải. Ảnh: Mai Thắm (CTV)

Cùng với đó, xã Quảng Lợi đã lập và triển khai quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, trong đó gắn với các sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương là củ cải và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP. Trước kia, diện tích trồng củ cải của xã chỉ có 6-8ha, nay đã phát triển trên 35ha/năm, năng suất đạt 20 tấn củ cải tươi/ha.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các hợp tác xã, bà con nông dân đã liên kết, mạnh dạn cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn vừa được Sở KH&CN hỗ trợ chuyển giao dây chuyền công nghệ chế biến củ cải ăn liền. Tổng vốn đầu tư trên 1,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 400 triệu đồng và trên 1 tỷ đồng vốn đối ứng của doanh nghiệp. Công nghệ chế biến củ cải ăn liền được chuyển giao từ Trung tâm Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Hà Nội. Với dây chuyền công nghệ này, sản phẩm củ cải Đầm Hà khi đến tay người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay, không cần chế biến. Như vậy, ngoài sản phẩm củ cải phên, củ cải khô thì đến nay HTX đã phát triển thêm sản phẩm củ cải ăn liền. Riêng vụ củ cải đầu năm 2018, HTX đã trồng và thu hoạch hơn 100 tấn củ cải tươi, sản xuất gần 20 tấn củ cải thành phẩm các loại. Hiện HTX sẽ tiếp tục thu mua củ cải tươi của bà con để đẩy mạnh sản xuất.

Trung Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201811/quang-loi-vuot-kho-2410513/