Quăng 'mồi lửa' vào 'thùng thuốc súng'

QĐND - Sự cố hai tàu chở dầu, một của Na Uy, một của Nhật Bản bị tấn công trên vịnh Oman xảy ra vào đúng thời điểm nhạy cảm khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm Tehran với sứ mệnh được trông đợi là nhà trung gian hòa giải giữa Mỹ và nhà nước Hồi giáo Iran.

Một tàu chở dầu bốc cháy trên Vịnh Oman ngày 13/6/2019. Ảnh: AP

Chưa rõ thế lực nào đứng sau vụ tấn công, nhưng dù là ai, đây cũng là hành động nguy hiểm cần cực lực lên án, bởi nó phá hoại các nỗ lực đem lại hòa bình và ổn định khu vực Trung Đông, làm leo thang căng thẳng ở nơi được mệnh danh “thùng thuốc súng”. Ngay sau vụ việc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo rằng thế giới không thể để xảy ra một cuộc đối đầu lớn tại vùng Vịnh.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh, nhưng vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Iran chưa được giải quyết như hiện nay, một “đốm lửa nhỏ” cũng đủ để làm “thùng thuốc súng” phát nổ. Nhất là khi xung quanh đó đang rất sẵn các phương tiện cho chiến tranh là lực lượng quân sự hùng hậu của Mỹ, bao gồm một nhóm tàu tác chiến sân bay, 4 máy bay ném bom chiến lược B52. Mỹ hoàn toàn có thể lấy cớ duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực sau sự cố trên để phong tỏa vịnh Ba Tư, nhất là khi các lợi ích quốc gia của Mỹ bị đe dọa, trong đó bao gồm hoạt động tự do hàng hải. Về phía Iran, nếu khả năng đó xảy ra, nhà nước Hồi giáo cũng không thiếu tiềm lực để đáp trả với quy mô lớn, nhất là với lợi thế “sân nhà”.

Người phát ngôn Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, Trung tá Earl Brown nhấn mạnh các vụ việc trên “là một mối đe dọa rõ ràng đối với tự do hàng hải và tự do thương mại quốc tế”. Tuy nhiên, để dẫn tới các hành động quân sự xa hơn với Iran trong thời điểm hiện nay rõ ràng không nằm trong lợi ích của nước Mỹ. Với Iran, việc động binh trên tuyến đường biển huyết mạch xuất khẩu dầu mỏ ra thế giới cũng không phải là hành động khôn ngoan.

Dẫu sao tất cả vẫn chỉ là những phỏng đoán và mối lo ngại về nguy cơ chiến tranh Mỹ-Iran lại trỗi dậy mỗi khi hai bên xảy ra căng thẳng. Điều đáng lo ngại hơn đó là dường như đang có một thế lực “ném đá giấu tay” muốn đẩy tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu và nhắm tới Iran như một “đích ngắm”.

Ở vụ việc lần này, cũng như những lần tấn công tàu chở dầu xảy ra trước đó, Iran lập tức bị một số nước, dẫn đầu là Mỹ và sau đó là một số nước đối thủ của Tehran ở khu vực vùng Vịnh, cáo buộc là “thủ phạm” cho dù chưa có bằng chứng rõ ràng. Báo chí phương Tây cũng nhanh chóng “té nước” theo bằng cách nhắc lại chiến thuật trong các cuộc tập trận của Iran là đòn tấn công vào các tàu chở hàng, nhất là các tàu chở dầu đi qua vịnh Ba Tư, hay các cuộc tấn công tàu chở dầu đi qua khu vực của Iran và Iraq vào thập niên 80 của thế kỷ trước… Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố trước báo giới, Iran phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công xảy ra ở vịnh Oman, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể nào.

Tất nhiên, Iran bác bỏ mọi lời cáo buộc.

Bỏ qua một bên những tranh cãi giữa các bên sau vụ việc, điều quan trọng hơn cần tìm hiểu động cơ của những vụ tấn công tàu chở dầu là gì? Việc Iran lập tức bị cáo buộc là thủ phạm và vụ tấn công nhằm vào tàu Nhật xảy ra đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thăm Iran, không khỏi khiến người ta nghi ngờ vụ tấn công là có chủ đích. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Iran được hy vọng sẽ giúp Mỹ và Iran xích lại gần nhau hơn, ít ra hai bên có thể trở lại bàn đàm phán. Nhưng sự cố tấn công tàu chở dầu ở vịnh Oman đã phủ bóng lên chuyến thăm hiếm hoi của nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Iran.

Xem ra kẻ chủ mưu vụ tấn công đã đạt được ý đồ khi khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn, cộng với bầu không khí nghi kỵ lẫn nhau bao trùm. Ngoại trưởng Iran đã phản pháo coi cáo buộc của Mỹ nhằm vào Iran là một phần của “ngoại giao phá hoại”. Phát ngôn cứng rắn này của ông Mohammad Javad Zarif đồng nghĩa với nỗ lực ngoại giao của Thủ tướng Shinzo Abe đã thất bại.

Trước khi có kết luận cuối cùng của các nhà điều tra dựa trên những bằng chứng xác thực, không thể vội vàng đưa ra cáo buộc nhằm vào bất cứ bên nào, nếu không chỉ càng làm lộ rõ ý đồ muốn dồn Iran vào bước đường cùng trong bối cảnh nhà nước Hồi giáo này đang chịu nhiều sức ép cả bên trong lẫn bên ngoài khu vực. Mỹ hiện đang thúc đẩy chiến lược gây sức ép tổng thể cả về chính trị, kinh tế, quân sự nhằm vào Iran và với các vụ tấn công mới này, không loại trừ khả năng Iran tiếp tục phải hứng chịu thêm những “đòn” gây áp lực mới từ Washington. Vụ tấn công xảy ra vào thời điểm tình báo Mỹ cách đó ít lâu tuyên bố Iran đang chuẩn bị tấn công vào đồng minh và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông.

Ở nơi được mệnh danh “thùng thuốc súng” như Trung Đông, sự kiềm chế tối đa và tránh mọi khiêu khích vào thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Bởi nơi đây, không chỉ có một “ngòi nổ” là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran liên quan tới hồ sơ hạt nhân của Tehran. Mối hiềm khích giữa Iran và các nước đối thủ ở khu vực đang muốn kiềm chế sức mạnh và sự trỗi dậy của nhà nước Hồi giáo cũng là một nguy cơ tiềm ẩn nhiều bất trắc. Không cần mồi lửa, nguy cơ “thùng thuốc súng” phát nổ cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

MỸ HẠNH

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=139979